Chỉ thị 14/CT-UBND năm 2021 tăng cường tổ chức sử dụng đồng bộ hệ thống thông tin dùng chung trên địa bàn tỉnh Trà Vinh

Số hiệu 14/CT-UBND
Ngày ban hành 09/10/2021
Ngày có hiệu lực 09/10/2021
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Trà Vinh
Người ký Nguyễn Quỳnh Thiện
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/CT-UBND

Trà Vinh, ngày 09 tháng 10 năm 2021

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG TỔ CHỨC SỬ DỤNG ĐỒNG BỘ CÁC HỆ THỐNG THÔNG TIN DÙNG CHUNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thời gian qua, công tác triển khai và sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh được các ngành, các cấp quan tâm chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện, bước đầu đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo nền tảng để đẩy mạnh triển khai Chính quyền điện tử của tỉnh định hướng Chính quyền số. Tuy nhiên, từng lúc, từng nơi mức độ, hiệu quả áp dụng chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; việc tổ chức triển khai áp dụng mang tính hình thức, có nơi thực hiện chưa đúng quy định; một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa tổ chức sử dụng các ứng dụng dùng chung đã được tỉnh đầu tư, điển hình như: văn bản đi chưa được ký số đúng quy định (22,8% văn bản đi không ký số); số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 còn thấp (dưới 40%); 24/106 UBND cấp xã chưa áp dụng phần mềm Quản lý văn bản và điều hành; 80/106 UBND cấp xã chưa thực hiện quy trình tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công; 96 cơ quan (06/19 sở, ngành tỉnh, 02/09 UBND cấp huyện; 88/106 UBND cấp xã) chưa hoàn thành việc cập nhật chính sách chất lượng, bối cảnh tổ chức, mục tiêu chất lượng, lập chương trình đánh giá nội bộ trên hệ thống ISO điện tử; 30 cơ quan (02/19 sở, ngành tỉnh, 28/106 UBND cấp xã) thường xuyên tắt thiết bị tường lửa kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng (mạng WAN) với hệ thống mạng LAN của cơ quan, đơn vị, địa phương,...

Để phát huy kết quả đạt được, kịp thời khắc phục hạn chế trong việc sử dụng các hệ thống thông tin đã được đầu tư góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động nội bộ, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đến người dân, doanh nghiệp, đẩy nhanh xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số của tỉnh trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố:

a) Gương mẫu tham gia vào quy trình giải quyết công việc của nội bộ trên các hệ thống thông tin đã được đầu tư, đặc biệt là các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh, sử dụng chữ ký số cá nhân để ký số hồ sơ, văn bản điện tử theo quy định; giao trách nhiệm cụ thể cho cơ quan, đơn vị có liên quan phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở việc tổ chức thực hiện.

b) Tổ chức rà soát, chấn chỉnh kịp thời các cơ quan, đơn vị trực thuộc còn hạn chế trong tổ chức sử dụng các hệ thống thông tin đã được đầu tư, đảm bảo kể từ ngày 15/10/2021 tất cả các cơ quan, đơn vị trực thuộc áp dụng đồng bộ để giải quyết công việc trong nội bộ, phối hợp giải quyết công việc giữa các cơ quan liên quan, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo an toàn thông tin,... đúng quy định, trong đó tập trung thực hiện nghiêm các nội dung:

- Đối với hệ thống Quản lý văn bản và điều hành (VNPT iOffice): đồng bộ sử dụng hệ thống VNPT iOffice thực hiện công tác văn thư (soạn thảo, ký ban hành văn bản; quản lý văn bản; lập hồ sơ và nộp lưu hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ cơ quan,...) theo quy định tại Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về công tác văn thư; đảm bảo tất cả cán bộ, công chức, viên chức có liên quan trong quy trình giải quyết công việc phải thực hiện trên VNPT iOffice; tất cả các văn bản đi (theo quy định tại Công văn số 5032/UBND-HCQT ngày 10/12/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc gửi, nhận văn bản điện tử không gửi kèm văn bản giấy) phải được ký số và phát hành trên hệ thống.

- Đối với hệ thống Cổng dịch vụ công của tỉnh (VNPT iGate): đồng bộ sử dụng hệ thống VNPT iGate (hoặc hệ thống thông tin một cửa điện tử của ngành) thực hiện Cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính đối với tất cả các thủ tục hành chính chính thuộc trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ. Đảm bảo tất cả cán bộ, công chức, viên chức có liên quan trong quy trình giải quyết thủ tục hành chính phải thực hiện giải quyết trên hệ thống; 100% thủ tục hành chính (đủ điều kiện theo quy định của pháp luật) được cung cấp mức độ 4; 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được ký số đúng quy định. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tăng cường áp dụng nộp hồ sơ bằng hình thức trực tuyến; đồng thời, chỉ đạo công chức, viên chức tại Trung tâm Hành chính công (bộ phận một cửa) hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đăng ký tài khoản, nộp hồ sơ bằng hình thức trực tuyến khi đến nộp hồ sơ.

- Đối với hệ thống mạng dùng riêng của tỉnh (WAN): khẩn trương triển khai hoàn thiện mạng nội bộ (LAN) của các cơ quan nhà nước các cấp, đảm bảo tất cả máy tính của cơ quan nhà nước kết nối thông suốt với mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng và Nhà nước qua thiết bị bảo mật đã được Sở Thông tin và Truyền thông trang bị; ưu tiên sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng làm mạng truyền dẫn chính phục vụ triển khai, vận hành, cung cấp dịch vụ các hệ thống công nghệ thông tin.

- Đối với hệ thống ISO điện tử: rà soát tổ chức áp dụng đồng bộ phần mềm ISO điện tử phục vụ công tác xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn TCVN 9001 tại cơ quan, đơn vị, địa phương; đảm bảo hoàn thành việc cập nhật chính sách chất lượng, bối cảnh tổ chức, mục tiêu chất lượng, lập chương trình đánh giá nội bộ,... trên hệ thống ISO điện tử theo quy định; thực hiện kiểm tra việc xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn TCVN 9001:2015 bằng phần mềm ISO điện tử.

- Đối với hệ thống hội nghị trực tuyến, họp không giấy tờ: tăng cường áp dụng hình thức họp, hội nghị băng hình thức trực tuyến qua hệ thống hội nghị truyền hình của tỉnh; ưu tiên áp dụng hình thức họp trực tuyến đối với các cuộc họp có đại biểu từ 02 cấp hành chính trở lên (tỉnh - huyện; tỉnh - huyện - xã; tỉnh - xã; huyện - xã); đẩy nhanh tiến độ triển khai giải pháp họp không giấy tờ.

c) Khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 22/6/2021 của UBND tỉnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh Trà Vinh năm 2021; Quyết định 1509/QĐ-UBND ngày 03/8/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch cung cấp 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện đưa lên trực tuyến mức độ 4 tỉnh Trà Vinh năm 2021.

d) Định kỳ hàng tháng (trước ngày 25) hoặc đột xuất theo yêu cầu báo cáo kết quả thực hiện gửi về Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét chỉ đạo.

2. Văn phòng UBND tỉnh:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu danh mục các cuộc họp giữa UBND tỉnh với UBND các cấp bằng hình thức trực tuyến.

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện việc tiếp nhận, xử lý, trả kết giải quyết hồ sơ hành chính qua Cổng dịch vụ công; tổ chức cung cấp dịch vụ công trực tuyến đảm bảo theo chỉ đạo của Chính phủ.

3. Sở Thông tin và Truyền thông:

a) Đảm bảo vận hành hạ tầng kỹ thuật, phần mềm, dịch vụ tại Trung tâm dữ liệu của tỉnh vận hành ổn định, thông suốt, bảo đảm an toàn thông tin phục vụ cơ quan nhà nước các cấp ứng dụng công nghệ thông tin.

b) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện tham mưu UBND tỉnh giải pháp xây dựng, phát triển, vận hành các nền tảng, ứng dụng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ Chính quyền điện tử, Chính quyền số; làm đầu mối phối hợp, hỗ trợ các cơ quan kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh.

c) Chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện; tổng hợp tình hình triển khai, áp dụng hệ thống thông tin tại các cơ quan, đơn vị, địa phương để báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp UBND tỉnh hàng tháng, trong đó nêu cụ thể những cơ quan, đơn vị, địa phương chưa tổ chức thực hiện tốt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh.

4. Sở Khoa học và Công nghệ:

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc áp dụng đồng bộ phần mềm ISO điện tử phục vụ công tác áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN 9001:2015.

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện kiểm tra việc áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng trong các cơ quan nhà nước các cấp của tỉnh qua phần mềm ISO điện tử.

5. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND tỉnh tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh đưa tiêu chí đánh giá hiệu quả tổ chức sử dụng các hệ thống dùng chung của tỉnh vào nội dung kiểm tra cải cách hành chính; đưa tiêu chí tổ chức sử dụng đồng bộ các hệ thống thông tin là 01 tiêu chí tiên quyết đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ đề xét thi đua, khen thưởng tập thể, cá nhân.

6. Các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này; định kỳ hàng quý (trước ngày 20 của tháng cuối quý) báo cáo kết quả thực hiện, những khó khăn, vướng mắc gửi về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh./.

 


Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- BLĐVP UBND tỉnh;
- Trung tâm Tin học - Công báo;
- Ban TCD-NC;
- Các Phòng; THNV, HCQT;
- Lưu: VT, Phòng CNXD.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Quỳnh Thiện

[...]