Chỉ thị 3038/CT-BNN năm 2008 về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm trong mùa đông xuân 2008-2009 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 3038/CT-BNN
Ngày ban hành 10/10/2008
Ngày có hiệu lực 10/10/2008
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Bùi Bá Bổng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 3038/CT-BNN

Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH CHO GIA SÚC, GIA CẦM TRONG MÙA ĐÔNG XUÂN 2008-2009

Thời gian qua, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở nước ta tạm lắng. Tuy nhiên, hiện nay tại một số địa phương đã bắt đầu tái phát các ổ dịch trên gia súc, gia cầm. Đây có thể là dấu hiệu của một đợt dịch mới trên gia súc, gia cầm trong mùa Đông Xuân (mùa đông) năm nay. Theo các số liệu dịch tễ, các đợt dịch trên gia súc, gia cầm thường phát sinh trong mùa Đông Xuân, nguyên nhân do thời tiết thay đổi, nhiệt độ môi trường lạnh tạo điều kiện cho nhiều loại mầm bệnh tồn tại và phát triển. Bên cạnh, các hoạt động chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm gia tăng trong những tháng cuối năm tạo nguy cơ bùng phát và lây lan dịch.

Để chủ động phòng chống dịch hiệu quả trong mùa Đông Xuân 2008-2009, tạo điều kiện cho phát triển chăn nuôi, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện một số nội dung sau:

1. Công tác chỉ đạo

Quán triệt đến các cấp chính quyền và ngành nông nghiệp không được chủ quan, lơ là đối với sự tái phát của dịch bệnh ở gia súc, gia cầm trong mùa Đông Xuân năm nay, nhất là dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng ở gia súc và tai xanh ở lợn. Kiện toàn và duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các cấp để chỉ đạo các hoạt động phòng chống dịch. Ra văn bản chỉ thị tăng cường công tác phòng chống dịch tại địa phương.

2. Công tác hậu cần

Rà soát Kế hoạch phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn đặc biệt là kế hoạch kinh phí và nguồn nhân lực. Kiểm tra và mua bổ sung hoá chất khử trùng, các dụng cụ, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch để chủ động ứng phó khi có dịch.

3. Công tác giám sát dịch

Chỉ đạo lực lượng thú y của địa phương và cấp chính quyền cơ sở tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch ngay khi xảy ra. Khuyến khích, vận động các tổ chức đoàn thể của địa phương cùng tham gia công tác giám sát dịch, báo cáo dịch kịp thời, không dấu dịch.

4. Công tác tiêm phòng

Xây dựng, phê duyệt và chỉ đạo tổ chức thực hiện đạt chỉ tiêu công tác tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm đợt II/2008, tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng theo Chương trình quốc gia, theo kế hoạch của địa phương và tiêm phòng các bệnh bắt buộc khác theo như quy định tại Quyết định số 63/2005/QĐ-BNN ban hành ngày 13 tháng 10 năm 2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để chủ động phòng bệnh. Những địa phương lâu nay không thực hiện tốt công tác tiêm phòng để dịch bệnh thường xuyên xảy ra cần nghiêm khắc rút kinh nghiệm.

5. Công tác thông tin tuyên truyền

Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức và kiến thức phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm cho người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ. Hướng dẫn người chăn nuôi chủ động phòng chống đói rét cho đàn gia súc trong mùa đông và thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn. Tuyên truyền, vận động người buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm tuân thủ các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thú y.

6. Công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển

Tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm. Chỉ đạo cơ quan thú y của địa phương hướng dẫn việc cách ly, kiểm dịch đối với đàn gia súc, gia cầm mua từ địa phương khác về chăn nuôi.

Các tỉnh biên giới chỉ đạo chính quyền các cấp và các lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ các hoạt động vận chuyển gia súc, gia cầm bất hợp pháp qua biên giới, kết hợp với công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tuân thủ pháp luật và tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thú y. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.   

7. Kiểm soát giết mổ, buôn bán động vật, sản phẩm động vật

Tiếp tục việc xây dựng quy hoạch hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm, vận động thực hiện việc giết mổ tập trung và thực hiện việc kiểm soát giết mổ nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và hạn chế lây lan dịch bệnh. Thành lập các đoàn công tác liên ngành bao gồm thú y, y tế, quản lý thị trường và cảnh sát môi trường kiểm tra đột xuất, định kỳ hàng tháng công tác giết mổ, buôn bán gia súc, gia cầm của địa phương.

8. Tăng cường năng lực cho ngành thú y

Các địa phương chưa thực hiện việc tổ chức hệ thống thú y xã, phường cần triển khai thực hiện theo tinh thần Công văn số 1569/TTg-NN ngày 19/10/ 2007 của Thủ tướng Chính phủ về quy định phụ cấp cho nhân viên thú y cấp xã để bổ sung thêm lực lượng tham gia giám sát, phòng chống dịch.

Tổ chức thực hiện Thông tư liên tịch số 61/2008/TTLT-BNN-BNV ngày 15 tháng 5 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và nhiệm vụ quản lý nhà nước của Uỷ ban nhân dân cấp xã về nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tốt các nội dung Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cùng phối hợp giải quyết./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Bùi Bá Bổng