THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------
|
Số:
1568/CT-TTg
|
Hà
Nội, ngày 19 tháng 08 năm 2010
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾT LUẬN SỐ 78-KL/TW NGÀY 26 THÁNG
7 NĂM 2010 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ
Thực hiện Kết luận số 78-KL/TW ngày
26 tháng 7 năm 2010 của Bộ Chính trị về kết quả kiểm tra thực hiện Nghị quyết
Trung ương 3, Trung ương 9 (khóa IX) và Nghị quyết Đại hội X của Đảng về tiếp tục
sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và về Đề
án tiếp tục củng cố, phát huy vai trò của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn
nhà nước, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Các Bộ, cơ quan
ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương, Hội đồng thành viên các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước:
a) Tiếp tục tổ chức quán triệt sâu
sắc các Nghị quyết của Đảng, kết luận của Bộ Chính trị về quan điểm, mục tiêu,
nhiệm vụ, định hướng phát triển và các giải pháp sắp xếp, đổi mới, phát triển,
nâng cao hiệu quả và vị trí của doanh nghiệp nhà nước để tạo ra sự chuyển biến
mạnh mẽ, vững chắc trong công tác này.
b) Xây dựng phương án sắp xếp, đổi
mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp có vốn góp chi phối của Nhà
nước (gọi chung là doanh nghiệp nhà nước) đến năm 2015 để doanh nghiệp nhà nước
tập trung vào những ngành, lĩnh vực quan trọng, then chốt mà Nhà nước cần nắm
giữ, chi phối, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chỉ đạo thực hiện nghiêm
túc và có hiệu quả phương án đã được phê duyệt. Xem đây là một nhiệm vụ chính
trị trọng tâm.
c) Trong quý III năm 2010 báo cáo
Thủ tướng Chính phủ phương án sắp xếp đối với các tổng công ty nhà nước thuộc
phạm vi quản lý của mình mà hoạt động không có hiệu quả, thua lỗ kéo dài nhiều
năm, không có khả năng phục hồi và việc xử lý trách nhiệm của tập thể và cá
nhân có liên quan.
d) Theo chức năng, nhiệm vụ được
giao, tăng cường quản lý, kiểm tra giám sát đối với doanh nghiệp nhà nước; kịp
thời phát hiện và xử lý có hiệu quả những vấn đề nảy sinh. Hàng năm tiến hành
sơ kết, đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Khen thưởng kịp
thời những người có thành tích, đồng thời xử lý nghiêm minh các cá nhân có sai
phạm.
2. Bộ Kế hoạch và
Đầu tư:
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ,
Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế,
cơ chế về thực hiện chức năng quản lý nhà nước và chức năng quản lý của chủ sở
hữu trong việc giám sát hiệu quả sản xuất kinh doanh, việc đầu tư phát triển và
sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập
đoàn, tổng công ty nhà nước. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2010.
b) Chịu trách nhiệm chính trong việc
theo dõi, đánh giá tổng hợp việc thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát
triển; ngành, nghề kinh doanh và việc tổ chức quản lý tại các tập đoàn kinh tế,
tổng công ty nhà nước; định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ và kịp thời
báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề cần uốn nắn, chấn chỉnh.
c) Phối hợp với Ban Chỉ đạo Đổi mới
và Phát triển doanh nghiệp và các cơ quan liên quan tổ chức sơ kết, đánh giá
rút kinh nghiệm về việc thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước.
d) Nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung
các quy định hiện hành sau:
- Tiêu chí, danh mục xác định doanh
nghiệp 100% vốn nhà nước đến năm 2015 làm cơ sở cho các Bộ, địa phương, tập
đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà
nước, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 9 năm 2010.
- Quy định về tổ chức thực hiện quyền
và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và
doanh nghiệp có vốn nhà nước, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong quý IV
năm 2010.
- Quy định về thành lập mới, tổ chức
lại và giải thể doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trình Thủ tướng Chính phủ ban
hành trong quý IV năm 2010.
3. Bộ Tài chính:
a) Chịu trách nhiệm chính trong việc
kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, việc huy động
và sử dụng vốn, tỷ lệ nợ trên vốn của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước;
định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ và kịp thời báo cáo Thủ tướng
Chính phủ những vấn đề phát sinh cần uốn nắn, chấn chỉnh.
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan liên quan tổng kết việc xử lý nợ trong khu vực doanh nghiệp nhà nước, đề
xuất những biện pháp làm lành mạnh tình hình tài chính doanh nghiệp. Khẩn
trương tiến hành đánh giá lại giá trị vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn
kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước.
c) Trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo
Nghị định về tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà
nước để trình Chính phủ ban hành trong quý IV năm 2010.
d) Trình Thủ tướng Chính phủ ban
hành:
- Trong quý III năm 2010 các văn bản
sau:
+ Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định
số 109/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2007 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà
nước thành công ty cổ phần;
+ Dự thảo Nghị định về quản lý và
kinh doanh vốn nhà nước;
+ Cơ chế giám sát và đánh giá hiệu
quả hoạt động của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
- Trong quý IV năm 2010 dự thảo Nghị
định về cơ chế tài chính cho doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thay thế Nghị định
số 09/2009/NĐ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2009 ban hành Quy chế quản lý tài chính của
công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác.
4. Bộ Nội vụ:
a) Hướng dẫn thực hiện quy định của
Chính phủ về việc áp dụng Luật Cán bộ công chức đối với cán bộ quản lý doanh
nghiệp 100% vốn nhà nước và người quản lý phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp
có vốn nhà nước.
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động,
Thương binh và Xã hội và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, xây dựng cơ chế
thu hút những người quản lý giỏi tham gia điều hành doanh nghiệp; mở rộng các
hình thức hợp đồng thuê cán bộ quản lý giỏi.
c) Chủ trì, phối hợp với Bộ quản lý
ngành, hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ danh sách cán bộ quản lý các tập
đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước cần thiết phải kéo dài tuổi nghỉ hưu.
5. Bộ Lao động,
Thương binh và Xã hội xây dựng cơ chế tiền lương đối với công ty trách nhiệm hữu
hạn một thành viên 100% vốn nhà nước.
6. Các Bộ quản lý
ngành kinh doanh chính của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, Ủy ban nhân
dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tổng công ty nhà nước:
a) Chịu trách nhiệm chính trong việc
thường xuyên giám sát, đánh giá toàn diện tình hình hoạt động của các tập đoàn
kinh tế, tổng công ty nhà nước thuộc trách nhiệm quản lý của mình; bảo đảm
doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật, đúng mục tiêu, nhiệm vụ, quy hoạch, kế hoạch
được giao. Chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính,
Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp và các cơ quan liên quan kịp thời
xử lý những phát sinh cần giải quyết hoặc uốn nắn; báo cáo Thủ tướng Chính phủ
giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền.
b) Trước ngày 31 tháng 12 năm 2010
báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đánh giá toàn diện hoạt động của tập đoàn kinh tế,
tổng công ty nhà nước thuộc phạm vi quản lý của mình; hiện trạng cơ cấu ngành
kinh doanh của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và đề xuất xác định
rõ ngành nghề kinh doanh chính, biện pháp chấn chỉnh việc đầu tư vốn vào những
ngành không liên quan đến ngành kinh doanh chính; đề xuất việc điều chỉnh cần
thiết về mô hình tổ chức hoạt động của tập đoàn và tổng công ty nhà nước.
c) Xây dựng đề án tổ chức, sắp xếp
lại các tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước theo ngành, lĩnh vực trọng yếu
để hình thành những tổng công ty nhà nước đủ mạnh thực hiện có hiệu quả vai trò
và nhiệm vụ được giao.
7. Ban Chỉ đạo Đổi
mới và Phát triển doanh nghiệp:
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch
và Đầu tư và các cơ quan liên quan tổ chức sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm về
việc thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước, trình Chính phủ để báo cáo Bộ
Chính trị.
b) Chủ trì cùng Bộ Tài chính, Bộ Kế
hoạch và Đầu tư và cơ quan liên quan tham gia ý kiến với các Bộ, cơ quan ngang
Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng thành viên
các tập đoàn kinh tế, tổng công ty 91 trong quá trình các cơ quan này xây dựng
phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước để trình Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt. Theo dõi, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình
thực hiện phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh
nghiệp có vốn Nhà nước; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan,
các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước những biện pháp bảo đảm thực hiện
nghiêm túc phương án đã được phê duyệt và những giải pháp nhằm đẩy mạnh có hiệu
quả công tác sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà
nước.
8. Hội đồng thành
viên các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước:
a) Trong khi chưa sửa đổi các quy định
pháp luật hiện hành, các Tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải báo cáo cơ quan
quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước khi quyết định những vấn đề thuộc
thẩm quyền quyết định của mình sau đây:
- Việc vay vốn ở nước ngoài phải
đúng quy định của pháp luật và phải có ý kiến đồng ý của Bộ quản lý ngành, thẩm
định phê duyệt của Bộ Tài chính.
- Việc thành lập, góp vốn thành lập
mới doanh nghiệp, bổ sung ngành nghề kinh doanh phải phù hợp với pháp luật, phù
hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển của doanh nghiệp và phải được chấp
thuận của Bộ quản lý ngành.
- Kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế
hoạch đầu tư phát triển 5 năm của tập đoàn kinh tế và tổng công ty 91 phải được
Bộ quản lý ngành chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thẩm
định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trên cơ sở kế hoạch 5 năm, Bộ quản lý
ngành chủ trì cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thẩm định phê duyệt kế
hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển hàng năm. Đối với tổng công ty
90, Bộ quản lý ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định phê duyệt kế hoạch 5 năm
và kế hoạch hàng năm.
b) Tiếp tục hoàn thiện tổ chức quản
lý, các quy chế trong nội bộ tập đoàn, tổng công ty, tập trung phát triển sản
xuất, kinh doanh vào những lĩnh vực chính.
c) Rà soát lại ngành nghề kinh doanh,
danh mục đầu tư, cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động để điều chỉnh cho phù hợp với
nhiệm vụ chính được giao và chiến lược phát triển của tập đoàn, tổng công ty;
kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan quản lý trong việc điều chỉnh,
bổ sung để hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động.
d) Có kế hoạch đào tạo, xây dựng đội
ngũ cán bộ quản lý giỏi ở tập đoàn, tổng công ty. Có chế độ thu hút những người
quản lý giỏi tham gia điều hành doanh nghiệp; mở rộng các hình thức hợp đồng
thuê cán bộ quản lý giỏi.
9. Các Bộ, cơ quan
ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương; tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp 100%
vốn nhà nước có trách nhiệm thực hiện Chỉ thị này.
Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm
theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính
phủ./.
Nơi nhận:
- Bộ Chính trị;
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban Tổ chức TW;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội;
- Đảng ủy Khối Doanh nghiệp TW;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Các tập đoàn kinh tế, tổng côngty nhà nước;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc;
- Lưu: Văn thư, ĐMDN (5b).
|
THỦ
TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|