Chỉ thị 18/2000/CT-TTg về tăng cường công tác dân vận do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 18/2000/CT-TTg |
Ngày ban hành | 21/09/2000 |
Ngày có hiệu lực | 06/10/2000 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký | Phan Văn Khải |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 18/2000/CT-TTg |
Hà Nội, ngày 21 tháng 9 năm 2000 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC DÂN VẬN
Bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Dân là người thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của Chính phủ, đoàn thể, nên dân phải được hiểu biết, bàn bạc và giám sát, do đó không chỉ có mặt trận, các đoàn thể chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương cũng phải làm công tác dân vận. Trong bài báo "Dân vận" ngày 15 tháng 10 năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh....) đều phải phụ trách dân vận".
Quán triệt quan điểm quần chúng của Đảng, làm theo lời dạy của Bác Hồ, trong những năm qua, nhất là từ khi thực hiện đường lối đổi mới, Chính phủ đã có nhiều chính sách, chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, triển khai các quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm phát huy tốt hơn và nhiều hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân. Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương triển khai chương trình cải cách hành chính, chống tham nhũng, buôn lậu, quan liêu, lãng phí, cửa quyền, khắc phục những thủ tục hành chính gây phiền hà cho nhân dân. Các Bộ, ngành, nhất là Uỷ ban nhân dân các cấp đã phối hợp ngày càng tốt hơn với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên để cùng làm tốt công tác dân vận.
Tuy nhiên, do nhận thức chưa đầy đủ và sâu sắc về tầm quan trọng của công tác dân vận, nên không ít cán bộ, công chức còn chưa đi sát và chú ý lắng nghe ý kiến của nhân dân; tác phong làm việc còn quan liêu, cửa quyền, nặng về biện pháp mệnh lệnh, hành chính, áp đặt, coi nhẹ việc vận động, thuyết phục. Việc phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên ở một số cơ sở trong công tác dân vận còn chưa cụ thể, hiệu quả chưa cao.
Để thực hiện Nghị quyết của Đảng và lời dạy của Bác Hồ về công tác dân vận, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi và quyền hạn của mình:
- Phải chỉ đạo và có kế hoạch thường xuyên tuyên truyền và giáo dục nhận thức về công tác dân vận. Nhân "Ngày dân vận" 15 tháng 10 hàng năm, cần tăng cường chỉ đạo, triển khai học tập bài báo "Dân vận" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nghị quyết dân vận của Đảng, và Bài "Nhớ ngày 15 tháng 10" của đồng chí Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu... nhằm tạo ra những chuyển biến mới trong nhận thức và hành động về công tác dân vận.
- Nâng cao năng lực quản lý nhà nước, sửa đổi lối làm việc theo hướng dân chủ hoá và công khai hoá, chống quan liêu, cửa quyền, tham nhũng. Thực hiện nghiêm chỉnh các quy chế dân chủ ở cơ sở; cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát, bãi bỏ những văn bản trái pháp luật, không đúng thẩm quyền, những thủ tục hành chính rườm rà gây phiền hà cho nhân dân; khi soạn thảo các văn bản pháp luật, các chính sách, triển khai các chương trình, dự án phải tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân, làm cho các văn bản pháp luật, các chính sách, chương trình, dự án phù hợp với thực tiễn, lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm minh những hành vi sách nhiễu, ức hiếp nhân dân, xâm phạm lợi ích chính đáng và quyền làm chủ của nhân dân, giải quyết kịp thời các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân. Trong những tháng còn lại của năm 2000, các cấp chính quyền có chương trình và kế hoạch cụ thể tập trung giải quyết một số vấn đề bức xúc của nhân dân về nhà ở, đất đai và các chính sách xã hội khác.
2. Cán bộ, công chức ở Trung ương, tỉnh, huyện phải có chương trình đi cơ sở, bám sát thực tiễn, gặp gỡ, tiếp xúc với dân, lắng nghe ý kiến nguyện vọng của nhân dân, tuyên truyền giải thích chính sách pháp luật của nhà nước.
3. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với học viện Hành chính Quốc gia nghiên cứu bổ sung, hoàn chỉnh nội dung công tác dân vận đưa vào chương trình giảng dạy ở các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.
4. Các phương tiện thông tin đại chúng, từ Trung ương đến địa phương cần có các chuyên đề về công tác dân vận và chính quyền làm công tác dân vận; thông tin kịp thời và dành thời lượng thích đáng để giới thiệu, tuyên truyền về công tác dân vận; kịp thời biểu dương các cá nhân, tập thể làm tốt công tác dân vận.
5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp cần tăng cường phối hợp với các cơ quan của Đảng, Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội.... nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong việc xây dựng và thực hiện công tác dân vận.
Căn cứ Chỉ thị này, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện.
Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban Dân vận Trung ương theo dõi, đôn đốc thực hiện Chỉ thị này và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
|
Phan Văn Khải (Đã ký) |