ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 21/2013/CT-UBND
|
Nghệ An, ngày 23
tháng 08 năm 2013
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC
HIỆN PHÁP LỆNH SỐ 04/2012/UBTVQH13 NGÀY 16/7/2012 CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA PHÁP LỆNH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI
CÁCH MẠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
Ưu đãi người có công với cách mạng là một chính sách
lớn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa chính trị - kinh tế và xã hội sâu sắc; thể
hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, đền ơn đáp nghĩa đối với những người và gia
đình đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Để triển khai
thực hiện có hiệu quả Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16/7/2012 của
Uỷ ban thường vụ Quốc hội về việc sửa
đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, Ủy
ban nhân dân tỉnh Nghệ An yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan, ban,
ngành, các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành
phố, thị xã thực hiện tốt một số nội dung sau đây:
1. Tổ chức quán triệt đầy đủ sâu sắc ý nghĩa, mục đích
yêu cầu và nội dung của Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13, Nghị định số 31/2013/NĐ-CP
ngày 09/4/2013 của Chính phủ về việc quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một
số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng đến các cấp, các ngành
và mọi tầng lớp nhân dân, nhằm tạo điều kiện để mọi người biết và nghiêm túc
thực hiện.
2. Chủ động có kế hoạch chỉ đạo việc thực hiện Pháp
lệnh:
a) Thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện Pháp lệnh
ưu đãi người có công với cách mạng ở các cấp.
b) Phân công rõ nhiệm vụ của các cơ quan tham mưu, giúp
Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện Pháp lệnh.
c) Quy định chế độ trách nhiệm của các cấp, các ngành,
các tổ chức đoàn thể nhằm đảm bảo không để sai sót đối tượng, thực hiện đúng,
đủ chế độ ưu đãi đối với các đối tượng quy định.
d) Tổ chức tập huấn về công tác người có công theo nội
dung Pháp lệnh ưu đãi người có công, Nghị định và các thông tư hướng dẫn; Tăng
cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách cho người
có công ở cấp xã, phường, thị trấn.
đ) Chủ động trong việc rà soát chế độ chính sách cho
người có công để kịp thời báo cáo về Sở Lao động - Thương binh và xã hội điều
chỉnh chế độ trợ cấp.
3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường
trực của Ban chỉ đạo thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng
tỉnh Nghệ An, cần thực hiện tốt một số nội dung sau đây:
a) Căn cứ Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013
của Chính phủ về việc quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp
lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, để có kế hoạch tổ chức tập huấn, hướng
dẫn các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố, thị xã trong công tác kê khai, xác minh, xác nhận, giám định điều
chỉnh trợ cấp theo quy định.
b) Hoàn thành việc điều chỉnh, chuyển đổi các mức trợ
cấp, phụ cấp đối với các đối tượng đang hưởng chính sách, các đối tượng là Mẹ
Việt Nam anh hùng, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, thân
nhân liệt sỹ, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày,...
c) Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ triển khai,
thực hiện ở cơ sở. Thu thập, tổng hợp tình hình, báo cáo Ban chỉ đạo và Ủy ban
nhân dân tỉnh để kịp thời có ý kiến chỉ đạo giải quyết những vấn đề vướng mắc
trong quá trình triển khai Pháp lệnh.
d) Hướng dẫn
UBND các huyện, thành phố, thị xã, UBND các xã, phường, thị trấn kiện toàn Ban
chỉ đạo thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công.
đ) Thực hiện chế độ họp Ban chỉ đạo cấp tỉnh và báo
cáo việc thực hiện công tác người có công theo quy định.
4. Sở Y tế:
a) Hướng dẫn chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ, bảo hiểm y
tế đối với người có công với cách mạng;
b) Căn cứ danh mục bệnh tật, dị dạng, dị tật do nhiễm
chất độc hoá học để xác nhận người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị
nhiễm chất độc hoá học;
c) Chỉ đạo Hội
đồng giám định y khoa tỉnh: Tổ chức khám, giám định đối với thương binh, bệnh
binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học và con của người có
công; Giám định các nội dung khác để làm căn cứ thực hiện chế độ ưu đãi do Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển đến và chịu trách nhiệm trong việc xử
lý các vướng mắc về công tác giám định.
5. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh:
a) Tổ chức thực hiện chế độ ưu đãi người có công với
cách mạng thuộc trách nhiệm Quân đội quản lý;
b) Hướng dẫn và
tổ chức thực hiện việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ;
c) Kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật về hành
vi vi phạm pháp luật trong việc xác lập hồ sơ và thực hiện chế độ ưu đãi người
có công thuộc lực lượng Quân đội quản lý.
6. Công an tỉnh:
a) Tổ chức thực hiện chế độ ưu đãi người có công với
cách mạng thuộc trách nhiệm Công an quản lý;
b) Điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật
về hành vi vi phạm pháp luật trong việc xác lập hồ sơ và thực hiện chế độ ưu
đãi người có công.
7. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội để hướng dẫn việc lập, phân bổ dự toán, quản lý, sử dụng và quyết
toán kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Đảm bảo
ngân sách thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.
8. Bảo hiểm xã
hội tỉnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và xã hội để chỉ đạo việc cấp
phát thẻ bảo hiểm y tế cho người có công với cách mạng.
9. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Nghệ An, Đài phát
thanh và truyền hình tỉnh xây dựng kế hoạch tuyên truyền thực hiện Pháp lệnh
trên các phương tiện thông tin đại chúng để quần chúng nhân dân hiểu rõ nội
dung, tinh thần của Pháp lệnh, cùng tham gia giám sát thực hiện Pháp lệnh ưu
đãi người có công với cách mạng.
9. Đề nghị Ủy ban
mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể phát huy vai trò của mình trong việc giám
sát, kiểm tra thực hiện chính sách đối với người có công, đồng thời phối hợp
với Chính quyền các cấp tổ chức chăm lo đời sống vật chất và tinh thần đối với
những người có công với cách mạng và gia đình của họ.
Yêu cầu Giám đốc
các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các
huyện, thành phố, thị xã, các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc
Chỉ thị. Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc, đề nghị
các đơn vị kịp thời báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội)
để xem xét, giải quyết./
Nơi nhận:
- Bộ LĐTBXH (báo cáo);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (báo cáo);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Văn phòng Tỉnh uỷ và các Ban của Tỉnh uỷ;
- Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh;
- Chánh VP, các PVP UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Báo Nghệ An, Đài PTTH tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Lưu: VP, VX, TM, TH1.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Xuân Đại
|
ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
------
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------
|
Số:
/CT-UBND
|
Nghệ An, ngày
tháng năm 2013
|
Dự thảo
QUY CHẾ
HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ
ĐẠO THỰC HIỆN PHÁP LỆNH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG TỈNH NGHỆ AN
(Ban hành kèm theo
Quyết định số /QĐ-UBND ngày tháng năm 2013)
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG (VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ)
Điều 1. Ban chỉ đạo Pháp lệnh ưu đãi người
có công với cách mạng tỉnh Nghệ An là cơ quan thường trực giúp UBND tỉnh xây
dựng kế hoạch hàng năm về chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách ưu
đãi cho người có công với cách mạng.
Nhiệm vụ cụ thể của Ban chỉ đạo được thực hiện theo
Điều 2, quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công
với cách mạng của UBND tỉnh.
Điều 2. Phương thức hoạt động của Ban chỉ
đạo thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng tỉnh Nghệ An:
1. Ban chỉ đạo làm việc theo chế độ tập thể thông qua
các phiên họp thường kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của Trưởng ban chỉ đạo hoặc
Phó trưởng ban thường trực khi được ủy quyền.
Định kỳ 6 tháng một lần Ban chỉ đạo tổ chức họp giao
ban để kiểm điểm, đánh giá các hoạt động về thực hiện nhiệm vụ và kế hoạch đã
đề ra.
2. Hàng năm, Ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch, tổ chức
kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Pháp lệnh. Các thành viên Ban chỉ đạo có trách
nhiệm tham mưu xây dựng kế hoạch của cơ quan, đơn vị mình phụ trách, tổ chức
kiểm tra việc thực hiện và báo cáo bằng văn bản cho thường trực của Ban chỉ đạo.
Điều 3. Các thành viên Ban chỉ đạo hoạt động
theo chế độ kiêm nhiệm, ngoài việc đề xuất cơ chế, chính sách thực hiện Pháp lệnh
ưu đãi người có công thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Sở, ban, ngành đoàn
thể quản lý, còn có trách nhiệm tham gia đầy đủ các hoạt động của Ban chỉ đạo,
chịu trách nhiệm trước Ban chỉ đạo về những vấn đề được phân công, cụ thể:
1. Theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ được
phân công, phụ trách.
2. Đình kỳ 6 tháng phải báo cáo bằng văn bản cho thường
trực Ban chỉ đạo (Sở Lao động Thương binh và Xã hội) về tiến độ, kết quả thực
hiện các hoạt động thuộc đơn vị theo nhiệm vụ được phân công.
3. Trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra đánh giá kết quả thực
hiện Pháp lệnh người có công của các đơn vị được phân công ít nhất mỗi năm một
lần.
4. Tham gia thẩm định xét duyệt hồ sơ ưu đãi người có
công khi có yêu cầu của thường trực Ban chỉ đạo (Sở Lao động Thương binh và Xã
hội).
Chương 2.
PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN
Điều 4. Trưởng ban chỉ đạo thực hiện Pháp
lệnh ưu đãi người có công với cách mạng tỉnh Nghệ An chịu trách nhiệm trước Chủ
tịch UBND tỉnh về kết quả và chất lượng thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có
công với cách mạng, phân công nhiệm vụ các thành viên trong ban chỉ đạo.
Điều 5. Phó Ban thường trực Ban chỉ đạo -
Giám đốc Sở Lao động thương binh và Xã hội giúp Trưởng ban chỉ đạo về triển
khai, điều hành, thực hiện thẩm định, xét duyệt và thực hiện chế độ ưu đãi cho
người có công theo nội dung của Pháp lệnh ưu đãi người có công và thay mặt
Trưởng ban chỉ đạo khi trưởng ban đi vắng.
Điều 6. Phân công trách nhiệm cụ thể cho các
thành viên Ban chỉ đạo:
1. Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội- Phó trưởng
ban thường trực: Chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có
công. Trực tiếp chỉ đạo bộ phận giúp việc Ban chỉ đạo và huyện Diễn Châu.
2. Phó giám đốc Sở Lao động thương binh và Xã hội, phụ
trách lĩnh vực người có công - Phó trưởng Ban chỉ đạo: Trực tiếp chỉ đạo, kiểm
tra việc xét duyệt, thẩm định hồ sơ ưu đãi người có công và giải quyết các chế
độ ưu đãi khác theo nội dung của Pháp lệnh ưu đãi. Trực tiếp chỉ đạo thành phố
Vinh và huyện Nghi Lộc.
3. Đại diện Văn phòng UBND tỉnh: Chịu trách nhiệm đôn
đốc, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công theo quy
định.
4. Đại diện Ban tổ chức Tỉnh ủy: Chịu trách nhiệm đôn
đốc, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách cho đối tượng thuộc Ban
tổ chức quản lý.
5. Đại diện Bộ chỉ huy quân sự tỉnh: Chỉ đạo, kiểm tra
việc thực hiện chế độ chính sách có liên quan đến lực lượng quân đội; Chịu trách
nhiệm về tính pháp lý của các loại giấy tờ gốc có liên quan đến quân đội do
người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học cung cấp. Trực tiếp chỉ
đạo huyện Yên Thành, huyện Quỳnh Lưu và Thị xã Cửa Lò.
6. Đại diện Công an tỉnh: Chỉ đạo, kiểm tra việc thực
hiện chế độ chính sách có liên quan đến lực lượng vũ trang; Kịp thời nắm bắt
tình hình để tham mưu cho Ban chỉ đạo xử lý những sai phạm trong quá trình thực
hiện chế độ chính sách cho người có công. Trực tiếp chỉ đạo huyện Nghĩa Đàn và
Thị xã Thái Hòa.
7. Đại diện Sở Y tế: Chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện
chế độ chính sách có liên quan đến ngành Y tế; Trực tiếp xét duyệt thẩm định hồ
sơ bệnh án người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; bệnh án vết
thương tái phát (đối với thương binh đề nghị đi giám định vết thương tái phát
và hồ sơ bệnh án đề nghị công nhận liệt sỹ cho thương binh chết do vết thương
tái phát). Trực tiếp chỉ đạo các huyện Hưng Nguyên và huyện Nam Đàn.
8. Đại diện Tỉnh đoàn Nghệ An, Hội cựu thanh niên xung
phong: Chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách có liên quan đến lực
lượng thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến; Chịu trách
nhiệm về tính pháp lý của các loại giấy tờ gốc có liên quan đến thời kỳ tham
gia thanh niên xung phong do người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa
học cung cấp Trực tiếp chỉ đạo các huyện Thanh Chương, Anh Sơn và huyện Đô
Lương.
9. Đại diện Hội cựu chiến binh tỉnh: Chỉ đạo các cấp
hội trong việc tham gia xét duyệt, thẩm định xác định phiên hiệu đơn vị đối với
hồ sơ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Trực tiếp chỉ đạo
các huyện Quỳ Hợp, huyện Quỳ Châu và huyện Quế Phong.
10. Đại diện Hội nạn nhân chất độc da cam tỉnh: Chỉ
đạo các cấp hội trong việc tham gia xét duyệt xác định đối tượng hưởng chế độ chất
độc hóa học. Trực tiếp chỉ đạo các huyện Con Cuông, Tương Dương và Kỳ Sơn.
11. Hội đồng giám định y khoa tỉnh: Tổ chức giám định
các loại bệnh liên quan đến phơi nhiễm chất độc điôxin; Thương binh có vết thương
tái phát; Giám định các nội dung khác để làm căn cứ thực hiện chế độ ưu đãi do
Sở Lao động Thương binh và Xã hội chuyển đến.
12. Sở Nội vụ: Chỉ đạo, kiểm tra rà soát việc thực hiện
bố trí cán bộ làm công tác Lao động TBXH cấp huyện, xã; Phối hợp với Sở Lao
động Thương binh và Xã hội thực hiện chế độ trợ cấp cho người hoạt động kháng
chiến được tặng thưởng huân huy chương.
13. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Lao động thương binh
và Xã hội bố trí đảm bảo nguồn kinh phí phục vụ công tác thuộc lĩnh vực người
có công, đền ơn đáp nghĩa và kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo.
Điều 7. Các thành viên Ban chỉ đạo lập kế
hoạch chỉ đạo và thực hiện kiểm tra hàng năm của các huyện, thành, thị được
phân công phụ trách, báo cáo thường trực Ban chỉ đạo.
Điều 8. Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo (Sở
Lao động Thương binh và Xã hội) có nhiệm vụ:
1. Lập kế hoạch, dự toán và kinh phí hoạt động của Ban
chỉ đạo thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công hàng năm trình Ủy ban nhân dân
tỉnh phê duyệt.
2. Thực hiện việc xét duyệt, thẩm định hồ sơ chế độ,
chính sách ưu đãi người có công với cách mạng theo nội dung Pháp lệnh ưu đãi
người có công.
3. Tham mưu xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát của
Ban chỉ đạo; đôn đốc theo dõi việc tổ chức thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có
công ở các huyện, thành phố, thị xã.
4. Tổng hợp, đánh giá báo cáo Ban chỉ đạo tỉnh về kết
quả hoạt động, các kiến nghị đề xuất trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ
Lao động thương binh và Xã hội; tham mưu tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện
Pháp lệnh ưu đãi người có công và công tác thi đua khen thưởng.
5. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ban chỉ đạo phân
công.
Chương 3.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 9. Quy chế nay được áp dụng cho Ban chỉ
đạo thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng tỉnh Nghệ An.
Điều 10. Trong quá trình thực hiện, nếu có
yêu cầu nhiệm vụ phát sinh cần bổ sung, sửa đổi Ban chỉ đạo sẽ bàn bạc, thống
nhất trình UBND tỉnh để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn./.
|
TM.ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Xuân Đường
|
ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
------
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------
|
Số: /CT-UBND
|
Nghệ An, ngày
tháng năm 2013
|
Dự thảo:
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC THÀNH LẬP BAN
CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN PHÁP LỆNH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG TỈNH NGHỆ AN
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16/7/2012
sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động Thương binh và
Xã hội Nghệ An tại công văn số .............../LĐTBXH.NCC ngày .........tháng
...... năm 2013.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Pháp
lệnh ưu đãi người có công với cách mạng tỉnh Nghệ An, gồm các ông, bà có tên
sau:
1. Ông Nguyễn Xuân Đường, phó chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng
ban
2. Ông Bùi Nguyên Lân, Giám đốc Sở Lao động Thương binh
và Xã hội - Phó trưởng ban thường trực
3. Ông Nguyễn Thanh Phùng, Phó Giám đốc Sở Lao động
Thương binh và Xã hội - Phó trưởng ban
4. Bà Lê Thị Hoài Nam, Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy
- Ủy viên
5. Ông Nguyễn Đình Minh, Thiếu tướng- Phó chủ tịch Hội
cựu chiến binh tỉnh Nghệ An - Ủy viên
6. Ông Cao Huy Lương, Đại tá - Phó chính ủy- Bộ chỉ
huy quân sự tỉnh Nghệ An - Ủy viên
7. Ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó giám đốc Sở Y tế - Ủy
viên
8. Ông Nguyễn Xuân Hải, Phó giám đốc Sở Tài chính -
Ủy viên
9. Ông Đinh Xuân Lâm, Phó giám đốc Sở Nội vụ - Ủy
viên
10. Ông Dương Hoàng Vũ, Phó bí thư Tỉnh đoàn - Ủy
viên
11. Ông Đinh Xuân Tứ, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc
da cam tỉnh - Ủy viên
12. Ông Nguyễn Quang Trung, Giám đốc Trung tâm giám
định y khoa tỉnh- Ủy viên
13. Bà Phạm Thị Phòng, Phó chủ tịch Hội cựu thanh niên
xung phong tỉnh- Ủy viên
14. Bà Hồ Thị Thủy, Trưởng phòng chính sách người có
công- Ủy viên
Ủy ban nhân dân tỉnh kính mời bà Lô Thị Kim Ngân, Phó
chủ tịch UBMTQ tỉnh Nghệ An tham gia thành viên Ban chỉ đạo.
Điều 2. Ban chỉ đạo thực hiện Pháp lệnh ưu
đãi người có công tỉnh Nghệ An có các nhiệm vụ sau:
- Giúp UBND tỉnh triển khai thực hiện Pháp lệnh ưu đãi
người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh;
- Phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề
xuất các chính sách và giải pháp để thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công đạt
kết quả tốt;
- Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất cho UBND
tỉnh và Chính phủ, Bộ Lao động thương binh và xã hội theo quy định.
- Nhiệm vụ của từng thành viên do Trưởng Ban chỉ đạo
thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công.
Điều 3. Sở Lao động thương binh và xã hội là
cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo; các thành viên của Ban chỉ đạo hoạt động theo
chế độ kiêm nhiệm.
Kinh phí phục vụ cho hoạt động của Ban chỉ đạo do Sở
Lao động thương binh và xã hội lập dự toán và đưa vào dự trù kinh phí hàng năm
của ngành.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ
ngày ký.
Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Lao động
thương binh và xã hội, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, chủ
tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và các ông, bà có tên tại Điều 1 căn cứ
Quyết định thi hành./.
Nơi nhận:
- Bộ LĐTBXH (báo cáo);
- TT tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (báo cáo);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các tổ chuyên viên VX, TM, TH;
- Lưu VP.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Xuân Đường
|