Chỉ thị 16/CT-BGTVT năm 2007 về tăng cường công tác phòng chống dịch tiêu chảy cấp do Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 16/CT-BGTVT
Ngày ban hành 07/11/2007
Ngày có hiệu lực 07/11/2007
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Hồ Nghĩa Dũng
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
**********

Số: 16/CT-BGTVT

Hà Nội, ngày 07 tháng 11 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG DỊCH TIÊU CHẢY CẤP

Thực hiện Công điện số 1638/CĐ-TTg ngày 02/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tiêu chảy cấp.

Theo Thông báo số 948/TB-BYT ngày 05/11/2007 của Bộ Y tế, dịch tiêu chảy cấp đang có diễn biến phức tạp. Tính đến 14h00 ngày 04/11/2007 đã ghi nhận 641 trường hợp mắc tại 41 huyện thuộc 11 tỉnh/thành phố. Đây là loại dịch bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa với các biểu hiện chính là nôn, tiêu chảy nhiều lần dẫn đến sốc do mất nước và điện giải, người bệnh nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ bị tử vong.

Trước yêu cầu khẩn cấp ngăn chặn, dập tắt dịch để bảo vệ sức khỏe cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Giao thông vận tải và nhân dân địa phương, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan đơn vị tập trung, nhanh chóng thực hiện tốt các yêu cầu sau:

1. Các đơn vị trực thuộc Bộ:

a) Tổ chức thanh khiết môi trường, bảo vệ nguồn nước bằng dung dịch cloramin B 5%.

b) Kiểm tra bếp ăn tập thể, thực hiện đầy đủ các quy định để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

c) Tuyên truyền, giáo dục cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện ăn chín, uống sôi, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, không ăn các thức ăn sống, tiết canh, gỏi cá, không sử dụng mắm tôm, mắm tép.

d) Khi có người nghi ngờ hoặc bị mắc dịch tiêu chảy cấp cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

2. Các cơ sở y tế ngành Giao thông vận tải:

a) Theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến dịch để tổ chức, triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch cho các đơn vị trong toàn ngành.

b) Củng cố tăng cường năng lực các đội cấp cứu phòng chống dịch với đầy đủ trang thiết bị, hóa chất, thuốc; chủ động phối hợp với y tế địa phương phòng chống dịch có hiệu qua khi dịch xảy ra.

c) Các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện phương án sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu bệnh nhân, tổ chức cách ly kịp thời, chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị và các phương tiện cần thiết để xử lý và điều trị theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

d) Phải điều trị tại chỗ theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, không được để thiếu thuốc và dịch truyền phục vụ điều trị cho bệnh nhân.

3. Bộ trưởng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị có trách nhiệm tổ chức thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch tiêu chảy. Nếu phát hiện trường hợp mắc tại đơn vị yêu cầu đơn vị báo cáo về Sở Y tế Giao thông vận tải và y tế địa phương mọi diễn biến của dịch thuộc phạm vi được giao phụ trách.

Giao cho Sở Y tế Giao thông vận tải là đơn vị thường trực giúp Bộ Giao thông vận tải theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra và báo cáo Bộ về diễn biến dịch tiêu chảy cấp trong phạm vi toàn ngành./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo);
- Bộ Y tế (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ;
- Công đoàn GTVTVN (để phối hợp thực hiện);
- Lưu: VT, TCCB.

BỘ TRƯỞNG




Hồ Nghĩa Dũng

 

2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ