Chỉ thị 15/2007/CT-UBND tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông do tỉnh Cao Bằng ban hành

Số hiệu 15/2007/CT-UBND
Ngày ban hành 19/09/2007
Ngày có hiệu lực 29/09/2007
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Cao Bằng
Người ký Lô Ích Giang
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/2007/CT-UBND

Cao Bằng, ngày 19 tháng 9 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC ĐẢM BẢO TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG

Sáu tháng đầu năm 2007, tình hình duy trì trật tự an toàn giao thông trên địa bàn có chuyển biến tích cực, số vụ tai nạn giao thông giảm 21,3%, số người chết vì tai nạn giao thông giảm 16,6% và số người bị thương giảm 27,7% so với cùng kỳ năm 2006. Song, kết quả đạt được vẫn chưa vững chắc, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông còn cao. Nguyên nhân cơ bản gây ra các vụ tai nạn giao thông là do ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông kém; công tác quản lý Nhà nước về trật tự an toàn giao thông chưa được tập trung đúng mức; công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông của các lực lượng chức năng chưa được tăng cường; công tác chỉ đạo thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông của các cấp, các ngành làm không thường xuyên và thiếu kiên quyết.

Để thực hiện nghiêm và có hiệu quả Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông (sau đây viết tắt là Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ), thực hiện chỉ tiêu giảm số người chết vì tai nạn giao thông như Quyết định số 128/QĐ-TTg ngày 29 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng chỉ thị các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có kế hoạch triển khai thực hiện tốt công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên một số lĩnh vực sau:

1. Công tác thông tin tuyên truyền

Đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin đại chúng trên các phương tiện báo, đài, loa phát thanh công cộng; đổi mới nội dung và biện pháp tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, dân tộc. Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, các doanh nghiệp chịu trách nhiệm giáo dục cán bộ, công nhân viên chức và các thành viên thuộc tổ chức mình quản lý phải gương mẫu chấp hành pháp luật an toàn giao thông và chịu trách nhiệm trước cấp trên trực tiếp về hành vi vi phạm an toàn giao thông của cán bộ, công nhân viên chức do mình quản lý.

Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo đưa Chương trình phổ cập Luật Giao thông đường bộ vào các cấp học theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo; chỉ đạo các Phòng Giáo dục, các trường học giáo dục học sinh có ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ, không đi mô tô, xe gắn máy đến trường, không tụ tập dưới lòng đường, không đi xe đạp hàng ba, hàng tư; hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm, các thầy cô giáo chịu trách nhiệm về những hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông của học sinh, sinh viên do mình quản lý, thường xuyên nhắc nhở, đưa thông tin về trật tự an toàn giao thông vào nội dung sinh hoạt đầu tuần, buổi lễ chào cờ, sinh hoạt đoàn, sinh hoạt đội và các buổi sinh hoạt ngoại khóa; quy định việc đánh giá đạo đức đối với học sinh, sinh viên vi phạm về trật tự an toàn giao thông.

Thực hiện Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ từ ngày 15 tháng 9 năm 2007 bắt buộc đội mũ bảo hiểm trên các tuyến quốc lộ, từ ngày 15 tháng 12 năm 2007 bắt buộc đội mũ bảo hiểm trên tất cả các tuyến đường. Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho Sở Văn hóa - Thông tin chủ trì phối hợp với các cơ quan Báo Cao Bằng, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Tỉnh đoàn Thanh niên, các đơn vị hoạt động nghệ thuật... mở đợt cao điểm tuyên truyền Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị của Ủy ban nhân dân tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng nhiều hình thức phù hợp và thông tin đến được với mọi người dân.

Thông tin kịp thời về những hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đồng thời nêu gương tốt đối với những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giữ gìn trật tự an toàn giao thông để thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có hình thức khen thưởng kịp thời. Gắn tiêu chí giữ gìn trật tự an toàn giao thông vào việc đánh giá thành tích thi đua hàng năm tại các cơ quan, đơn vị; danh hiệu gia đình văn hóa tại các tổ dân phố, thôn xóm.

2. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là các hành vi nguy hiểm là nguyên nhân gây tai nạn giao thông nghiêm trọng như: chạy xe quá tốc độ cho phép, đi sai phần đường, tránh vượt sai quy định, uống say rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông, người điều khiển không có Giấy phép lái xe hoặc chưa đủ tuổi lái xe, chở quá tải trọng thiết kế của xe, không đội mũ bảo hiểm... Giao cho Công an tỉnh chỉ đạo Công an các cấp phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện nghiêm công tác tuần tra, kiểm soát an toàn giao thông, tăng cường việc xử lý, xử phạt bằng các hình thức tạm giữ xe, giấy tờ xe theo quy định tại Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ nhằm nâng cao ý thức chấp hành của người tham gia giao thông. Công an tỉnh chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng: Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giao thông - Vận tải kiểm tra đột xuất sức khỏe người lái xe khách, phát hiện và xử lý nghiêm những lái xe sử dụng ma túy và các chất kích thích khác theo quy định của pháp luật.

Lực lượng chức năng thực hiện công tác tuần tra, kiểm sóat và xử lý vi phạm phải xử lý công khai và đúng pháp luật, không phân biệt hành vi vi phạm là người đi bộ, đi xe đạp, đi mô tô hay người lái ô tô; người có thẩm quyền xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông mà cố tình không xử lý sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định.

3. Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe, nhất là đối với người lái xe mô tô, xe gắn máy. Nâng cao chất lượng đào tạo lái xe phải phù hợp điều kiện thực tế của địa phương, chấn chỉnh nâng cao chất lượng công tác sát hạch lái xe, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy của các cơ sở đào tạo lái xe, nếu không đáp ứng yêu cầu phải đình chỉ đào tạo. Giao cho Sở Giao thông - Vận tải kết hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra tình hình chất lượng đào tạo tại các cơ sở đào tạo lái xe ô tô và mô tô trên địa bàn.

4. Nâng cao chất lượng kiểm định kỹ thuật phương tiện cơ giới đường bộ, kiên quyết đình chỉ lưu hành các xe không đảm bảo an toàn kỹ thuật, các xe hết niên hạn, các xe công nông không đăng ký, đăng kiểm, không đảm bảo an toàn kỹ thuật, đến ngày 01 tháng 01 năm 2008 đình chỉ hoàn toàn xe công nông lưu thông trên các tuyến đường giao thông công cộng. Giao cho Sở Giao thông - Vận tải phối hợp Công an tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các xe vi phạm.

5. Tăng cường công tác duy tu sửa chữa cầu, đường đảm bảo cho các phương tiện giao thông đi lại êm thuận nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông; rà soát, thống kê và thay thế, bổ sung, sơn sửa lại hệ thống an toàn giao thông, như: cọc tiêu, biển báo hiệu, hộ lan. Thống kê và lập phương án xử lý ngay các “điểm đen” về tai nạn giao thông, các tụ điểm vi phạm về hành lang an toàn giao thông đường bộ trên các tuyến đường. Đối với các “điểm đen” nguy hiểm, cần thiết phải có biện pháp cưỡng bức giảm tốc độ, mở rộng tầm nhìn và đặt biển báo hiệu. Sở Giao thông - Vận tải chỉ đạo triển khai thực hiện ngay công tác này từ tháng 9 năm 2007.

6. Một số giải pháp thực hiện:

a) Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh (Ban ATGT tỉnh) lập kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ. Chuẩn bị kinh phí và tài liệu tuyên truyền cho các tháng cuối năm, nhất là dịp tuyên truyền về đội mũ bảo hiểm tháng 9 năm 2007. Các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể, các địa phương, doanh nghiệp căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tế địa phương, đơn vị mình, căn cứ phương hướng, nhiệm vụ được giao trong kế hoạch của Ban ATGT tỉnh để lập kế hoạch thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông, đảm bảo thực hiện thắng lợi Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ.

b) Các thành viên Ban ATGT tỉnh đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện tại các địa phương đó được phân công tại Quyết định số 224/QĐ-BATGT ngày 07 tháng 02 năm 2007, chịu trách nhiệm và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông. Giam đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ tại đơn vị, địa phương mình.

c) Sở Tài chính chuyển kinh phí xử phạt cho Ban ATGT tỉnh và các sở, ngành theo quy định để đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên và bồi dưỡng kịp thời cho các lực lượng trực tiếp thực hiện công tác trật tự an toàn giao thông hoàn thành nhiệm vụ.

d) Ủy ban nhân dân các huyện, thị lập kế hoạch triển khai Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ, kế hoạch được gửi một bản về Thường trực Ban ATGT (Sở Giao thông - Vận tải) để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Ban ATGT các huyện, thị phải báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất về tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Hàng tháng Công an các huyện, thị, Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh báo cáo số liệu tai nạn giao thông trên địa bàn về thường trực Ban ATGT tỉnh để tổng hợp.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, thủ trưởng các đơn vị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị nghiêm túc triển khai thực hiện, giao cho Thường trực Ban ATGT tỉnh thường xuyên theo dõi và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình tổ chức thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lô Ích Giang

 

2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ