Chỉ thị 30-TTg về tổ chức phong trào Đồng Khởi thi đua tăng năng suất lao động, hoàn thành thắng lợi kế hoạch nhà nước năm 1980, kỷ niệm 3 ngày lễ lớn trong năm do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 30-TTg |
Ngày ban hành | 22/01/1980 |
Ngày có hiệu lực | 22/01/1980 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký | Lê Thanh Nghị |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 30-TTg |
Hà Nội, ngày 22 tháng 01 năm 1980 |
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, năm 1979 nhân dân cả nước đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, hăng hái đồng khởi thi đua lao động sản xuất và tiết kiệm, vượt qua những biến cố quan trọng, giành nhiều thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Điểm nổi bật nhất là chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân ta đã đánh thắng liên tiếp hai cuộc chiến tranh xâm lược do tập đoàn phản động Bắc Kinh phát động từ phía Tây Nam và phía Bắc nước ta, đồng thời làm tròn nghĩa vụ quốc tế đối với cách mạng Cam-pu-chia và cách mạng Lào, góp phần quan trọng vào thắng lợi của ba dòng thác cách mạng trên thế giới. Trên mặt trận kinh tế, được những thắng lợi to lớn trên các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao cổ vũ, nhân dân cả nước đã nỗ lực đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, hàng tiêu dùng và chăm sóc đời sống, v.v… vượt qua nhiều khó khăn về thiên tai, địch họa, thu được những thành tựu đáng kể, làm nảy nở nhiều nhân tố và điển hình tiên tiến mới. Phong trào thi đua với Vũ Thắng, Định Công trong nông nghiệp bước đầu có tác dụng tốt, thúc đẩy thâm canh tăng năng suất, tăng vụ, khai hoang, cải tạo và hoàn thiện quan hệ sản xuất, làm nghĩa vụ đối với Nhà nước. Phong trào thi đua trong các ngành công nghiệp, thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản và phục vụ đời sống có sự chuyển biến mới, hướng vào việc phục vụ nông nghiệp, khắc phục khó khăn về nguyên liệu và phụ tùng để duy trì sản xuất, tận dụng phế liệu để tăng thêm hàng tiêu dùng, cải tiến công tác và lề lối làm việc để phục vụ tốt đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân. Phong trào Ba xung kích làm chủ tập thể của Đoàn thanh niên và phong trào Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Hội liên hiệp phụ nữ đã kết hợp khá chặt chẽ việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa với việc đẩy mạnh nhiệm vụ xây dựng kinh tế, củng cố quốc phòng.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích và tiến bộ nói trên, khuyết điểm đáng chú ý là phong trào thi đua chưa đều, nội dung, biện pháp tổ chức thi đua chưa gắn bó chặt chẽ với những nhiệm vụ trọng tâm về sản xuất và xây dựng, v.v… của từng đơn vị cơ sở, nhất là yêu cầu tăng năng suất lao động xã hội, chưa có tác dụng lôi cuốn, thúc đẩy mọi người vươn lên hoàn thành tốt kế hoạch Nhà nước năm 1979; lãnh đạo các ngành, các cấp nhất là các đơn vị cơ sở chưa thật sự chú trọng tổ chức và chỉ đạo phong trào thi đua lao động sản xuất và tiết kiệm đi vào chiều sâu, còn nặng về hình thức; việc tổng kết và phổ biến kinh nghiệm điển hình tiên tiến và nêu gương “Người tốt, việc tốt”, biểu dương khen thưởng những nhân tố mới chưa làm kịp thời, thường xuyên. Việc phê phán, đấu tranh chống những hiện tượng tiêu cực trong sản xuất và đời sống cũng chưa kiên quyết và có hiệu quả. Việc phối hợp giữa chính quyền và các đoàn thể chưa chặt chẽ. Ban thi đua và khen thưởng các cấp chậm được củng cố và kiện toàn.
Để bảo đảm phong trào đồng khởi thi đua năm 1980 có sự chuyển biến mạnh mẽ nhằm phấn đấu hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước năm 1980, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị một số vấn đề về tổ chức phong trào thi đua năm 1980 như sau.
I. Tổ chức và chỉ đạo thật tốt phong trào đồng khởi thi đua năm 1980 nhằm phát huy mọi tiềm lực sẵn có và những nhân tố tích cực, đẩy mạnh tăng năng suất lao động xã hội, tăng hiệu suất công tác, tăng hiệu quả chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, phấn đấu hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước năm 1980, trọng tâm là sản xuất lương thực và thực phẩm, làm ra thật nhiều sản phẩm cho tiêu dùng và xuất khẩu, lập thành tích xuất sắc chào mừng 3 ngày lễ lớn năm 1980.
Nội dung thi đua phải toàn diện, vừa đẩy mạnh sản xuất, ổn định và cải thiện đời sống của nhân dân, vừa chú trọng củng cố quốc phòng, giữ gìn trật tư an ninh, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, vừa đấu tranh khắc phục các hiện tượng tiêu cực trong xã hội; đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng nếp sống mới, con người mới xã hội chủ nghĩa.
Từng ngành, từng cấp (nhất là các ngành ở trung ương) phải xem xét kịp thời những vấn đề của các cơ sở, hướng mọi hoạt động phục vụ cho cơ sở, hướng dẫn và giúp đỡ cơ sở bố trí kế hoạch tích cực và vững chắc, đồng thời bảo đảm điều kiện cần thiết để các cơ sở phát huy mạnh mẽ tiềm lực của mình, thi đua tăng năng suất lao động, thực hiện thắng lợi kế hoạch được giao.
Trên tinh thần đó, nội dung thi đua năm 1980 cần hướng vào những yêu cầu sau đây:
- Trong các ngành nông nghiệp: thi đua tận dụng tiềm năng về lao động, đất đai và cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện có, thực hiện thâm canh, tăng vụ và khai hoang; tận dụng và khai thác đạt hiệu quả cao nhất các công trình thủy lợi hiện có để bảo đảm cung cấp nước kịp thời vụ; đẩy mạnh phong trào làm phân hữu cơ, phân xanh, khuyến khích việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; ra sức phát huy tác dụng của những chính sách đã và sắp ban hành cùng với những cải tiến mới trong chế độ kế hoạch hóa và quản lý, tổ chức lại sản xuất và quản lý; đẩy mạnh công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa một cách tích cực và vững chắc, hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; kết hợp khai thác nghề thủ công, phát triển lâm nghiệp, ngư nghiệp ở những nơi có điều kiện; ra sức tăng nhanh sản lượng trồng trọt và chăn nuôi, tăng tích lũy cho nông trường quốc doanh, đơn vị kinh tế tập thể, chăm sóc tốt đời sống cho xã viên và nông dân.
Các ngành, các cơ sở trực tiếp phục vụ nông nghiệp như thủy nông, máy kéo, vật tư nông nghiệp, cơ khí, điện than, vận tải,… hoặc gián tiếp phục vụ nông nghiệp cần bám sát thời vụ gieo trồng, tích cực cải tiến kỹ thuật, cải tiến công tác của mình để phục vụ tốt nhất cho sản xuất nông nghiệp.
Kết quả thi đua cao nhất đối với các nông trường sản xuất lương thực và chăn nuôi, các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và tập đoàn sản xuất nông nghiệp là sản xuất được nhiều lương thực thực phẩm và các nông sản khác, cung cấp cho Nhà nước nhiều nông sản theo nghĩa vụ ổn định và giá thỏa thuận.
Ngành lâm nghiệp thi đua đẩy mạnh phong trào nhân dân trồng cây, sử dụng tốt lao động trồng rừng, chăm sóc và bảo vệ rừng, bảo đảm kỹ thuật khai thác và cung cấp gỗ đầy đủ, kịp thời theo kế hoạch Nhà nước.
Ngành hải sản thi đua quản lý chặt chẽ vật tư và phân phối đúng hướng, tận dụng mọi phương tiện, mọi nguồn lao động bảo đảm kế hoạch xuất khẩu, bảo đảm cá tươi, cá khô, nước mắm, v.v… cho các thành phố, khu công nghiệp, các tỉnh miền núi và biên giới.
- Các ngành công nghiệp và thủ công nghiệp: thi đua phát huy sáng kiến cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, hướng vào yêu cầu cấp bách nhất là phục vụ sản xuất nông nghiệp, hàng tiêu dùng và xuất khẩu. Bằng mọi biện pháp, cố gắng thay thế nguyên liệu nhập khẩu bằng nguyên liệu có sẵn trong nước; tận dụng mọi phế liệu, tăng thêm hàng tiêu dùng; tiết kiệm lao động, vật tư, năng lượng; tận dụng công suất, thiết bị, máy móc.
Kết quả thi đua cao nhất là khối lượng sản phẩm sản xuất ra; khối lượng hàng hóa tiếp nhận và vận chuyển, khối lượng công trình hoặc hạng mục công trình được hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng, phục vụ kịp thời cho các nhu cầu sản xuất, chiến đấu và đời sống nhân dân theo kế hoạch Nhà nước.
- Trong các ngành lưu thông phân phối: thi đua chấn chỉnh và tăng cường tổ chức quản lý và chỉ đạo; nghiêm chỉnh thực hiện chính sách và chế độ quản lý phân phối của Nhà nước, chống các hiện tượng tiêu cực một cách có hiệu quả; tăng cường khai thác các nguồn hàng trong nước, phục vụ kịp thời các yêu cầu về sản xuất, chiến đấu và đời sống nhân dân.
- Các ngành khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội, văn hóa, nghệ thuật: thi đua phấn đấu xây dựng những công trình nghiên cứu, sáng tác những tác phẩm có chất lượng cao, phục vụ kịp thời cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
- Trong các cơ quan quản lý, sự nghiệp và hành chính: thi đua cải tiến công tác, tiếp tục sửa đổi, bổ sung các chính sách và chế đô, cải tiến lề lối làm việc; cải tiến bộ máy, giảm nhẹ biên chế; hướng về cơ sở, phục vụ đắc lực cho cơ sở, cho tiền tuyến.
- Các lực lượng vũ trang nhân dân: thi đua đẩy mạnh cuộc vận động Phát huy bản chất tốt đẹp, nâng cao sức mạnh chiến đấu, tăng cường đoàn kết giữa cán bộ và chiến sĩ, giữa quân đội và nhân dân; đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
1. Triệt để tôn trọng quyền làm chủ tập thể của quần chúng trong sản xuất và phân phối, tổ chức đều đặn các hội nghị công nhân, viên chức, các đại hội xã viên với nội dung thiết thực, vận động quần chúng tích cực tham gia nhiều ý kiến vào việc xây dựng các chỉ tiêu kế hoạch và các biện pháp kinh tế - kỹ thuật, làm cho kế hoạch của cơ sở thực sự là chương trình hành động cách mạng, là mục tiêu thi đua của đông đảo quần chúng. Ra sức phát động quần chúng nêu cao ý thức làm chủ tập thể, tích cực ngăn chặn và đấu tranh chống những hành động tiêu cực, nhất là tệ ăn cắp, hối lộ, ức hiếp quần chúng, xây dựng nền nếp quản lý mới, v.v…
Triệt để phát huy tinh thần tự lực tự cường, không ỷ lại vào trên, vào nước ngoài, ra sức khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ. Các xí nghiệp, công trường, v.v… nơi nào có điều kiện tương đối đủ về vật tư thì ra sức thi đua tăng năng suất lao động, bảo đảm chất lượng, hạ giá thành; nơi nào quá thiếu vật tư không thể tiếp tục công việc sản xuất thường xuyên được, thì phải nhanh chóng sắp xếp lại các khâu trong dây chuyền sản xuất xây dựng, có kế hoạch sử dụng tốt lao động thừa, động viên và tổ chức thi đua hoàn thành bất kỳ việc gì cấp trên giao cho với tinh thần tự giác cao.
Triệt để phát huy tinh thần sáng tạo trong thi đua, đẩy mạnh phong trào. Mỗi người một sáng kiến, mỗi cán bộ kỹ thuật một đề tài nhằm vào những khâu yếu, khâu trọng tâm của sản xuất để thúc đẩy tăng năng suất lao động.
2. Thực hiện đều đặn nếp báo công, lập công kết hợp chặt chẽ với việc chống tiêu cực từ tổ và đội sản xuất, công tác, từ cơ sở… sau mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi đợt thi đua; khuyến khích thi đua lao động sản xuất và tiết kiệm, tăng năng suất lao động; phê phán thái độ lười biếng, lãng phí, quan liêu, cửa quyền; khuyến khích kịp thời nhân tố mới và động viên giáo dục người yếu kém, gây không khí phấn khởi thi đua lập nhiều thành tích mới.
3. Tiếp tục làm tốt việc tổng kết và phổ biến kinh nghiệm điển hình tiên tiến từ cơ sở.
Nắm vững yêu cầu của việc tổng kết và phổ biến kinh nghiệm điển hình tiên tiến là nhằm nâng cao độ đồng đều; thu hẹp diện yếu kém trì trệ, phấn đấu đạt năng suất lao động xã hội cao trong từng cơ sở, từng huyện, từng tỉnh, từng ngành, góp phần tích cực giải quyết những vấn đề kinh tế cấp bách, củng cố quốc phòng và an ninh.
Trong nông nghiệp phải tiếp tục phổ biến những bài học kinh nghiệm lớn từ những hợp tác xã điển hình giỏi của cả nước là Vũ Thắng và Định Công; đồng thời trong từng huyện, từng tỉnh, cần chú ý chọn lựa và phổ biến những kinh nghiệm, những bài học thiết thực của những hợp tác xã, tập đoàn sản xuất có thành tích tương đối vững chắc, có những bài học có tính phổ biến và tính thuyết phục cao để phổ biến rộng rãi cho các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất trong huyện và tỉnh làm theo.