Quyết định 950/QĐ-UBND năm 2016 Dự án “Hỗ trợ phát triển sản xuất, dịch vụ cho đồng bào dân tộc Khmer, Chăm, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động trong vùng đồng bào dân tộc Khmer, Chăm tỉnh An Giang giai đoạn 2016–2020”

Số hiệu 950/QĐ-UBND
Ngày ban hành 05/04/2016
Ngày có hiệu lực 05/04/2016
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Nguyễn Thanh Bình
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 950/QĐ-UBND

An Giang, ngày 05 tháng 4 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH “DỰ ÁN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT, DỊCH VỤ CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC KHMER, CHĂM, GÓP PHẦN CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU KINH TẾ, CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU LAO ĐỘNG TRONG VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC KHMER, CHĂM TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2016 – 2020”

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương được Quốc hội thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về Khuyến công;

Căn cứ Quyết định số 2356/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT/BTC-BCT ngày 18 tháng 02 năm 2014 của liên bộ Bộ Tài chính – Bộ Công Thương về hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương;

Căn cứ Quyết định số 1527/QĐ-UBND ngày 09 tháng 9 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch “Triển khai chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh An Giang;

Căn cứ Quyết định số 43/2015/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định chính sách khuyến công trên địa bàn tỉnh An Giang.

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công thương tại Tờ trình số 303/TTr-SCT ngày 04 tháng 3 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Dự án “Hỗ trợ phát triển sản xuất, dịch vụ cho đồng bào dân tộc Khmer, Chăm, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động trong vùng đồng bào dân tộc Khmer, Chăm tỉnh An Giang giai đoạn 2016 – 2020” (đính kèm Dự án).

Điều 2. Giao Sở Công thương chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành phố và sở, ban ngành có liên tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của dự án và đề xuất các cơ chế, chính sách thực hiện các mục tiêu, các chương trình đặc thù đối với sản xuất tiểu thủ công nghiệp của dân tộc Khmer và Chăm; định kỳ tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Công Thương, Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành phố có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Bình

 

DỰ ÁN

HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT, DỊCH VỤ CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC KHMER, CHĂM, GÓP PHẦN CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU KINH TẾ, CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU LAO ĐỘNG TRONG VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC KHMER, CHĂM TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2016 – 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 950/QĐ-UBND ngày 05 tháng 4 năm 2016)

I. PHẦN MỞ ĐẦU

1. Sự cần thiết của dự án

Trong giai đoạn 2005 - 2010, tỉnh An Giang đã phát huy lợi thế của cây lúa và con cá, cùng với các hoạt động kinh tế biên giới, dịch vụ và du lịch để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và trong vùng đồng bào dân tộc Khmer, Chăm. Tuy nhiên, theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ IX (2010 - 2015) thì “Phát triển kinh tế chưa bền vững. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém, thiếu đồng bộ... Công tác xóa đói giảm nghèo thiếu bền vững; nhiều chính sách hỗ trợ cho người nghèo còn nhỏ lẻ, dàn trải, chồng chéo”.

Đồng bào dân tộc Khmer, Chăm hiện nay cư trú chủ yếu ở khu vực nông thôn và lâu nay hoạt động kinh tế của họ vẫn theo tập quán sản xuất - kinh doanh truyền thống của mỗi cộng đồng. Nguồn thu nhập chính của đồng bào dân tộc Khmer nhờ vào sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi), làm thuê, và làm một số nghề thủ công (làm đường thốt nốt, dệt vải, nấu rượu…). Còn nguồn thu nhập chính của đồng bào dân tộc Chăm nhờ vào buôn bán theo phương thức buôn bán lưu động, kết hợp đánh bắt cá trên sông rạch và làm một số nghề thủ công (may gia công, sản xuất lạp xưởng, thêu ren…).

Đồng bào dân tộc Khmer, Chăm vẫn còn là những “cộng đồng nghèo” và bà con chưa tận dụng được đầy đủ những lợi ích từ tăng trưởng kinh tế của tỉnh An Giang để chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm mới, tăng thu nhập, nâng cao đời sống kinh tế hộ gia đình. Nhu cầu vốn đầu tư phát triển sản xuất, buôn bán và làm dịch vụ ở nông thôn đã và đang đặt ra rất cấp thiết đối với các hộ gia đình Khmer, Chăm trong vùng đồng bào dân tộc Khmer, Chăm của tỉnh.

Vì thế, cần tiếp tục hỗ trợ phát triển sản xuất, dịch vụ cho đồng bào dân tộc Khmer, Chăm phù hợp với khả năng phát triển sản xuất, buôn bán và làm dịch vụ của hộ gia đình, tập quán và trình độ phát triển của mỗi dân tộc. Trên cơ sở đó, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer, Chăm, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động và việc làm ở khu vực nông thôn, miền núi và biên giới, vùng đồng bào dân tộc Khmer, Chăm tỉnh An Giang.

2. Cơ sở pháp lý xây dựng dự án

Căn cứ Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về Khuyến công;

[...]