Chỉ thị 19/CT-BYT năm 2020 về tăng cường thực thi quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia trong ngành y tế do Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 19/CT-BYT
Ngày ban hành 23/06/2020
Ngày có hiệu lực 23/06/2020
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Đỗ Xuân Tuyên
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/CT-BYT

Hà Nội, ngày 23 tháng 6 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG THỰC THI CÁC QUY ĐỊNH CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA RƯỢU, BIA TRONG NGÀNH Y TẾ

Ngày 14/6/2019, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 với mục đích phòng, tránh, giảm thiểu các hậu quả về sức khoẻ, xã hội và kinh tế do sử dụng rượu, bia gây ra.

Để tổ chức thực hiện hiệu quả Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các cơ quan, đơn vị và cá nhân trong toàn ngành nghiêm túc thực hiện những nội dung sau:

1. Tăng cường thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia

a) Phổ biến, quán triệt Luật và các quy định, chính sách về phòng, chống tác hại của rượu, bia đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại cơ quan, đơn vị mình.

b) Tổ chức phát động xây dựng cơ quan, đơn vị phòng, chống tác hại của rượu, bia. Ký cam kết giữa cơ quan, đơn vị với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong việc thực hiện nghiêm quy định không uống rượu, bia tại nơi làm việc; không uống rượu, bia ngay trước, trong thời gian làm việc và nghỉ giữa giờ làm việc; không uống rượu, bia trước và trong khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

c) Các cơ quan, đơn vị căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực hoạt động chuyên môn để đẩy mạnh hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông, tổ chức các chương trình, chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống tác hại của rượu, bia. Tập trung tuyên truyền các quy định về những hành vi bị nghiêm cấm; phòng chống tác hại của rượu, bia đối với người chưa đủ 18 tuổi; không uống rượu, bia trước và trong khi lái xe; không xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; không uống rượu, bia ngay trước, trong thời gian làm việc, nghỉ giữa giờ làm việc và tại nơi làm việc; địa điểm không được uống, không được bán rượu, bia và thực hiện các quy định khác trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

d) Cán bộ, nhân viên y tế căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm truyền thông, tư vấn cho người bệnh, gia đình người bệnh và người dân đến khám bệnh, chữa bệnh và sử dụng dịch vụ tại cơ sở y tế về tác hại và biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia trong đó chú trọng phòng, chống tác hại của rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc đang trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ và người bệnh có uống rượu, bia; tích cực tham gia truyền thông cho người dân tại cộng đồng về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

2. Tăng cường chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia

a) Các cơ quan, đơn vị căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách về phòng, chống tác hại của rượu, bia; xây dựng, hướng dẫn tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia; đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho người làm công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia.

b) Chỉ đạo đưa nội dung phòng, chống tác hại của rượu, bia vào kế hoạch hoạt động hằng năm và chủ động bố trí kinh phí cho hoạt động từ ngân sách được cấp của đơn vị và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

c) Đưa quy định cấm uống rượu, bia tại nơi làm việc; cấm uống rượu, bia ngay trước, trong thời gian làm việc và nghỉ giữa giờ làm việc và các quy định khác về phòng, chống tác hại của rượu, bia vào nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, tiêu chuẩn xét thi đua, khen thưởng của các tập thể, cá nhân trong cơ quan, đơn vị.

d) Nghiêm cấm việc mua, bán các sản phẩm rượu, bia tại cơ quan, đơn vị mình. Phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nghiêm quy định không được mở mới điểm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ trong bán kính 100 mét tính từ ranh giới khuôn viên gần nhất của cơ sở y tế.

đ) Thường xuyên, định kỳ kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia tại cơ quan, đơn vị mình. Không xét tặng các danh hiệu thi đua, khen thưởng và có các hình thức xử lý theo quy định của pháp luật đối với cơ quan, đơn vị, người đứng đầu cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý, thường xuyên để xảy ra tình trạng vi phạm quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia tại cơ quan, đơn vị mình.

3. Các cơ sở y tế căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ triển khai hiệu quả biện pháp sàng lọc phát hiện sớm, tư vấn, can thiệp giảm tác hại cho người có yếu tố nguy cơ với sức khỏe do uống rượu, bia; dự phòng, chẩn đoán, điều trị, phục hồi chức năng cho người mắc bệnh hoặc rối loạn chức năng do uống rượu, bia; phòng, chống nghiện, tái nghiện rượu, bia.

4. Thanh tra Bộ Y tế, Thanh tra Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động triển khai công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

5. Tổ chức thực hiện

a) Các vụ, cục, tổng cục, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương triển khai thực hiện các hoạt động đã được phân công tại Quyết định số 3400/QĐ-BYT ngày 01/8/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế về ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia trong ngành y tế.

b) Văn phòng Bộ Y tế làm đầu mối phối hợp với Công đoàn và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cơ quan Bộ Y tế thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia tại Cơ quan Bộ Y tế; tổ chức lồng ghép phổ biến Luật trong các hội nghị, cuộc họp do Lãnh đạo Bộ chủ trì; tổng hợp, báo cáo các trường hợp không thực hiện nghiêm quy định tại các cuộc họp giao ban của Bộ.

c) Công đoàn Y tế Việt Nam phối hợp với Cục Y tế dự phòng và các đơn vị liên quan lồng ghép truyền thông về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia trong hoạt động công đoàn tới toàn thể công chức, viên chức và người lao động ngành Y tế; đưa nội dung giám sát thực thi Luật là một tiêu chí kiểm tra của công đoàn cơ sở hằng năm; kịp thời đề xuất Lãnh đạo Bộ biểu dương, khen thưởng những tập thể và cá nhân thực hiện tốt.

d) Sở Y tế chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành kế hoạch và bố trí đủ ngân sách địa phương để triển khai thực hiện công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia; chỉ đạo, tổ chức triển khai kịp thời các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia tới các đơn vị trong ngành y tế tại địa phương.

Chỉ thị này được phổ biến đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành y tế và các đơn vị liên quan để nghiêm túc triển khai thực hiện.

Cục Y tế dự phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này, định kỳ hằng năm tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị kịp thời phản ánh về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) để xem xét, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- PTTg Vũ Đức Đam (để báo cáo);
- VPCP: Vụ KGVX, TH;
- Các đồng chí Thứ trưởng (để chỉ đạo);
- Các Vụ, Cục, VPB, TTrB, TCDS;
- Công đoàn Y tế Việt Nam;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế;
- Cổng TT điện tử BYT;
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Y tế các Bộ, ngành;
- Lưu: VT, DP.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG





Đỗ Xuân Tuyên

 

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ