Chỉ thị 16/CT-UBND năm 2013 về tăng cường công tác quản lý và bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ tỉnh Hà Tĩnh

Số hiệu 16/CT-UBND
Ngày ban hành 04/10/2013
Ngày có hiệu lực 04/10/2013
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Tĩnh
Người ký Trần Minh Kỳ
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/CT-UBND

Hà Tĩnh, ngày 04 tháng 10 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ HÀNH LANG AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Trong thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nói chung và hành lang an toàn giao thông đường bộ nói riêng đã được sự quan tâm chỉ đạo các ngành, các cấp. Tuy nhiên, tình hình vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ trên các tuyến đường vẫn diễn ra hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng (năm 2012 trên địa bàn tỉnh có 447 trường hợp vi phạm, 7 tháng đầu năm 2013 có 161 trường hợp vi phạm), nhất là các vi phạm sau: Xây dựng lều quán, ki ốt, hàng rào, công trình tạm trái phép; đấu nối trái phép vào đường bộ; tập kết nguyên, vật liệu xây dựng, họp chợ lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, trồng cây xanh dọc các tuyến đường, đặt biển quảng cáo trên vỉa hè làm che khuất tầm nhìn, phơi, đốt rơm, rạ trên đường,...vv. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên: Ý thức chấp hành về đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông của người dân còn hạn chế, công tác tuyên truyền phổ biến về pháp luật về hành lang an toàn giao thông chưa thực hiện thường xuyên, liên tục, chính quyền UBND huyện, thành phố, thị xã (sau đây gọi tắt là cấp huyện), UBND xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là cấp xã) chưa quyết liệt, thiếu sự chỉ đạo thường xuyên và một số nơi còn buông lỏng quản lý.

Để công tác quản lý, bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ được duy trì thường xuyên, có hiệu quả và kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm, nhằm góp phần lập lại trật tự, kỷ cương an toàn giao thông đường bộ; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chính quyền các cấp, các Sở, ban, ngành triển khai thực hiện nghiêm túc một số nội dung công việc sau:

1. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ hành lang ATGT đường bộ đối với nhân dân sống ven các tuyến đường bộ trên địa bàn tỉnh. Trong đó yêu cầu tiếp tục tuyên truyền và phổ biến các nội dung Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010 của Chính phủ, Thông tư số 39/2011/TT-BGTVT ngày 18/5/2011 của Bộ GTVT, Quyết định số 51/2012/QĐ-UBND ngày 07/9/2012 của UBND tỉnh về việc quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đến các xã, phường, thị trấn, các tổ chức, nhân dân sinh sống dọc theo các tuyến đường biết; chỉ đạo các cơ quan thông tin của huyện, đặc biệt là Đài truyền thanh cấp xã thường xuyên tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận trong phối hợp và thực hiện.

- Chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức giải tỏa các trường hợp vi phạm theo số liệu của Sở Giao thông Vận tải và Khu Quản lý đường bộ 4 thông báo cho các địa phương. Đối với các tuyến đường đã được tổ chức bồi thường giải tỏa để nâng cấp, mở rộng như: cầu Bến Thủy II, QL1, QL8, QL8B, QL15, QL15B, QL12C... yêu cầu UBND các huyện xã có kế hoạch giải tỏa chống tái lấn chiếm, kiên quyết xử lý các vi phạm mới phát sinh, phối hợp với các Ban Quản lý dự án, đơn vị thi công, đơn vị quản lý đường bộ và Thanh tra giao thông hoàn thành trước khi nghiệm thu bàn giao công trình đưa vào sử dụng.

- Tăng cường công tác quản lý và sử dụng đất dọc các tuyến đường bộ theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm lấn chiếm, sử dụng trái phép đất trong hành lang đường bộ. Tập trung chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý hành lang an toàn đường bộ, đất của đường bộ.

- Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt công tác quản lý hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn và coi đây là một trong những tiêu chí bắt buộc để đánh giá phong trào thi đua cho cơ quan, đơn vị.

2. Sở Giao thông Vận tải

- Kiểm tra, rà soát tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung quy định phạm vi hành lang an toàn giao thông đường bộ các tuyến đường do tỉnh quản lý; tổ chức công bố rộng rãi phạm vi hành lang an toàn giao thông trên các tuyến Tỉnh lộ, Quốc lộ ủy thác quản lý trên địa bàn tỉnh cho các địa phương, đơn vị, nhân dân biết, thực hiện.

- Tổ chức kiểm tra, rà soát việc cắm mốc lộ giới đường bộ trên các tuyến đường bộ do tỉnh quản lý, hàng năm lập kế hoạch cắm bổ sung, ken dày cho đủ số lượng theo đúng quy định tại QCVN 41:2012/BGTVT; đồng thời lập hồ sơ cắm mốc lộ giới đường bộ để bàn giao cho địa phương quản lý.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý, bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ; chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông thường xuyên kiểm tra, phát hiện và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.

- Tổ chức triển khai các dự án quy hoạch như: Quy hoạch chi tiết các điểm đấu nối vào hệ thống đường tỉnh; quy hoạch hệ thống cây xanh dọc các tuyến đường tỉnh, để các tổ chức và cá nhân có điều kiện trồng cây theo quy hoạch, vừa đảm bảo an toàn giao thông, vừa đảm bảo cảnh quan môi trường

3. Đề nghị Khu Quản lý đường bộ IV

- Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Ban An toàn giao thông tỉnh, Thanh tra giao thông Khu vực II, UBND huyện, thành phố, thị xã (sau đây gọi tắt là UBND cấp huyện) và UBND xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là UBND cấp xã) tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ dọc các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

- Tổ chức kiểm tra, rà soát việc cắm mốc lộ giới đường bộ trên các tuyến quốc lộ thuộc địa bàn Hà Tĩnh do Khu quản lý, lập kế hoạch đề xuất Tổng cục Đường bộ Việt Nam đầu tư cắm bổ sung đầy đủ theo quy định tại QCVN 41: 2012/BGTVT và bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Ban An toàn giao thông tỉnh và UBND cấp huyện, UBND cấp xã công bố rộng rãi phạm vi hành lang an toàn giao thông, trên các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh cho các địa phương, đơn vị, nhân dân biết, thực hiện.

- Phối hợp với Thanh tra giao thông khu vực II; đồng thời chỉ đạo Văn phòng hiện trường quản lý đường bộ, các nhà thầu quản lý đường bộ thường xuyên phối hợp với chính quyền các địa phương tuần tra, kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ.

4. Giao các Sở, ban, ngành và đề nghị UBMT Tổ quốc tỉnh, các tổ chức đoàn thể các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân thực hiện các quy định pháp luật về quản lý và bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ; đồng thời chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, của tỉnh về quản lý và bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh,

5. Các Chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông: Chủ trì, phối hợp với Hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng các địa phương khôi phục mốc giải phóng mặt bằng và cắm đầy đủ mốc lộ giới đường bộ theo quy định tại QCVN 41: 2012/BGTVT trước khi bàn giao cho cơ quan, địa phương quản lý đường bộ.

6. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Hà Tĩnh

Tiếp tục duy trì xây dựng và phát sóng, đăng tin các chuyên đề, chuyên mục về an toàn giao thông, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền về quản lý và bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ.

7. Ban An toàn giao thông tỉnh

- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các ngành, các địa phương triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh; chú trọng công tác đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Gỉao thông Vận tải, Khu Quản lý đường bộ IV và các địa phương hàng quý, đột xuất tổng hợp tình hình thực hiện, báo cáo UBND tỉnh.

Công tác quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và quản lý hành lang đường bộ, xử lý giải tỏa các trường hợp vi phạm là trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương và phải được làm thường xuyên, liên tục. Yêu cầu Chủ tịch UBND huyện, thành phố, thị xã, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành liên quan thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị này, tạo cơ sở cho việc thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông một cách bền vững trên địa bàn tỉnh./.

 

[...]