Chỉ thị 16/2008/CT-TTg về tổ chức triển khai thi hành luật phòng, chống bạo lực gia đình do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 16/2008/CT-TTg
Ngày ban hành 30/05/2008
Ngày có hiệu lực 22/06/2008
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Thiện Nhân
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 16/2008/CT-TTg

Hà Nội, ngày 30 tháng 5 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔ CHỨC TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII kỳ họp thứ hai thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2008. Đây là đạo luật quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể chế hóa chủ trương và đường lối của Đảng và Nhà nước về vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình. Việc thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, của từng gia đình và toàn xã hội, nhằm góp phần củng cố và xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Để nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, nhân dân và chuẩn bị các điều kiện tổ chức triển khai Luật Phòng, chống bạo lực gia đình một cách đồng bộ và đạt hiệu quả cao, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về Luật; biên soạn tài liệu tập huấn và tổ chức, hướng dẫn tập huấn cho cán bộ của các Bộ, ngành và những người trực tiếp tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình;

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành thuộc lĩnh vực quản lý để sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, ban hành mới theo thẩm quyền, hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật phải được hoàn thành trong quý III năm 2009;

c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình, trình Chính phủ trong quý III năm 2008;  xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành các Nghị định này theo thẩm quyền;

d) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình giai đoạn 2010 - 2020, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý  I năm 2009;

đ) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng các chỉ số về phòng, chống bạo lực gia đình và văn bản hướng dẫn thực hiện công tác thống kê, thông tin, báo cáo về phòng, chống bạo lực gia đình; nghiên cứu xây dựng và thực hiện thí điểm các mô hình về phòng, chống bạo lực gia đình; chỉ đạo tổng kết thực tiễn và nhân rộng các mô hình về phòng, chống bạo lực gia đình;

e) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình;

g) Theo dõi, đôn đốc công  tác triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; định kỳ hàng năm kiểm tra, tổng kết tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng đa dạng hóa các hình thức truyền thông, phổ biến, tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; tăng thời lượng, tần suất, mở chuyên trang, chuyên mục về phòng, chống bạo lực gia đình.

3. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu bổ sung vào chương trình giáo dục nội dung về phòng, chống bạo lực gia đình phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo; chỉ đạo việc phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình trong nhà trường.

4. Bộ Tư pháp tăng cường hướng dẫn, kiểm tra hoạt động hòa giải ở cơ sở, hướng dẫn các Sở Tư pháp trong việc nâng cao nghiệp vụ cho người làm công tác hòa giải, đặc biệt là hòa giải ở cơ sở để đáp ứng nhiệm vụ của pháp luật về hòa giải mâu thuẫn và hòa giải tranh chấp giữa các thành viên gia đình, góp phần ngăn chặn bạo lực gia đình.

5. Bộ Y tế củng cố và tăng cường năng lực cho các cơ sở y tế công lập đáp ứng nhiệm vụ tiếp nhận, chăm sóc y tế và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; ban hành và tổ chức thực hiện quy chế về tiếp nhận, chăm sóc y tế cho bệnh nhân là nạn nhân bạo lực gia đình tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; hướng dẫn các cơ sở khám bệnh chữa bệnh thực hiện thống kê, báo cáo số lượng bệnh nhân là nạn nhân bạo lực gia đình được khám và điều trị; ban hành quy trình chữa  trị nghiện rượu.

6. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành văn bản hướng dẫn việc thực hiện trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình tại  các cơ sở bảo trợ xã hội; chỉ đạo việc lồng ghép nội dung phòng, chống bạo lực gia đình vào các chương trình giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo vệ, chăm sóc trẻ em và phòng, chống tệ nạn xã hội.

7. Bộ Công an, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các Bộ, ngành liên quan ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện các biện pháp phát hiện, ngăn chặn, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; củng cố và tăng cường năng lực cho lực lượng công an các cấp, đặc biệt cấp cơ sở trong việc ngăn chặn, xử lý vi phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân bạo lực gia đình.

8. Bộ Tài chính:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ, ngành liên quan bố trí ngân sách, bảo đảm nguồn kinh phí thường xuyên cho việc triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình;

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ  Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành văn bản hướng dẫn và kiểm tra các Bộ, ngành liên quan và địa phương trong việc sử dụng kinh phí thực hiện các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình.

9. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản dưới luật trong cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý.

10. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cân đối, bố trí ngân sách, xây dựng kế hoạch thực hiện và tổ chức triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; chỉ đạo việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý và nhân dân địa phương; hàng năm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ thông qua Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về thực trạng và kết quả thực hiện pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.

11. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, đặc biệt là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các tổ chức xã hội tích cực tuyên truyền giáo dục hội viên và người dân tích cực chấp hành pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và chính quyền các cấp triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

12. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Chỉ thị này.

Các Bộ  trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này. Văn bản của các Bộ, ngành hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và kế hoạch triển khai thi hành Luật của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã nêu trong Chỉ thị này phải hoàn thành chậm nhất trong quý IV năm 2008.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo./.

 

[...]