Chỉ thị 217-NT năm 1962 về tăng cường quản lý thị trường xe đạp do Bộ Nội thương ban hành
Số hiệu | 217-NT |
Ngày ban hành | 02/04/1962 |
Ngày có hiệu lực | 17/04/1962 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Bộ Nội thương |
Người ký | Hoàng Quốc Thịnh |
Lĩnh vực | Giao thông - Vận tải |
BỘ
NỘI THƯƠNG |
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 217-NT |
Hà Nội, ngày 02 tháng 04 năm 1962 |
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG XE ĐẠP
Xe đạp và phụ tùng xe đạp là những loại hàng mà nhu cầu của cơ quan, xí nghiệp, bộ đội và nhân dân đang đòi hỏi nhiều, dùng làm phương tiện đi lại và vận chuyển. Trong mấy năm qua, nhờ sản xuất trong nước được phát triển và hàng nhập khẩu, chúng ta đã cung cấp được phần lớn cho nhu cầu thị trường với giá cả ổn định. Việc phân phối đã dần dần đi vào nề nếp. Những người buôn bán xe đạp và làm nghề sửa chữa đã căn bản được sắp xếp và tổ chức lại.
Nhưng nhu cầu về xe đạp nhất là nhu cầu về phụ tùng và sửa chữa của cán bộ, công nhân, viên chức, bộ đội và nhân dân đòi hỏi ngày càng nhiều; trong khi đó khả năng cung cấp của Nhà nước thì có hạn. Việc phân phối cho các nhu cầu giữa thành thị và nông thôn, giữa Nhà nước và nhân dân, giữa miền xuôi và miền ngược còn có chỗ chưa được hợp lý và thiếu kiểm tra chặt chẽ.
Công tác quản lý thị trường thời gian gần đây có phần buông lõng. Do đó, tình trạng buôn bán tự do và mua đi bán lại các loại xe đạp và phụ tùng ngày càng phát triển. Một số người buôn bán xe đạp trước đây đã được sắp xếp nay trở lại buôn bán trái phép, tiêu thụ hàng lậu thuế, hàng ăn cắp để kiếm lời nhiều.
Những tổ hợp tác được phân phối phụ tùng thường bán quá giá quy định của Nhà nước hoặc bán ra thị trường tự do. Một số người hám lợi đã bỏ nghề cũ chạy ra buôn bán tự do xe đạp và phụ tùng dưới hình thức làm nghề sửa chữa. Cũng có một số ít cán bộ, bộ đội, nhân dân đã lợi dụng tình hình khó khăn chung tìm cách mua đi bán lại kiếm lời, có người vừa mua được xe đã đem bán trao tay cho người khác, thậm chí có người đem bán ngay phiếu được mua xe để kiếm lời.
Vì vậy, giá cả xe đạp và phụ tùng xe đạp trên thị trường tự do tăng nhanh; các loại xe và phụ tùng do Mậu dịch quốc doanh quản lý phân phối được trao đổi trên thị trường với giá cao hơn giá chỉ đạo rất nhiều: các loại xe đạp và phụ tùng của các nước đế quốc còn lại trong nhân dân đem trao đổi trên thị trường còn cao hơn thế nữa.
Tình hình trên đây ảnh hưởng không tốt đến giá cả và thị trường, đến việc phân phối xe đạp theo kế hoạch của Nhà nước, đến trật tự trị an trong thành thị, đến lợi ích của người tiêu thụ.
Căn cứ tinh thần Chỉ thị số 03-TTg về chủ trương và biện pháp quản lý thị trường hàng công nghiệp của Thủ tướng Chính phủ nhằm đưa dần thị trường hàng công nghiệp trở lại ổn định, tiếp theo thông tư của Bộ số 38-NT ngày 19 tháng 01 năm 1962, nay Bộ hướng dẫn một số điểm cụ thể về việc quản lý thị trường xe đạp để các địa phương thi hành cho thống nhất.
Trước hết, cần xác định xe đạp và phụ tùng xe đạp là những loại hàng thiết yếu của nhân dân; nguyên liệu để làm xe đạp và phụ tùng thuộc những loại nguyên liệu quý; nguồn hàng hiện nay hầu hết do Nhà nước nắm, và phân phối. Bởi vậy, Nhà nước cần phải quản lý chặt chẽ, đảm bảo xe đạp và phụ tùng Nhà nước bán ra đến thẳng tay người tiêu dùng với giá cả ổn định, không để tồn tại thị trường tự do, và muốn được như vậy, cần phải làm tốt những việc sau đây:
1. Về quản lý sản xuất nắm nguồn hàng:
Việc sản xuất xe đạp và phụ tùng xe đạp đòi hỏi phải có kỹ thuật, đảm bảo một chất lượng nhất định, sử dụng toàn nguyên liệu quý. Cho nên phải quản lý chặt chẽ khâu sản xuất, đảm bảo Nhà nước nắm được toàn bộ thành phẩm để phân phối có kế hoạch.
Theo quy định của Chính phủ, việc quản lý các cơ sở sản xuất này sẽ do Bộ Công nghiệp nặng phụ trách, nhưng hiện nay Mậu dịch quốc doanh vẫn giữ quan hệ gia công. Các Sở, Ty Thương nghiệp và các Công ty Mậu dịch quốc doanh chuyên doanh phải liên hệ mật thiết, thường xuyên với các cơ quan công nghiệp địa phương để hướng dẫn, giúp đỡ các cơ sở sản xuất này về mặt thiết bị, thực hiện đầy đủ các chế độ khen thưởng sáng kiến, phát minh đẩy mạnh sản xuất, tiết kiệm nguyên liệu, hạ giá thành, đồng thời chống hành động làm dối, làm ẩu, bớt xén nguyên liệu. Cụ thể là:
a) Đối với các cơ sở sản xuất xe đạp và phụ tùng xe đạp đang làm gia công, Mậu dịch quốc doanh phải đảm bảo cung cấp nguyên liệu theo đúng kế hoạch và thu mua toàn bộ thành phẩm. Các cơ sở này phải giao đúng số lượng hàng hóa, quy cách, phẩm chất, trọng lượng nguyên liệu như hợp đồng đã quy định. Nếu có những hàng làm tốt, đẹp hơn hợp đồng thì được thu mua với giá cao hơn. Nếu có những sáng kiến phát minh, khắc phục khó khăn làm ra mặt hàng mới, thì được khen thường thỏa đáng, Ngược lại, nếu có mặt hàng nào làm không đúng quy cách, phẩm chất thì phải sản xuất lại theo đúng hợp đồng đã ký kết. Trong trường hợp không sản xuất lại được, phẩm chất hàng hóa, tuy kém hơn theo quy cách đã quy định trong hợp đồng nhưng vẫn có thể tiêu thụ được thì cơ quan Mậu dịch quốc doanh vẫn thu mua với giá thấp hơn.
b) Các cơ sở sản xuất khác chưa có đăng ký nay muốn được phép sản xuất phải xin phép cơ quan quản lý của Nhà nước, phải đăng ký mẫu hàng, kê khai tồn kho nguyên liệu và sản phẩm hiện có. Sau khi xét thấy cơ sở đó có kỹ thuật khá và có đủ điều kiện, phương tiện sản xuất thì cơ quan quản lý mới cấp đăng ký và Mậu dịch quốc doanh sẽ tiến hành gia công như các cơ sở sản xuất trên kia.
Tất cả các cơ sở được phép sản xuất đều phải đăng ký nhãn hiệu sản phẩm để đảm bảo chất lượng cho người tiêu thụ và tiện việc kiểm soát hàng hóa trên thị trường.
c) Còn những cơ sở hợp tác và những người làm nghề sửa chữa tận dụng các phế phẩm, phế liệu chế biến sửa chữa thêm làm ra các phụ tùng linh tinh thì được khuyến khích nhằm đáp ứng cho nhu cầu sửa chữa linh tinh của người tiêu thụ. Nhưng cần phải tăng cường giáo dục, củng cố và cải tiến các cơ sở này về mọi mặt đảm bảo chất lượng sửa chữa, giá cả hợp lý, phục vụ tiện lợi nhanh chóng cho khách hàng và chấp hành đúng đắn chính sách quản lý thị trường của Nhà nước.
Những cơ sở và cá nhân sản xuất phụ tùng xe đạp không được tự tiện mua những nguyên liệu thuộc diện Nhà nước quản lý. Những cơ sở và cá nhân nào mua thành phẩm khác phá ra làm nguyên liệu để sản xuất những phụ tùng xe đạp khi phát hiện đúng, phải xử trí nghiêm khắc.
Phải hết sức coi trọng. Hiện nay, trong nhân dân đã có khoảng 70 vạn chiếc xe đạp. Hàng năm ta lại cung cấp ta thị trường thêm mấy vạn chiếc nữa. Việc sửa chữa xe đạp và phụ tùng xe đạp đã là một yêu cầu cấp thiết. Mậu dịch quốc doanh phải tuỳ từng nơi, theo nhu cầu của thị trường địa phương mà tổ chức cửa hàng sửa chữa xe đạp và phụ tùng xe đạp cũ cho nhân dân, tiến hành điều chỉnh tốt màng lưới phục vụ giữa Mậu dịch quốc doanh, Công ty hợp doanh và tổ hợp tác, chú trọng tổ chức việc sửa chữa xe đạp ở những đường giao thông chính có nhiều xe đạp qua lại. Tiếp tục hoàn thành tốt việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với ngành sửa chữa xe đạp. Những người sửa chữa trên những đường giao thông vắng không có điều kiện tổ chức hợp tác cần chú ý giáo dục nâng cao thái độ và chất lượng phục vụ, chấp hành đúng chính sách và chế độ quản lý thị trường của Nhà nước.
Cần phân phối cho những tổ hợp tác có đủ tín nhiệm một số phụ tùng lẻ để thay thế cho khách hàng nhưng cũng phải tăng cường giáo dục chính trị, nâng cao chất lượng phục vụ, chấp hành đúng chính sách giá cả và thể lệ quản lý thị trường. Cần tổ chức sổ góp ý xây dựng để khách hàng có thể trực tiếp tham gia kiểm soát và giáo dục họ. Cần thường xuyên kiểm tra để phát hiện kịp thời những chỗ chưa hợp lý mà chấn chỉnh, những hiện tượng bán quá giá quy định mà xử lý thích đáng.
3. Về mặt quản lý, phân phối, mua bán xe đạp và phụ tùng xe đạp:
Xe đạp và phụ tùng xe đạp chủ yếu đều do Nhà nước thống nhất quản lý phân phối, trong màng lưới thương nghiệp xã hội chủ nghĩa (Mậu dịch quốc doanh, Công tư hợp doanh và hợp tác được uỷ thác của Mậu dịch quốc doanh), không ai được buôn bán tự do trên thị trường, không ai được mua đi bán lại kiếm lời. Những loại phụ tùng xe đạp cũ do người sửa chữa tận dụng phế phẩm, phế liệu chế biến sửa chữa lại cũng chỉ được bán thẳng cho người tiêu thụ với giá cả phải chăng.
a) Việc phân phối xe đạp và phụ tùng xe đạp: vẫn theo các chế độ hiện hành. Từ trước đến nay, việc thực hiện chế độ này chưa đầy đủ. Các Sở, Ty cùng các Công ty Kim khí hoá chất, Mô tô xe đạp cần phải kiểm điểm kỹ, tìm ra những chỗ thiếu sót, kịp thời chấn chỉnh phương thức phân phối, đặt kế hoạch kiểm tra chặt chẽ nhằm đảm bảo việc phân phối được hợp lý hơn cho các nhu cầu và đảm bảo đến tận tay người tiêu dùng.
- Ngoài việc phân phối cho nhu cầu của thành phố và cơ quan Nhà nước, cần chú ý thích đáng nhu cầu vận tải của nhân dân nhất là vùng trung du, miền núi, nhu cầu của cán bộ xã và quản trị hợp tác xã nông nghiệp và thủ công nghiệp.
- Cần tăng cường liên hệ với công đoàn các cơ quan; các đơn vị, tiến hành kiểm điểm việc lập dự trù cấp phiếu mua xe đạp tránh tình trạng cảm tình nể nang hoặc cung cấp cho những nhu cầu chưa thật cần thiết. Trường hợp nếu cơ quan được phân phối phiếu mà xử dụng không hết thì phải hoàn lại cho Mậu dịch quốc doanh.
- Đối với các loại phụ tùng xe đạp chủ yếu, cần quy định khách hàng đến mua đều phải mang theo đăng ký xe đạp và phiếu mua phụ tùng và đăng ký xe đạp tại địa phương nào thì chỉ được mua sắm phụ tùng ở các cửa hàng trong địa phương đó. Khi bán hàng, cửa hàng sẽ ghi rõ mặt hàng, số lượng vào phiếu mua phụ tùng. Các địa phương cần tiến hành việc phát phiếu hoặc sổ mua phụ tùng xe đạp cho những người có đăng ký xe đạp để tiện theo dõi, kiểm soát việc sử dụng phụ tùng đồng thời qua đó mà nắm được nhu cầu về xe đạp và phụ tùng xe đạp của địa phương để tiến hành cung cấp được hợp lý hơn.
Trường hợp người có xe đạp ở nơi khác đến mà xe đạp bị gẫy, hỏng một bộ phận nào đó không thể sửa chữa được thì cửa hàng nơi đó xem xét cụ thể, nếu dùng sẽ bán cho họ bộ phận đó để thay thế và phải ghi rõ vào phiếu hoặc sổ mua phụ tùng hoặc đăng ký xe đạp của họ.