Chỉ thị 19/2007/CT-UBND về thực hiện các giải pháp để kéo giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố trong 6 tháng cuối năm 2007 do Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành.

Số hiệu 19/2007/CT-UBND
Ngày ban hành 16/07/2007
Ngày có hiệu lực 26/07/2007
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Lê Hoàng Quân
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 19/2007/CT-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 07 năm 2007 

 

CHỈ THỊ

 

VỀ THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP ĐỂ KÉO GIẢM TAI NẠN GIAO THÔNG VÀ ÙN TẮC GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ TRONG 6 THÁNG CUỐI NĂM 2007

 

Trong thời gian qua, đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm 2007, chính quyền và lực lượng Công an các cấp, các ngành, các đơn vị đã có nhiều cố gắng giải quyết bài toán về giữ gìn trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố nhưng kết quả đạt được chưa cao, tai nạn giao thông đường bộ 6 tháng đầu năm 2007 tăng cao so với cùng kỳ năm trước; tình hình chưa được chuyển biến cộng với những phát sinh bất cập làm tăng thêm tính bức xúc, cần phải được đánh giá an toàn giao thông là một vấn đề nghiêm trọng phải được quyết tâm khắc phục vì liên quan đến sinh mạng, tài sản và môi trường sống của nhân dân thành phố.

Nguyên nhân của vấn đề trên là do nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật về giao thông của người tham gia giao thông còn yếu kém; hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập; công tác quản lý Nhà nước còn thiếu sót; việc tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông của các cấp, các ngành chưa đạt yêu cầu.

Nhằm khắc phục các yếu kém, tồn tại nêu trên, quyết tâm kéo giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố trong 6 tháng cuối năm 2007; quyết tâm thực hiện Quyết định số 128/QĐ-TTg ngày 29 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 213/UBATGTQG ngày 19 tháng 6 năm 2007 của Ủy ban An tòan giao thông quốc gia về chỉ tiêu giảm số thiệt hại về người do tai nạn giao thông trong năm 2007, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các cấp, các ngành khẩn trương thực hiện quyết liệt những biện pháp sau đây:

1. Sở Tư pháp:

- Chủ trì phối hợp với các Sở - ban - ngành tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố kiến nghị với Trung ương về việc ban hành văn bản mới hoặc bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của Trung ương về bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho phù hợp và khả thi với tình hình thực tế của thành phố.

- Thường trực Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố chủ trì phối hợp với Ban An toàn giao thông thành phố xây dựng các chương trình phát thanh, truyền hình mới, tổ chức các hội thi để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông cho đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân thành phố; tăng cường đào tạo đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên để đáp ứng yêu cầu công tác.

2. Sở Văn hóa và Thông tin:

- Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện công tác thông tin tuyên truyền, vận động về bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố bằng nhiều hình thức sinh động với chủ đề chính là vận động mọi người phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về giao thông, đặc biệt là phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe môtô, xe gắn máy.

- Chỉ đạo và cung cấp cho các rạp chiếu phim trên địa bàn thành phố những đoạn phim tuyên truyền về an toàn giao thông dài khoảng 5 - 10 phút để các rạp trình chiếu trước khi vào phim chính.

- Đề xuất với Ủy ban nhân dân thành phố các nhiệm vụ cụ thể của các cơ quan Báo - Đài thành phố trong công tác thông tin tuyên truyền, vận động về bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố.

Công tác tuyên truyền vận động phải được thực hiện trên cả diện rộng và chiều sâu; không chỉ dừng lại ở một số đối tượng mà phải tuyên truyền và vận động ở tất cả các cơ quan, đơn vị, đoàn thể và ở mọi tầng lớp nhân dân. Phải giải quyết cho được cái gốc vấn đề là ý thức chấp hành luật pháp giao thông của từng người tham gia giao thông. Biện pháp thông tin tuyên truyền phải hết sức cụ thể và thiết thực.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo:

- Tiếp tục tăng cường thời lượng và đa dạng hóa hình thức giảng dạy pháp luật giao thông ở tất cả các cấp học nhằm giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành cho học sinh phổ thông, đặc biệt là học sinh cấp 3.

- Chỉ đạo tất cả các trường học đưa nội dung bảo đảm an toàn giao thông vào sinh hoạt chào cờ đầu tuần, vào tiết học đầu tiên trong ngày và sinh hoạt chủ nhiệm hàng tuần; đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện chương trình xe đưa đón học sinh; có hình thức xử lý nghiêm việc học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

- Chỉ đạo tất cả các trường học phối hợp với Công an và chính quyền địa phương tổ chức tốt việc giữ gìn trật tự giao thông khu vực trước cổng trường; dựng các panô nơi học sinh ra cổng trường để nhắc nhở học sinh phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về giao thông.

- Phối hợp với Ban An toàn giao thông thành phố thường xuyên cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin cho cơ quan Báo - Đài về tình hình, kết quả thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông của ngành Giáo dục và Đào tạo.

4. Sở Giao thông - Công chính:

- Chủ trì, phối hợp với Công an thành phố tiếp tục khảo sát, nghiên cứu phân luồng và tổ chức lại giao thông cho hợp lý để thiết lập thêm các hành lang an toàn giao thông, đặc biệt tập trung xử lý tại các khu vực trọng điểm về tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; tổ chức kiểm tra thực địa, điều chỉnh bổ sung hệ thống đèn tín hiệu, biển báo, sơn đường… hướng dẫn giao thông rõ ràng cho người đi đường. Khảo sát, lập đề án lắp đặt bổ sung dãy phân cách giữa đường để tăng cường cưỡng chế, đảm bảo an toàn giao thông.

- Đẩy nhanh việc phân luồng giao thông một chiều cho các tuyến đường đã được nghiên cứu để giảm ùn tắc khu vực; nghiên cứu và tổ chức sắp xếp lại việc cho phép đậu xe ôtô dưới lòng đường có thu phí (nhất là các đường nhỏ) để phòng tránh xảy ra ùn tắc và tai nạn giao thông.

- Tăng cường kiểm tra và nhanh chóng khắc phục các khiếm khuyết, hư hỏng của hạ tầng kỹ thuật giao thông đường bộ và tình trạng ngập nặng trên nhiều tuyến đường trong mùa mưa để bảo đảm an toàn cho người lưu thông. Kiểm điểm, xử lý nghiêm giám đốc và cán bộ các Khu Quản lý giao thông đô thị nếu thiếu trách nhiệm trong công tác này.

- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc bảo đảm tiến độ thi công các công trình về hạ tầng giao thông; chỉ đạo Thanh tra Sở kiên quyết xử phạt nặng và bắt buộc các chủ đầu tư và đơn vị thi công phải khắc phục ngay những vi phạm về ô nhiễm môi trường, về rào chắn, báo hiệu an toàn tại công trường thi công, đồng thời buộc tái lập ngay mặt đường để bảo đảm an toàn giao thông.

- Tăng cường biện pháp quản lý chặt chẽ để phòng tránh tiêu cực, nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm xe cơ giới và công tác đào tạo - sát hạch - cấp giấy phép lái xe; kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, nhân viên có tiêu cực.

- Tổ chức lại mạng lưới luồng tuyến xe buýt cho hợp lý, tránh trùng lắp, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ hành khách đi xe.

- Chủ trì phối hợp với Công an thành phố và Ủy ban nhân dân, Ban
An toàn giao thông các quận - huyện khảo sát, có biện pháp khắc phục ngay các “điểm đen” về tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố; xử lý an toàn kỹ thuật cho chốt trực gác tại các nơi giao nhau giữa đường bộ - đường sắt trên địa bàn thành phố, tổ chức lực lượng trực gác đúng quy định, nghiêm túc; tiếp tục khảo sát, nâng cấp các đường ngang với đường sắt tại địa bàn các quận có đường sắt đi qua; giải quyết nhanh chóng các kiến nghị của Ủy ban nhân dân, Ban An toàn giao thông quận - huyện về hạ tầng giao thông.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ