Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2000

Số hiệu 18/2000/QH10
Ngày ban hành 09/06/2000
Ngày có hiệu lực 01/07/2000
Loại văn bản Luật
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Nông Đức Mạnh
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Đầu tư

QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 18/2000/QH10

Hà Nội, ngày 09 tháng 6 năm 2000

 

LUẬT

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM SỐ 18/2000/QH10 NGÀY 09 THÁNG 6 NĂM 2000

Để mở rộng hợp tác kinh tế với nước ngoài, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển kinh tế quốc dân trên cơ sở khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của đất nước;
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Luật này sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 12 tháng 11 năm 1996.

Điều 1: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam như sau:

1. Điểm 2 đoạn 2 Điều 3 được sửa đổi như sau:

"2. Địa bàn:

a) Địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn;

b) Địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn."

2. Khoản 1 Điều 14 được sửa đổi như sau:

"1. Những vấn đề quan trọng nhất trong tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp liên doanh gồm: bổ nhiệm, miễn nhiệm Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc thứ nhất; sửa đổi, bổ sung điều lệ doanh nghiệp do Hội đồng quản trị quyết định theo nguyên tắc nhất trí giữa các thành viên Hội đồng quản trị có mặt tại cuộc họp.

Các bên liên doanh có thể thoả thuận trong điều lệ doanh nghiệp các vấn đề khác cần được quyết định theo nguyên tắc nhất trí."

3. Bổ sung Điều 19a như sau:

"Điều 19a

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh trong quá trình hoạt động được phép chuyển đổi hình thức đầu tư, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp.

Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục chuyển đổi hình thức đầu tư, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp."

4. Điều 21 được sửa đổi như sau:

"Điều 21

Trong quá trình đầu tư vào Việt Nam, vốn và tài sản hợp pháp khác của nhà đầu tư nước ngoài không bị trưng dụng hoặc tịch thu bằng biện pháp hành chính, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không bị quốc hữu hoá.

Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, bảo đảm lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư nước ngoài trong hoạt động chuyển giao công nghệ tại Việt Nam."

5. Bổ sung Điều 21a như sau:

"Điều 21a

1. Trong trường hợp do thay đổi quy định của pháp luật Việt Nam làm thiệt hại đến lợi ích của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh, thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh tiếp tục được hưởng các ưu đãi đã được quy định trong Giấy phép đầu tư và Luật này hoặc được Nhà nước giải quyết thoả đáng theo các biện pháp sau đây:

a) Thay đổi mục tiêu hoạt động của dự án;

b) Miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật;

c) Thiệt hại của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh được khấu trừ vào thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp;

d) Được xem xét bồi thường thoả đáng trong một số trường hợp cần thiết.

2. Các quy định mới ưu đãi hơn được ban hành sau khi được cấp Giấy phép đầu tư sẽ được áp dụng cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh."

6. Điều 33 được sửa đổi, bổ sung như sau:

[...]