THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
*****
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******
|
Số: 22/2007/CT-TTg
|
Hà Nội, ngày 26 tháng 10 năm 2007
|
CHỈ THỊ
VỀ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP DÂN
DOANH
Trong nhiều năm qua, Chính phủ đã từng bước hình thành khuôn
khổ pháp lý đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế dân doanh phát triển
trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các doanh nghiệp dân
doanh đã có được môi trường khá thuận lợi để đầu tư mở rộng sản xuất kinh
doanh, tăng trưởng nhanh, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội,
giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo.
Tuy vậy, sự phát triển của doanh nghiệp dân doanh chưa
tương xứng với tiềm năng, còn có nhiều khó khăn, vướng mắc. Để khắc phục, Thủ
tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ
quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ:
a) Chỉ đạo sâu sát để thực hiện có kết quả các giải pháp và
nhiệm vụ thuộc Chương trình hành động về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa 5
năm (2006 - 2010) ban hành kèm theo Quyết định số 236/2006/QĐ-TTg ngày 23 tháng
10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ;
b) Xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các
cơ quan quản lý nhà nước, tạo thuận lợi trong giải quyết thủ tục hành chính đối
với doanh nghiệp;
c) Tập hợp, rà soát và đánh giá tác động các văn bản quy phạm
pháp luật đối với chi phí và mức độ thuận lợi trong hoạt động kinh doanh của
doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý nhà nước của từng Bộ, ngành, địa phương;
theo thẩm quyền, chủ động bãi bỏ ngay hoặc trình cấp có thẩm quyền bãi bỏ, bổ
sung hoặc sửa đổi những quy định không còn phù hợp với tư tưởng đổi mới của Đảng,
pháp luật của Nhà nước, quy định của Luật Doanh nghiệp, yêu cầu quản lý nhà nước
và lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế;
d) Các Bộ quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật, theo chức năng,
công bố các quy chuẩn về điều kiện cần thiết để được tham gia đấu thầu công
khai thực hiện các sản phẩm, dịch vụ công ích. Công khai hoá quá trình chọn lọc
nội dung và đấu thầu thực hiện;
đ) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương chỉ đạo các cơ quan chức năng tạo mọi điều kiện thuận lợi trong khuôn khổ
pháp luật cho việc thành lập doanh nghiệp và phát triển sản xuất, kinh doanh, kịp
thời giải quyết các vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp theo thẩm quyền. Tổ
chức chỉ đạo thực hiện nghiêm cơ chế phối hợp liên thông giữa các cơ quan giải
quyết đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và khắc dấu đối với doanh nghiệp;
Khẩn trương kiện
toàn cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan đăng ký đầu tư theo hướng tập trung,
thống nhất vào một đầu mối;
e) Công bố công
khai và kiên quyết thực hiện nghiêm túc quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế-xã
hội của địa phương, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển ngành, nghề,
quy hoạch các khu và cụm công nghiệp, quy hoạch làng nghề và quy hoạch vùng
nguyên liệu gắn với các dự án đầu tư, bảo đảm sự đồng bộ về ngành, nghề giữa sản
xuất và dịch vụ, phát triển kinh tế đồng thời quan tâm bảo vệ môi trường. Khuyến
khích việc quy hoạch dồn điền, đổi thửa nhằm mục tiêu hình thành các vùng
chuyên canh lớn gắn với công nghiệp chế biến;
g) Tuyên dương,
khen thưởng các nghệ nhân, các doanh nhân, doanh nghiệp có thành tích xuất sắc
trong sản xuất, kinh doanh, có sáng tạo trong thiết kế mẫu mã và truyền dạy nghề;
các cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước và hỗ trợ doanh
nghiệp.
2.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
a) Tiếp tục hướng
dẫn các địa phương, doanh nghiệp trong việc thực hiện Luật Doanh nghiệp và Luật
Đầu tư;
b) Trong quý I
năm 2008, chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, kiến nghị Chính
phủ ban hành danh mục các điều kiện đầu tư đối với dự án đầu tư trong lĩnh vực
đầu tư có điều kiện quy định tại Điều 29 của Luật Đầu tư;
c) Trong quý I
năm 2008, hướng dẫn thi hành Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm
2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật
Đầu tư;
d) Trong quý II
năm 2008, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 90/2001/NĐ-CP ngày 23
tháng 11 năm 2001 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;
đ) Trong năm 2008, tiếp tục nâng cấp Cổng thông tin doanh
nghiệp nhằm cung cấp và kết nối các thông tin về chính sách của Chính phủ, các
quy định pháp lý về kinh doanh và giấy phép kinh doanh, các quỹ hỗ trợ tài
chính của Chính phủ;
e) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công an nghiên cứu,
trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2008 Đề án cơ chế đăng ký hợp nhất
theo hướng một đầu mối, thống nhất nội dung trong một bộ hồ sơ duy nhất cho việc
đăng ký thành lập doanh nghiệp và sử dụng một mã số doanh nghiệp duy nhất dùng
chung cho ba khâu: đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và công tác thống kê;
g) Trong quý IV năm 2008, hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ
liệu quốc gia về đăng ký kinh doanh; chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công
nghệ hướng dẫn đặt tên doanh nghiệp trong thủ tục đăng ký kinh doanh để bảo đảm
không xâm phạm quyền đối với đối tượng sở hữu công nghiệp đã được bảo hộ trước.
3. Bộ Công an: trong quý IV năm 2007:
a) Trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số
58/2001/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2001 về quản lý và sử dụng con dấu theo hướng
bãi bỏ Giấy phép khắc dấu, quy định việc đăng ký con dấu với cơ quan nhà nước để
được bảo hộ quyền đối với con dấu;
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tòa án nhân
dân tối cao ban hành Thông tư liên tịch xác định nhân thân người thành lập và
quản lý doanh nghiệp.
4. Bộ Tài chính:
a) Trong quý I năm 2008, chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch
và Đầu tư ban hành chế độ thu, quản lý và sử dụng lệ phí đăng ký liên thông giữa
cơ quan đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và cơ quan công an đối với các doanh
nghiệp thành lập theo Luật Doanh nghiệp;
b) Trong quý I năm 2008, ban hành quy định hướng dẫn cụ thể
về hồ sơ, trình tự, thủ tục thời hạn và cơ quan có thẩm quyền xác nhận về vốn
pháp định đối với doanh nghiệp mới thành lập có đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi
nợ;
c) Tiếp tục thực hiện đơn giản hoá thủ tục hành chính trong
lĩnh vực thuế và hải quan;
d) Trong quý II năm 2008, chủ trì, phối hợp với Ngân hàng
Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan đánh giá việc triển
khai lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng, trình Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cụ thể
để đẩy nhanh việc thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa
ở các địa phương;
Nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế và nguồn hỗ trợ
kỹ thuật và hỗ trợ tư vấn dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ để thuê chuyên gia
tư vấn trong những lĩnh vực không thể tự đảm đương; cơ chế đặc biệt cho nhu cầu
vay vốn với lãi suất ưu đãi của các doanh nghiệp nhỏ và vừa;
đ) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu
cơ chế khuyến khích doanh nghiệp dân doanh tham gia sản xuất, cung ứng các sản
phẩm, dịch vụ công ích. Trong quý I năm 2008, xây dựng trình Chính phủ chương
trình xã hội hoá các dịch vụ công;
e) Trong quý I năm 2008, nghiên cứu, xây dựng lại các quy định
về lấy mẫu, thu phí và lệ phí kiểm tra, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm,
phân định rõ loại phí doanh nghiệp chịu trách nhiệm chi trả;
g) Trong năm 2008, chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và
Công nghệ hướng dẫn việc hạch toán chi phí liên quan đến sở hữu công nghiệp, định
giá tài sản trí tuệ, xác định hiệu quả của việc sử dụng sáng chế, kiểu dáng
công nghiệp, thiết kế bố trí;
h) Trong quý II năm 2008, nghiên cứu đề xuất với Thủ tướng
Chính phủ cơ chế khuyến khích phát triển hệ thống bảo hiểm nuôi trồng thuỷ sản.
5. Bộ Công Thương:
a) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch phát triển cụm, điểm công nghiệp quy mô
nhỏ đáp ứng yêu cầu chung của quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp theo
vùng, lãnh thổ và quy hoạch phát triển công nghiệp địa phương.
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án phát triển doanh nghiệp ở nông thôn
gắn với chương trình khuyến công theo Quyết định số 136/2007/QĐ-TTg ngày 20
tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình khuyến
công quốc gia đến năm 2012 và kế hoạch 5 năm phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa
theo Quyết định số 236/2006/QĐ-TTg ngày 23 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng
Chính phủ;
c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Văn
hoá, Thể thao và Du lịch nghiên cứu việc đa dạng hoá các hình thức xúc tiến
thương mại, đầu tư, du lịch; hướng dẫn các địa phương hoàn thiện cơ quan xúc tiến
thương mại.
d) Trong tháng 12 năm 2007, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài
chính trình Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ vốn cho sản xuất các sản phẩm
cơ khí trọng điểm;
6. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:
a) Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng thương mại,
chỉ đạo các tổ chức tín dụng cải tiến quy trình tín dụng, nâng cao khả năng thẩm
định và đánh giá dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, có hiệu quả để
mở rộng cho vay đối với các doanh nghiệp dân doanh;
b) Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực và nâng cao
khả năng cung cấp thông tin của Trung tâm thông tin tín dụng.
7. Bộ Tư pháp:
a) Trong quý I năm 2008, trình Chính phủ ban hành Nghị định
về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;
b) Trong quý II năm 2008, chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch
và Đầu tư, Bộ Tài chính xây dựng Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp,
trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
c) Tăng cường năng lực cho Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp
nhằm phát huy vai trò của Câu lạc bộ trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh
nghiệp.
8. Bộ Nội vụ:
a) Trong quý I năm 2008 trình Chính phủ ban hành Nghị định
riêng về tổ chức, hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp, quy định quyền,
nghĩa vụ và thủ tục của hiệp hội tham gia đóng góp ý kiến khi ban hành các
chính sách liên quan đến doanh nghiệp;
b) Nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2008 Đề
án thí điểm giao cho một đến hai hiệp hội đủ điều kiện để thực hiện cấp chứng
chỉ hành nghề kinh doanh; cấp giấy chứng nhận xuất xứ;
c) Trong quý IV năm 2007, chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch
và Đầu tư hướng dẫn tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh,
cấp huyện và Phòng Đăng ký kinh doanh tại các Khu kinh tế;
d) Phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cải
tiến về nội dung và chất lượng các chương trình tuyên dương và khen thưởng
doanh nhân, doanh nghiệp, xây dựng các giải thưởng về văn hoá doanh nghiệp và
chất lượng quản lý doanh nghiệp.
9. Bộ Khoa học và Công nghệ:
a) Đẩy mạnh triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp
phát triển tài sản trí tuệ, trong đó ưu tiên hoạt động: tổ chức dịch vụ cung cấp
thông tin về sở hữu công nghiệp, đặc biệt là thông tin về sáng chế để phục vụ
hoạt động nghiên cứu đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ tạo lập,
khai thác các chỉ dẫn địa lý; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đăng ký
quyền sở hữu công nghiệp;
b) Trong quý I năm 2008, trình Thủ tướng Chính phủ chính
sách phối hợp chặt chẽ hơn nữa khoa học công nghệ với sản xuất, kinh doanh. Chủ
trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan đôn đốc việc triển khai thực hiện
Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2005 của Chính phủ quy định cơ
chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ công tập;
Nghị định số 80/2007/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2007 về doanh nghiệp khoa học và
công nghệ;
c) Thẩm định và công bố tiêu chuẩn quốc gia, thẩm định quy
chuẩn kỹ thuật quốc gia theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
10. Bộ Giáo dục và Đào tạo:
Trong quý IV năm 2008, trình Thủ tướng Chính phủ chiến lược
quốc gia về giáo dục và đào tạo gắn với định hướng phát triển kinh tế, văn hoá,
xã hội và thị trường.
11. Bộ Xây dựng:
Hướng dẫn về mức vốn pháp định, hồ sơ, trình tự, thủ tục,
cơ quan có thẩm quyền, thời hạn và hình thức xác nhận vốn pháp định đối với
doanh nghiệp mới thành lập có đăng ký kinh doanh bất động sản.
12. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Tài
nguyên và Môi trường, Tài chính, xây dựng chương trình quốc gia về phát triển
giống nuôi chất lượng cao, giám sát chất lượng nguồn nước, kiểm soát, cảnh báo
ô nhiễm và dịch bệnh, công bố các thủy vực an toàn;
b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các hiệp hội
doanh nghiệp liên quan xây dựng chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề gắn
với phát triển doanh nghiệp ở nông thôn.
13. Bộ Tài nguyên và Môi trường:
a) Trong quý II năm 2008, chủ trì, phối hợp với các Bộ,
ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiến hành rà soát lại
quy hoạch cơ sở hạ tầng, quy hoạch đất đai và ngành nghề gắn với quy hoạch đô
thị, tạo mọi điều kiện để đáp ứng nhu cầu về đất cho hoạt động sản xuất, kinh
doanh của doanh nghiệp;
b) Kiểm soát nghiêm, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc
thực hiện các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, hệ sinh thái các vùng nước nuôi
trồng thuỷ sản, làng nghề, các cơ sở sản xuất sử dựng nhiều hóa chất độc hại.
14. Bộ Y tế:
Thực hiện nghiêm việc giám sát chất lượng hàng hoá, vệ sinh
an toàn thực phẩm. Tăng cường hệ thống theo dõi giám sát lên cấp quốc gia
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ
quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Chỉ thị này.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính
phủ theo dõi và đôn đốc thực hiện Chỉ thị này, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính
phủ về tiến độ, kết quả, những vướng mắc và kiến nghị biện pháp xử lý trong quá
trình thực hiện./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương
Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Văn phòng BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐNĐ, UBND
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Website Chính phủ,
Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, ĐMDN (10b)
|
THỦ
TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|