Chỉ thị 22/2007/CT-UBND về đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc Khmer đối với học sinh người dân tộc Khmer và cán bộ, công chức công tác tại vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành

Số hiệu 22/2007/CT-UBND
Ngày ban hành 07/11/2007
Ngày có hiệu lực 17/11/2007
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Lê Minh Tùng
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số:22/2007/CT-UBND

Long Xuyên, ngày 07 tháng 11 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG TIẾNG DÂN TỘC KHMER ĐỐI VỚI HỌC SINH NGƯỜI DÂN TỘC KHMER VÀ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CÔNG TÁC TẠI VÙNG CÓ ĐÔNG ĐỒNG BÀO KHMER SINH SỐNG.

Thực hiện tinh thần Chỉ thị số 38/2004/CT-TTg ngày 09/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số đối với cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc, miền núi. Xuất phát từ tình hình thực tế tại địa phương, Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang đã ban hành công văn số 3098/CV-UB ngày 24/11/2004 và công văn số 2184/UBND-VX ngày 13/7/2006 chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai và tổ chức thực hiện Chỉ thị này. Quá trình thực hiện từ năm 2004 đến nay, đối với việc đào tạo, bồi dưỡng tiếng Khmer, đã đạt được một số kết quả cụ thể như: đã mở 07 lớp cho hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên với tổng số 193 cán bộ, công chức tham gia học tiếng Khmer; cử 05 cán bộ, công chức đi đào tạo nguồn giảng viên tiếng Khmer tại Trường Đại học Cần Thơ; cử 09 người đi học tiếng Khmer tại Trà Vinh để bố trí công tác tại cơ quan thông tin đại chúng của huyện Tịnh Biên. Nếu tính từ năm 2001 đến nay, đã mở được 52 lớp cho hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên với tổng số cán bộ, công chức tham gia học tiếng Khmer là 1.532 người.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện, công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếng Khmer cho đội ngũ cán bộ, công chức công tác ở vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó, chủ yếu là bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng để tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến đồng bào dân tộc Khmer ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên; hiệu quả đào tạo chưa cao, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu của việc sử dụng tiếng Khmer trong đội ngũ cán bộ, công chức (kể cả lực lượng vũ trang) ở cơ sở; việc học tiếng Khmer chưa tạo được sự quan tâm từ phía người được chọn đi học, chưa tạo động lực để thúc đẩy cán bộ, công chức học tiếng Khmer.

Nguyên nhân là do tỉnh chưa có kế họach tổng thể về đào tạo, bồi dưỡng tiếng Khmer cho đội ngũ cán bộ, công chức công tác ở vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống; các ngành, các cấp có liên quan tổ chức triển khai thực hiện chưa tích cực, chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong thực hiện. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo, bồi dưỡng còn mang tính thử nghiệm nên chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu, trách nhiệm học tiếng Khmer chưa gắn với quyền lợi và nghĩa vụ của người học; chế độ chính sách cho công tác dạy và học tiếng Khmer đã có nhưng vẫn chưa phù hợp.

Theo tinh thần Chỉ thị số 38/2004/CT-TTg thì tỉnh An Giang phải tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc Khmer, Chăm. Tuy nhiên, hiện nay đối với tiếng Chăm chưa có chương trình và tài liệu giảng dạy chính thức của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Do đó, để thực hiện tốt tinh thần Chỉ thị số 38/2004/CT-TTg ngày 09/11/2004 của Thủ tướng Chính Phủ; Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị về việc đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc Khmer đối với học sinh người dân tộc Khmer và cán bộ, công chức công tác tại vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống như sau:

1. Các sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cần phải quán triệt tinh thần Chỉ thị số 38/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số đối với cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc, miền núi và Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 23/10/2007 của Ban chấp hành Tỉnh ủy về phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số Khmer đến năm 2010 và định hướng đến năm 2015; trong đó cần nâng cao nhận thức về việc cán bộ, công chức công tác ở vùng có đồng bào Khmer sinh sống phải biết tiếng Khmer.

2. Đối tượng được đào tạo, bồi dưỡng tiếng Khmer theo tinh thần Chỉ thị số 38/2004/CT-TTg của tỉnh là tất cả cán bộ, công chức (kể cả giáo viên, lực lượng vũ trang, bộ đội biên phòng, công an, hải quan) đang công tác ở vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống và kể cả vùng giáp biên giới Vương quốc Campuchia. Đặc biệt, ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng tiếng Khmer đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện, xã; công chức nhà nước làm việc thường xuyên trong các lĩnh vực liên quan tới nhiệm vụ giáo dục, tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc, quản lý dân cư, giữ gìn an ninh chính trị, quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói, giảm nghèo.

3. Sở Nội vụ:

- Trên cơ sở tinh thần Chỉ thị số 38/2004/CT-TTg, Nghị quyết số 09-NQ/TU và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng tiếng Khmer cho cán bộ, công chức ở các vùng nêu trên; chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục – Đào tạo, Ban Dân tộc, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính, Trường Đại học An Giang xây dựng kế hoạch tổng thể về đào tạo, bồi dưỡng tiếng Khmer cho các đối tượng nêu trên, trình UBND tỉnh phê duyệt trong tháng 01/2008.

Kế họach đào tạo, bồi dưỡng tiếng Khmer phải đa dạng hóa về phương thức đào tạo (liên kết, tập trung, bán tập trung ...); tập trung đào tạo nguồn giáo viên dạy tiếng Khmer (gởi đi học trình độ đại học ở Trường Đại học Cần Thơ...), giáo viên, cán bộ, công chức đang công tác ở các vùng nêu trên.

- Căn cứ hướng dẫn của Bộ Nội vụ, hướng dẫn các địa phương trong tỉnh về việc đào tạo chuẩn hóa trình độ tiếng Khmer cho các cán bộ, công chức công tác ở các vùng nêu trên. Việc làm này cần có lộ trình cụ thể cho từng đối tượng, để tiến tới xem đây là một trong những tiêu chuẩn của cán bộ, công chức công tác ở các vùng nêu trên. Trường hợp cán bộ, công chức chuẩn bị đến công tác tại các địa phương này mà chưa biết tiếng Khmer thì bắt buộc phải học trước khi bổ nhiệm. Phấn đấu đến năm 2010 tất cả cán bộ, công chức công tác ở các vùng nêu trên đều thông thạo việc nghe, nói tiếng Khmer.

- Phối hợp với Sở Tài chính, các sở ngành, địa phương liên quan xây dựng các chế độ, chính sách ưu tiên xét tuyển, đề bạt, bố trí những người đã qua học chương trình tiếng Khmer theo qui định đến công tác tại các vùng nêu trên, trình UBND tỉnh phê duyệt.

- Từng giai đọan, hàng năm, chủ trì phối hợp với các sở ngành, địa phương, đơn vị liên quan, tham mưu UBND tỉnh cụ thể hóa kế họach tổng thể nêu trên, tổ chức thực hiện các kế hoạch đã được phê duyệt; hàng năm tổng hợp tình hình và kết quả thực hiện, báo cáo UBND tỉnh để có chỉ đạo kịp thời. Tranh thủ nguồn kinh phí đào tạo hàng năm của Bộ Nội vụ đối với các đối tượng này.

4. Sở Giáo dục - Đào tạo:

- Tổ chức việc giảng dạy tiếng, chữ Khmer cho học sinh dân tộc Khmer ở các trường phổ thông theo đúng qui định của Bộ Giáo dục – Đào tạo, để bảo tồn tiếng, chữ của dân tộc; chú ý bảo đảm chất lượng giảng dạy ngay từ bậc tiểu học. Bên cạnh đó quan tâm giảng dạy cho các học sinh người dân tộc Khmer làm quen với tiếng Việt từ lớp mẫu giáo, để giúp các em tiếp thu chương trình giáo dục phổ thông ở lớp 1 tốt hơn.

- Căn cứ kế họach tổng thể nêu trên, phối hợp với Sở Nội vụ, Trường Đại học An Giang và các trường khác (Trường Đại học Cần Thơ …), tiến hành xây dựng kế họach đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên giảng dạy tiếng Khmer trong trường học và cho các cán bộ, công chức đang công tác ở các vùng nêu trên. Có trách nhiệm bố trí giáo viên giảng dạy tiếng Khmer ở các lớp do các địa phương và ngành tổ chức.

- Căn cứ Chương trình tiếng Khmer dùng để đào tạo giáo viên dạy tiếng Khmer cho cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc (ban hành kèm theo Quyết định số 46/2006/QĐ-BGDĐT ngày 23/10/2006) và Chương trình dạy tiếng Khmer cho cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc của Bộ GD-ĐT (ban hành kèm theo Quyết định số 47/2006/QĐ-BGDĐT ngày 13/10/2006); phối hợp với Trường Đại học An Giang, Ban Dân tộc, Sở Nội vụ và các chuyên gia tư vấn để biên sọan, thẩm định, sớm ban hành giáo trình, tài liệu giảng dạy tiếng Khmer cho giáo viên dạy tiếng dân tộc và cán bộ, công chức công tác ở các vùng nêu trên, có chú ý đặc điểm, tình hình cụ thể của từng địa phương.

- Chỉ đạo Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, các trung tâm giáo dục thường xuyên; đặc biệt là trung tâm giáo dục thường xuyên hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn mở các lớp dạy tiếng Khmer cho cán bộ, công chức ở địa phương. Khuyến khích các trung tâm, cơ sở dạy ngọai ngữ tổ chức dạy tiếng Khmer.

- Đề nghị Bộ Giáo dục - Đào tạo sớm ban hành mẫu chứng chỉ đào tạo tiếng dân tộc thiểu số để cấp cho cán bộ, công chức đã học xong chương trình đào tạo tiếng Khmer theo qui định.

5. Trường Đại học An Giang tiến hành rà soát, thống kê số lượng sinh viên có hộ khẩu thường trú tại các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Thành, Châu Phú và Thoại Sơn để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng tiếng Khmer miễn phí cho các đối tượng này.

Liên kết với Trường Đại học Cần Thơ và các trường khác để đào tạo nguồn giáo viên dạy tiếng Khmer, bố trí về các trường ở các vùng nêu trên công tác.

6. Sở Tài chính:

- Phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Giáo dục – Đào tạo, Ban Dân tộc, Trường Đại học An Giang và các địa phương liên quan, nghiên cứu đề xuất các chế độ chính sách khuyến khích cũng như các chế độ chi cho việc tổ chức dạy và học tiếng Khmer cho phù hợp tình hình địa phương, trình UBND tỉnh phê duyệt.

- Hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý và quyết toán kinh phí chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếng Khmer theo kế hoạch đã được phê duyệt hàng năm.

7.Ủy ban nhân dân các huyện, thị có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống (kể cả vùng giáp biên giới Campuchia):

- Tiến hành rà soát, thống kê số lượng cán bộ, công chức đang công tác tại các vùng nêu trên chưa thông thạo việc nghe, nói tiếng Khmer để xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc. Định kỳ trước ngày 10 tháng 10 hàng năm báo cáo về Sở Nội vụ để tổng hợp, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng tiếng Khmer hàng năm và 5 năm.

- Phối hợp với Sở Giáo dục – Đào tạo, Sở Nội vụ, Ban Dân tộc tổ chức và quản lý các lớp học tiếng Khmer tại địa phương, bảo đảm cả số lượng và chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Dứt khóat không để tình trạng lớp học “đầu voi đuôi chuột” như trước đây.

[...]