BỘ
NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------
|
Số:
1341/CT-BNN-TT
|
Hà
Nội, ngà 17 tháng 5 năm 2007
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC PHÁT TRIỂN, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÀ PHÊ
Cây cà phê chiếm vị trí quan trọng
trong nền nông nghiệp nước ta. Năm 1961, cà phê Việt Nam mới đạt 0,2% diện
tích, 41% năng suất, 0,1% sản lượng cà phê thế giới, sau 45 năm (năm
2006) diện tích cà phê Việt Nam đã đạt 489 ngàn ha, chiếm 4,7% về diện
tích, 219% năng suất và 10% sản lượng cà phê toàn thế giới, kim ngạch xuất khẩu
đạt trên 1,1 tỷ USD, trở thành nước đứng đầu thế giới về sản xuất cà phê vối, tạo
việc làm và thu nhập cho người lao động, là bước tiến vượt bậc của nông nghiệp
Việt Nam nói chung và ngành cà phê nói riêng.
Tuy nhiên, sản xuất cà phê vẫn
đang còn bộc lộ một số tồn tại: cà phê phát triển khá nhanh, một số diện tích
chưa theo quy hoạch; cơ cấu giống chưa hợp lý (cà phê vối còn chiếm trên 95%,
cà phê chè mới chiếm dưới 5%); còn lạm dụng trong đầu tư thâm canh để tăng năng
suất, chi phí vật tư đầu vào, công lao động và tưới nước lớn, dẫn đến giá thành
cà phê còn cao và suy thoái môi trường; thu hái lẫn quả xanh và chế biến cà phê
còn bất cập, chưa phân loại cà phê trước khi xuất khẩu, vì vậy giá cà phê Việt
Nam còn thấp, hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường trong sản xuất cà phê thời
gian qua chưa được nâng cao.
Để phát triển cây cà phê có hiệu
quả cao, bền vững trong giai đoạn tới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ, địa phương có trồng cà phê, Tổng Công ty
cà phê Việt Nam, các doanh nghiệp trồng, chế biến kinh doanh cà phê tập trung
chỉ đạo tốt một số nội dung sau:
1. Tổ chức thực
hiện Quyết định số 150/2005/QĐ-TTg ngày 20 tháng 6 năm 2005 của Thủ tướng Chính
phủ về quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản cả nước
đến năm 2010 và tầm nhìn 2020. Giảm diện tích cà phê vối ở những địa bàn ít
thích hợp, không có tưới, năng suất thấp; xác định cơ cấu cà phê chè phù hợp ở
những vùng có điều kiện thích hợp; ổn định diện tích cà phê cả nước khoảng
450-500 ngàn ha, chủ yếu ở các vùng tập trung Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Bắc
Trung bộ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, kiểm tra và sử lý nghiêm những
trường hợp phá rừng trồng cà phê không theo quy hoạch.
2. Củng cố,
hoàn thiện các cơ sở nhân giống cây cà phê, nhất là hệ thống vườn đầu dòng các
giống cà phê đã được chọn lọc có năng suất, chất lượng tốt để kịp thời cung cấp
giống cho phục hồi diện tích cà phê tuổi lớn cần ghép cải tạo, trồng thay thế tại
các tỉnh.
3. Đối với các
vườn cà phê vối tuổi lớn, từng bước trồng thay thế giống cũ, ghép cải tạo bằng
giống mới, giống đã qua chọn lọc phù hợp. Có thể thay thế một số diện tích cà
phê vối già cỗi bằng cà phê chè ở những nơi có điều kiện sinh thái thích hợp
như Lâm Đồng; Tập trung chăm sóc tốt diện tích cà phê chè còn lại ở các tỉnh miền
Bắc để đạt năng suất và hiệu quả cao hơn.
4. Đẩy mạnh đầu
tư thâm canh như cải tạo đất, trồng cây che bóng và tạo nguồn chất hữu cơ cho
vườn cà phê thông qua các biện pháp tổng hợp; bón phân vô cơ cân đối kết hợp với
bón phân hữu cơ tăng cường chất lượng cà phê; củng cố, nâng cấp các công trình
giữ nước trong các vùng sản xuất cà phê tập trung, mở rộng áp dụng các hình thức
chống hạn và tưới nước tiết kiệm cho cây cà phê.
5. Tăng cường
quản lý chất lượng cà phê: hạn chế tối đa việc thu hái lẫn quả xanh, tạo điều
kiện cho các tổ chức chứng nhận chất lượng cà phê hoạt động hướng dẫn sản xuất
cà phê theo GAP. Chứng nhận chất lượng gắn với giới thiệu thị trường tiêu thụ sản
phẩm cho các hộ nông dân, cơ sở sản xuất và kinh doanh cà phê.
6. Các cơ sở sản
xuất, kinh doanh cà phê cần hạn chế tối đa việc xuất khẩu cà phê xô. Cà phê xuất
khẩu phải được phân loại, giám định chất lượng và có chứng chỉ theo tiêu chuẩn
nhà nước, trước mắt phải áp dụng tiêu chuẩn TCVN 4193:2005. Mở rộng sản xuất
các loại cà phê có chứng chỉ và từng bước áp dụng Bộ nguyên tắc chung cho cộng
đồng cà phê (4C) phát triển cà phê bền vững, gắn với vệ sinh an toàn sản phẩm.
7. Các đơn vị
trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Cục Trồng trọt, Vụ Kế hoạch,
Vụ Khoa học công nghệ, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, Trung tâm Khuyến
nông Quốc gia phối hợp với Uỷ ban Nhân dân các tỉnh trồng cà phê thống nhất chỉ
đạo việc rà soát quy hoạch các vùng thâm canh cây cà phê trọng điểm, diện tích
cà phê tuổi lớn cần thay thế phục hồi để có kế hoạch ghép cải tạo, trồng thay
thế hàng năm, tránh suy giảm sản lượng cà phê trong tương lai. Đề xuất các hình
thức tổ chức sản xuất đối với các hộ nông dân sản xuất cà phê nhỏ lẻ, tạo điều
kiện tiếp thu khoa học kỹ thuật, tiếp cận thị trường. Đào tạo, tập huấn, xây dựng
mô hình thâm canh cây cà phê, tập trung vào các mô hình tưới nước tiết kiệm, mô
hình thâm canh nâng cao chất lượng cà phê, mô hình ghép phục hồi cà phê.
8. Uỷ ban Nhân
dân các tỉnh trồng cà phê chỉ đạo, rà soát và điều chỉnh phát triển cà phê theo
quy hoạch, quản lý và ngăn chặn tình trạng phát triển cà phê tự phát, đẩy mạnh
công tác kiểm tra vườn giống cà phê đầu dòng trên địa bàn phục vụ công tác cải
tạo phục hồi vườn cà phê tuổi lớn. Tăng cường công tác quản lý, tổ chức và vận
động các hộ nông dân trên địa bàn thâm canh, thu hoạch cà phê theo đúng kỹ thuật
nhằm nâng cao chất lượng cà phê.
9. Tổng Công ty
cà phê Việt Nam phải trở thành đơn vị chủ lực trong việc đầu tư phát triển công
nghiệp chế biến nâng cao chất lượng cà phê, nhất là chế biến sâu, tăng cường
công tác thông tin thị trường, tổ chức các sàn giao dịch, quảng bá thương hiệu,
mở rộng thị trường xuất khẩu cà phê.
10. Hiệp hội
Cà phê - Ca cao Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ, UBND các tỉnh
trồng cà phê, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các đơn vị thành viên
thực hiện tốt các biện pháp nâng cao chất lượng cà phê. Đẩy mạnh hoạt động xúc
tiến thương mại, quảng bá nâng cao vị thế và sức cạnh tranh của cà phê Việt Nam
trên thị trường quốc tế. Đề xuất cơ chế xây dựng quỹ hỗ trợ nâng cao chất lượng
cà phê Việt Nam.
Yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị
thuộc Bộ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh trồng cà phê quán triệt và thực hiện
tốt chỉ thị này./.
Nơi nhận:
- PTTg Nguyễn Sinh Hùng;
- Văn phòng TW Đảng;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ trưởng Cao Đức Phát (b/c);
- UBND, Sở NN&PTNT các tỉnh trồng cà phê;
- Cục TT, Cục CBNLS & NM, Vụ Kế hoạch, Vụ KHCN, TTKNQG;
- Lưu: VT, TT.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Diệp Kỉnh Tần
|