Chỉ thị 2/CT-UBND năm 2022 về nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

Số hiệu 2/CT-UBND
Ngày ban hành 25/03/2022
Ngày có hiệu lực 25/03/2022
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Giang
Người ký Mai Sơn
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2/CT-UBND

Bắc Giang, ngày 25 tháng 03 năm 2022

 

CHỈ THỊ

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG

Trong những năm qua, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) đã thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, số lượng các nhiệm vụ KH&CN được các sở, ngành, các địa phương đặt hàng còn hạn chế; chất lượng hoạt động các Hội đồng tư vấn chưa cao; chưa lựa chọn được nhiều nhiệm vụ thực sự cần thiết, có ý nghĩa, xuất phát từ thực tiễn; chưa tập trung vào các nội dung mang tính ứng dụng, chuyển giao công nghệ; hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN chưa đều khắp trên các lĩnh vực, còn thiếu những định hướng lớn, mang tính liên ngành, liên vùng.

Để khắc phục những hạn chế trên, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ KH&CN trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

1. Xác định rõ các lĩnh vực trọng tâm ưu tiên nghiên cứu - ứng dụng KH&CN

Xác định công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, công nghệ vật liệu mới là những lĩnh vực chủ chốt cần tập trung nguồn lực đầu tư nghiên cứu, ứng dụng.

- Các sở, cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh căn cứ Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn và hằng năm của tỉnh; nhiệm vụ trọng tâm hằng năm của các ngành; các vấn đề bức xúc, vướng mắc của tỉnh, của các ngành để đề xuất, đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN. UBND huyện, thành phố xác định nhu cầu, tiềm năng, lợi thế đặc thù của địa phương, trọng tâm là các sản phẩm chủ lực, đặc trưng để đề xuất, đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN, góp phần đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của các sản phẩm. Văn bản đề xuất, đặt hàng của các cơ quan, đơn vị, địa phương gửi đến Sở KH&CN trước ngày 15/11 hằng năm để tổng hợp cho năm sau.

- Sở KH&CN căn cứ đề xuất, đặt hàng của các cơ quan, đơn vị, địa phương và văn bản chỉ đạo của Bộ KH&CN, của tỉnh để xây dựng định hướng hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN. Trong đó, xác định rõ các nội dung cần tập trung nghiên cứu trong từng năm và theo từng giai đoạn, đều khắp trên tất cả các lĩnh vực, mang tính liên ngành, liên vùng. Ưu tiên dành nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ KH&CN mang tính ứng dụng cao; chuyển giao công nghệ đã được đánh giá hiệu quả vào địa bàn tỉnh. Tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch về đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến 2030.

2. Nâng cao chất lượng đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN

- Các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thành phố; thành viên Hội đồng KH&CN tỉnh: Theo thông báo định hướng nghiên cứu, ứng dụng KH&CN của tỉnh, mỗi năm đề xuất ít nhất 01 nhiệm vụ KH&CN mang tính trọng điểm nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết của tỉnh, trong các ngành, lĩnh vực, địa phương, gửi đến Sở KH&CN trước ngày 31/5 hằng năm. UBND huyện, thành phố xem xét phê duyệt, bố trí kinh phí để hằng năm thực hiện được ít nhất 01 nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở trên địa bàn.

- Sở KH&CN định kỳ tổ chức hội thi tìm kiếm ý tưởng trong nghiên cứu khoa học để thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học, lựa chọn những ý tưởng tốt phát triển thành các nhiệm vụ KH&CN; tham mưu nâng cao chất lượng tư vấn của Hội đồng KH&CN tỉnh, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, lựa chọn được những nhiệm vụ thực sự cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

- Từ năm 2023, phấn đấu các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh thực hiện đều do các sở, ngành, địa phương đặt hàng; 100% nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh được tổ chức tuyển chọn; thực hiện khoán chi từng phần, tiến tới khoán chi đến sản phẩm cuối cùng.

3. Đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng hoạt động của các Hội đồng KH&CN

- Hội đồng KH&CN tỉnh sửa đổi Quy chế làm việc cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn; kịp thời kiện toàn, phân công nhiệm vụ thành viên, gắn với lĩnh vực chuyên ngành và theo dõi các địa phương; đổi mới nội dung, hình thức hoạt động theo hướng chuyên đề như: phát triển công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội; xác định rõ các công nghệ cần ưu tiên đầu tư nghiên cứu, ứng dụng trong từng giai đoạn.

- Thành viên Hội đồng KH&CN tỉnh, thành viên các Hội đồng tư vấn KH&CN: Nâng cao trách nhiệm cá nhân, vai trò được cử đại diện cho cơ quan, tổ chức để giúp UBND tỉnh đánh giá, lựa chọn được những nhiệm vụ KH&CN hiệu quả.

- Giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND huyện, thành phố: Chỉ đạo Hội đồng KH&CN cấp cơ sở phát huy tốt vai trò tham mưu, tư vấn trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN tại cơ sở.

- Sở KH&CN thường xuyên rà soát, cập nhật, bổ sung danh sách chuyên gia có trình độ, uy tín, trách nhiệm vào ngân hàng chuyên gia của tỉnh; nâng cao trách nhiệm trong việc lựa chọn chuyên gia tham gia các Hội đồng nhằm nâng cao chất lượng tư vấn, phản biện; phát huy vai trò cơ quan Thường trực, kiên quyết loại bỏ những nhiệm vụ không cần thiết, thiếu tính khả thi trước khi trình Hội đồng KH&CN tỉnh; tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp các Thành viên Hội đồng KH&CN trong quá trình tư vấn các nhiệm vụ KH&CN; đảm bảo chặt chẽ, khách quan, lựa chọn được những nhiệm vụ thực sự cần thiết, cấp bách đối với tỉnh.

4. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra nhiệm vụ KH&CN

- Hội đồng KH&CN tỉnh thực hiện kiểm tra nghiêm túc các nhiệm vụ KH&CN theo kế hoạch xây dựng hằng năm. Kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Nâng cao trách nhiệm của các Thành viên Hội đồng trong việc đôn đốc, theo dõi, nhắc nhở những nội dung thực hiện chưa đúng, chậm, muộn.

- Sở KH&CN quản lý chặt chẽ các nhiệm vụ KH&CN từ khi bắt đầu triển khai đến khi kết thúc; kiểm tra theo định kỳ hoặc đột xuất đối với các nhiệm vụ KH&CN đang triển khai. Chú trọng công tác kiểm tra điều kiện nghiệm thu đối với từng nhiệm vụ KH&CN trước khi tiến hành nghiệm thu. Làm tốt công tác kiểm tra, thanh tra; kịp thời chấn chỉnh những nội dung thực hiện chưa đạt yêu cầu của các nhiệm vụ KH&CN. Hằng năm, xây dựng kế hoạch thanh tra ít nhất 01 nhiệm vụ KH&CN. Kịp thời kiểm tra, thanh tra các nhiệm vụ KH&CN khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm.

- Các sở, ngành và UBND huyện, thành phố: Phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin với cơ quan quản lý, cơ quan chủ trì, đơn vị chuyển giao, tổ chức, cá nhân thụ hưởng trong quá trình tổ chức thực hiện, theo dõi, đánh giá nhiệm vụ.

5. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền kết quả các nhiệm vụ KH&CN

- Sở KH&CN chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường giới thiệu các kết quả nghiên cứu, ứng dụng KH&CN; tuyên truyền, phổ biến thành tựu, tri thức KH&CN. Tổ chức các hội nghị, hội thảo tuyên truyền, phổ biến 100% nhiệm vụ KH&CN được nghiệm thu, đánh giá có hiệu quả.

- Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; các sở, ngành, địa phương: Đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền; lan tỏa những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, mô hình ứng dụng KH&CN nổi bật; kịp thời biểu dương các tổ chức, cá nhân điển hình trong thực hiện các nhiệm vụ KH&CN; đồng thời, công khai những tổ chức, cá nhân có vi phạm.

6. Chú trọng công tác nhân rộng kết quả các nhiệm vụ KH&CN

- Sở KH&CN tổng hợp các nhiệm vụ KH&CN đã được nghiệm thu, đánh giá có hiệu quả; đề xuất phương án ứng dụng, nhân rộng và tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, giao cho các ngành, địa phương đưa kết quả nhiệm vụ vào ứng dụng trong thực tiễn.

- Trên cơ sở nhiệm vụ Chủ tịch UBND tỉnh giao ứng dụng, nhân rộng, các địa phương phối hợp với Sở KH&CN xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí từ ngân sách địa phương; các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí từ ngân sách tỉnh để thực hiện, gửi Sở Tài chính tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt cho năm sau.

- Tăng cường liên kết, hợp tác giữa các tổ chức KH&CN[1] với doanh nghiệp, các trường đại học, cao đẳng để thúc đẩy việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ.

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ