Chỉ thị 24/2011/CT-UBND về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2012 của thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 24/2011/CT-UBND
Ngày ban hành 19/07/2011
Ngày có hiệu lực 29/07/2011
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Lê Hoàng Quân
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 24/2011/CT-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 7 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NĂM 2012 CỦA THÀNH PHỐ

Thực hiện Chỉ thị số 922/CT-TTg ngày 15 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; trên cơ sở dự báo về tình hình chính trị, kinh tế thế giới và cả nước; dự ước kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và thu chi ngân sách năm 2011. Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Thủ trưởng các sở - ban - ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện, Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc, Giám đốc các Tổng Công ty, Công ty nhà nước tập trung xây dựng kế hoạch kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2012 theo các nội dung chủ yếu sau đây:

A. YÊU CẦU XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NĂM 2012 CỦA THÀNH PHỐ

1. Năm 2012 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX, Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới biến động khó lường và tình hình kinh tế - xã hội cả nước và thành phố còn nhiều khó khăn, thách thức… vì vậy, lãnh đạo các ngành, các cấp cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, đổi mới công tác xây dựng kế hoạch, thu chi ngân sách thật phù hợp với yêu cầu xây dựng, phát triển thành phố bền vững, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.

Kế hoạch kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách thành phố năm 2012 cần được chuẩn bị khẩn trương, nghiêm túc. Nội dung kế hoạch phải bao quát hoạt động của các ngành, các cấp, các thành phần kinh tế trên địa bàn, kết hợp chặt chẽ giữa kế hoạch phát triển kinh tế với kế hoạch phát triển văn hóa - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Những giải pháp và biện pháp tổ chức thực hiện phải cụ thể, với tinh thần năng động, sáng tạo, nhạy bén, phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng cơ quan, đơn vị; xác định rõ phương thức, điều kiện và thời gian tổ chức thực hiện.

2. Trên cơ sở kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm, dự ước cả năm 2011 và các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm 2011 - 2015:

a) Tổ chức đánh giá nghiêm túc tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011 trên cơ sở đánh giá đầy đủ tình hình thực hiện các kết luận của Thành ủy, các nghị quyết của Hội đồng nhân dân và quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; so sánh với mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015.

b) Xác định mục tiêu và nhiệm vụ kế hoạch năm 2012 phải căn cứ mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, tình hình thế giới và trong nước; đồng thời, phải căn cứ các yêu cầu phát triển trong giai đoạn sắp tới.

c) Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2012 phải gắn kết với khả năng cân đối nguồn lực và khả năng thực hiện của các cấp, các ngành để bảo đảm tính khả thi, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực hợp lý, không để lãng phí, kém hiệu quả.

B. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH

Mục tiêu tổng quát của năm 2012 là góp phần cùng cả nước vượt qua mọi thử thách, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng phù hợp, khai thác và huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung cải cách hành chính, phòng ngừa tham nhũng, xây dựng giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phát triển hợp lý, bền vững.

I. Nhiệm vụ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố năm 2012

Quán triệt sâu sắc 7 nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước năm 2012, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu:

1. Tập trung khôi phục, giữ vững tốc độ kinh tế phù hợp, phát triển bền vững:

a) Tổ chức thực hiện Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế thành phố giai đoạn 2011 - 2015 và triển khai Đề án nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Khai thác và phát huy lợi thế của các ngành, lĩnh vực, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển nhanh các ngành, lĩnh vực kinh tế có hàm lượng khoa học - công nghệ cao và giá trị gia tăng cao để tạo đà tăng trưởng kinh tế hiệu quả, chất lượng và bền vững. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GDP) trên 11%, cao hơn 1,5 lần so với của cả nước[1]; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển 9 nhóm ngành dịch vụ đã được xác định trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố 5 năm[2] 2011 - 2015, bảo đảm khu vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu kinh tế trên địa bàn. Khẩn trương hoàn tất và triển khai đề án xây dựng Trung tâm tài chính thành phố Hồ Chí Minh để đẩy mạnh phát triển sản phẩm tài chính, định chế tài chính và thị trường tài chính. Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu, đề án xây dựng mạng lưới phân phối, bán buôn và bán lẻ, đề án phát triển hệ thống thương mại điện tử, đảm bảo cung ứng hàng hóa kịp thời, đầy đủ với giá cả hợp lý, nhất là hàng tiêu dùng thiết yếu. Thực hiện có hiệu quả chương trình bình ổn thị trường gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, góp phần tích cực vào việc kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Phát triển mạnh 4 ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ cao và giá trị gia tăng lớn[3]. Đồng thời lựa chọn một số công đoạn có giá trị gia tăng cao trong các ngành công nghiệp truyền thống để đầu tư tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu các sản phẩm công nghiệp; phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ.

Triển khai các chính sách hỗ trợ, đẩy mạnh thực hiện chương trình hành động của Thành ủy về nông nghiệp, nông thôn, nông dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản theo hướng gắn liền với đặc trưng của một đô thị lớn là nông nghiệp sạch, không gây ô nhiễm môi trường, ứng dụng công nghệ sinh học hiện đại, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, kết hợp xây dựng nông thôn mới. Tăng cường quản lý nhà nước, công tác kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, thực vật, thủy sản; công tác quản lý bảo vệ rừng, động vật hoang dã, phòng, chống cháy rừng...

Tập trung hoàn thiện các loại quy hoạch (quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực…) gắn quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đáp ứng yêu cầu điều chỉnh quy hoạch không gian đô thị, phân bổ lực lượng sản xuất, phân công lao động và bố trí dân cư.

b) Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư; mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chú trọng thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường truyền thống và thị trường mới có nhiều tiềm năng. Đổi mới cách thức tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại theo hướng chú trọng vào khâu tổ chức và cung cấp thông tin thị trường, tập trung xúc tiến thương mại tại các thị trường trọng điểm, thị trường mới mở.

c) Phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt để kiềm chế lạm phát, ổn định giá trị tiền đồng Việt Nam, tăng dần dự trữ ngoại hối. Tăng cường quản lý thị trường ngoại tệ và vàng, tránh rủi ro, giảm nợ xấu, bảo đảm tính thanh khoản và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, thực hiện tiết kiệm chi tiêu ngân sách; kiểm soát chặt chẽ và minh bạch hóa chi ngân sách nhà nước và đầu tư công, nhất là đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ và đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát giá cả, thị trường. Bảo đảm cân đối cung cầu và bình ổn giá những mặt hàng thiết yếu; có biện pháp hỗ trợ hộ nghèo, đối tượng chính sách chịu tác động lớn khi nhà nước điều chỉnh giá một số mặt hàng theo cơ chế thị trường.

d) Tiếp tục đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước, tiến hành cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước theo qui định; rà soát, sắp xếp các dự án đầu tư, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; tăng cường quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

đ) Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; giảm tỷ trọng đầu tư công, tăng tỷ trọng đầu tư của khu vực ngoài nhà nước; tập trung vốn ngân sách cho các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2012. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra giám sát việc quản lý và sử dụng vốn của các dự án đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước.

e) Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

2. Về phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội và các lĩnh vực khác:

[...]