Chỉ thị 14/CT-UBND năm 2022 thực hiện công tác phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

Số hiệu 14/CT-UBND
Ngày ban hành 20/05/2022
Ngày có hiệu lực 20/05/2022
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Lê Duy Thành
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/CT-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 20 tháng 5 năm 2022

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG TAI NẠN ĐUỐI NƯỚC TRẺ EM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC

Thời gian qua, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh. Nhiều địa phương và các sở, ban, ngành, đoàn thể đã triển khai, thực hiện nghiêm túc; tuy nhiên, một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm đến công tác phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn quản lý; việc tổ chức rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước trẻ em tại địa phương còn hình thức, chưa hiệu quả; công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống đuối nước trẻ em rất hạn chế; một số địa phương không thực hiện chế độ thông tin báo cáo vụ việc tai nạn đuối nước trẻ em xảy ra trên địa bàn để kịp thời có biện pháp chỉ đạo khắc phục; kinh phí bố trí cho hoạt động phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Về phía gia đình còn buông lỏng, không quản lý, giám sát chặt chẽ con em mình; bản thân trẻ em thiếu kỹ năng phòng, chống đuối nước, kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng cứu và tự cứu đuối nước...

Để bảo đảm môi trường sống an toàn, kịp thời ngăn ngừa, hạn chế tai nạn, thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước cho trẻ em…. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc thực hiện các nội dung sau:

1. Yêu cầu các cơ quan, tổ chức, địa phương trên địa bàn tỉnh

1.1. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, Công điện số 398/CĐ-TTg ngày 02/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em, các chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia về trẻ em; Kế hoạch số 250/KH-UBND ngày 01/10/2021 của UBND tỉnh về Phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030; Văn bản số 2339/UBND-VX4 ngày 14/4/2022 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc tăng cường công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, phòng chống đuối nước; Thông báo Kết luận số 84/TB-UBND ngày 29/04/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành tại Hội nghị triển khai thực hiện công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh; Văn bản số 2797/UBND-VX4 ngày 03/05/2022 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc triển khai thực hiện Công điện 398/CĐ-TTg ngày 02/05/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

1.2. Thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh, các cơ quan ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Chủ tịch UBND các xã phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, theo chức năng, nhiệm vụ của cấp, của ngành mình, trong chỉ đạo điều hành, cần quan tâm thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, phòng, chống tai nạn thương tích, đặc biệt là phòng, chống đuối nước cho trẻ em.

1.3. Rà soát các quy định và việc thực hiện các tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho trẻ em tại gia đình, cộng đồng, trường học và các công trình xây dựng, khu chung cư, nhà cao tầng. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước cho trẻ em. Chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và xử lý theo quy định đối với các vụ việc khiến trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích, đuối nước.

1.4. Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục về phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, nhất là phòng chống đuối nước, điện giật, rơi, ngã từ nhà cao tầng đến cha mẹ, người chăm sóc trẻ, hộ gia đình, thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư, trường học, lớp học để bảo đảm an toàn cho trẻ em.

1.5. Tăng cường phối hợp liên ngành trong việc chỉ đạo hướng dẫn, triển khai công tác phòng, chống tai nạn, thương tích và phòng ngừa trẻ em bị đuối nước; huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và của người dân trong công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước cho trẻ em.

2. Giao trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn

2.1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, kế hoạch, chương trình… trong việc phòng, chống đuối nước trẻ em theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của UBND tỉnh; báo cáo UBND tỉnh theo quy định

Chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn Thanh niên , UBND huyện, thành phố tổ chức chiến dịch truyền thông cụ thể, chi tiết, sâu rộng về phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em cả trên 3 phương thức: Tuyên truyền trực quan (pano, áp phích, tài liệu, ấn phẩm...), tuyên truyền qua cơ quan thông tin đại chúng (đặc biệt là hệ thống truyền thanh cơ sở), tuyên truyền trên mạng xã hội, tuyên tuyên truyền thông qua nhà trường, cơ quan, lớp học và các tổ chức chính trị. Nội dung tuyên truyền phải cụ thể, rõ ràng, tạo được hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ và nâng cao được nhận thức, hiểu biết của người dân trong cộng đồng xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em.

Chủ trì phối hợp với các đơn vị, địa phương tăng cường các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em cho đội ngũ cán bộ làm công tác Bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở các cấp; cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và cho trẻ em. Tận dụng tối đa các cơ sở vật chất có thể phục vụ cho việc tập huấn, dạy bơi cho các em.

Tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, giám sát công tác Bảo vệ, chăm sóc trẻ em; phòng, chống đuối nước trẻ em tại địa phương, cơ sở theo định kỳ và đột xuất; tổ chức các cuộc kiểm tra, xác minh làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm tuyệt đối nếu để xảy ra tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả kiểm tra và đề xuất hình thức xử lý, kỷ luật nghiêm đối với tập thể, cá nhân để xảy ra tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn quản lý.

2.2. Sở Giáo dục và Đào tạo

Chỉ đạo các nhà trường tổ chức phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh trước khi nghỉ hè năm học 2022. Định kỳ hằng quý mời các chuyên gia, các cơ quan chức năng đến nói chuyện, hướng dẫn, đảm bảo 100% học sinh đến trường được tuyên truyền về kỹ năng bơi lội và phòng chống đuối nước đối với trẻ em.

Gắn trách nhiệm với nhà trường và giáo viên chủ nhiệm trong việc hướng dẫn và quản lý học sinh trong thời gian học tập tại nhà trường; tuyên truyền, tập huấn cho giáo viên, phụ huynh và các em học sinh về các nguy cơ, các phương pháp phòng tránh tai nạn đuối nước đối với trẻ em.

Triển khai các mô hình thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học, trung học cơ sở từ đó nhân rộng trong toàn tỉnh. Chỉ đạo thực hiện tốt mô hình “Trường học an toàn”, “Mùa hè an toàn”, phòng, chống đuối nước trẻ em. Phối hợp với các ngành, chính quyền địa phương kiểm tra, phát hiện các điểm nóng có nguy cơ cao xảy ra đuối nước trẻ em và tổ chức cảnh báo kịp thời.

Đổi mới phương pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho giáo viên, phụ huynh, đặc biệt là học sinh về kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em. Nghiên cứu, ban hành tài liệu tuyên truyền, giáo dục kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em để sử dụng thống nhất trong hệ thống các trường học. Phân bổ tiết học ngoại khóa về nội dung phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em trong các nhà trường và có tổ chức kiểm tra, đánh giá nhận thức của học sinh.

Tăng cường công tác chỉ đạo các trường, cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch hàng năm và triển khai thường xuyên, có hiệu quả Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng, chống tai nạn đuối nước cho học sinh, trẻ em và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác phòng, chống đuối nước trẻ em.

- Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình để quản lý, giám sát học sinh trong thời gian nghỉ học, nghỉ hè để đảm bảo an toàn phòng, chống đuối nước.

2.3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh tăng cường đầu tư xây dựng các khu vui chơi, nhà văn hóa, sân thể thao, bể bơi….và tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí, thể dục thể thao cho nhân dân trong tỉnh (trong đó có trẻ em). Chỉ đạo các cơ sở kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí, thể dục thể thao, bể bơi… giảm giá vé cho trẻ em trong dịp hè.

Khẩn trương đề xuất, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai ngay Chương trình bơi an toàn cho trẻ em do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành theo Quyết định 3246/QĐ-BVHTTDL ngày 14/12/2021 phê duyệt Chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2021-2030 (triển khai trước mùa hè năm 2022, nhất là các địa bàn xảy ra nhiều tai nạn đuối nước trẻ em).

Tăng cường thanh tra, kiểm tra và quản lý chặt chẽ việc chấp hành các quy định an toàn tại các bể bơi; không cấp phép hoạt động đối với những bể bơi không đủ điều kiện đảm bảo an toàn bơi. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em tại cộng đồng, trường học, cơ sở thể dục, thể thao.

2.4. Sở Xây dựng

[...]