Chỉ thị 12/2011/CT-UBND về tăng cường phối hợp tuyên truyền công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền giữa Việt Nam - Campuchia trên địa bàn tỉnh Long An do Ủy ban nhân dân tỉnh Long An ban hành
Số hiệu | 12/2011/CT-UBND |
Ngày ban hành | 13/04/2011 |
Ngày có hiệu lực | 23/04/2011 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Long An |
Người ký | Dương Quốc Xuân |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/2011/CT-UBND |
Long An, ngày 13 tháng 4 năm 2011 |
Trong thời gian qua, thực hiện Chỉ thị số 07/2006/CT-TTg ngày 06/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Hiệp ước bổ sung Hiệp định biên giới quốc gia Việt Nam - Campuchia năm 1885 và Quyết định số 2056/QĐ-UBND ngày 17/8/2006 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Chỉ thị 07/2006/CT-TTg ngày 06/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ; các Sở ngành và địa phương đã có nhiều cố gắng trong công tác tuyên truyền phân giới cắm mốc biên giới (PGCM), đã tạo được sự chuyển biến quan trọng trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác PGCM, góp phần đẩy nhanh tiến độ PGCM trên toàn tuyến biên giới. Các cơ quan truyền thông Trung ương và địa phương thực hiện tốt việc tuyên truyền đã góp phần quan trọng trong việc tạo nên sự ổn định tư tưởng xã hội, đẩy lùi các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, góp phần xây dựng và giữ gìn hệ thống cột mốc, đường biên và bảo vệ vững chắc trật tự, an ninh biên giới.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền PGCM hiện nay vẫn còn có mặt chưa đi vào chiều sâu, chưa phản ảnh đầy đủ, sâu sắc và toàn diện ý chí, quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta; sự nỗ lực, vượt qua khó khăn của lực lượng trực tiếp tham gia PGCM và đồng bào vùng biên giới trong việc thực hiện công tác PGCM trên tuyến biên giới Long An (Việt Nam) – Svâyriêng và Prâyveng (Campuchia). Nhận thức của cấp ủy, lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác PGCM chưa sâu, công tác phối hợp tuyên truyền giữa các cơ quan, đơn vị chưa thật nhuần nhuyễn nên kết quả công tác tuyên truyền chưa đáp ứng các yêu cầu đặt ra.
Thực hiện Chỉ thị số 199/2011/CT-TTg ngày 11/02/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy công tác PGCM biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia. Để công tác PGCM của tỉnh bảo đảm đúng tiến độ, yêu cầu theo kế hoạch đã đề ra, UBND tỉnh Chỉ thị như sau:
Để công tác tuyên truyền đạt kết quả cao, Thủ trưởng các ngành và địa phương, đặc biệt là các ngành chức năng tiến hành thực hiện các nội dung như sau:
- Xây dựng kế hoạch tuyên truyền PGCM cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế, chức năng nhiệm vụ được phân công;
- Thường xuyên phối hợp định hướng tuyên truyền PGCM cho các cơ quan truyền thông và đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền nhằm đảm bảo việc tuyên truyền đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước;
- Tập hợp, biên soạn tài liệu, cung cấp thông tin và tổ chức tập huấn nội dung tuyên truyền cho báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tuyên truyền, đảm bảo công tác tuyên truyền được thuận lợi và đạt hiệu quả cao;
- Nâng cao chất lượng tuyên truyền theo các hình thức sẵn có: tuyên truyền miệng; tuyên truyền qua Báo, Đài Phát thanh và Truyền hình, Đài Truyền thanh; tuyên truyền trực quan sinh động qua các buổi sinh hoạt văn nghệ, băng rôn, panô, ápphích,... Đa dạng hóa các loại hình tuyên truyền, đảm bảo thông tin đến với người dân được nhanh chóng, chính xác và đạt được 02 mục tiêu chính là: bình ổn tâm lý nhân dân và vận động người dân ủng hộ, tạo điều kiện cho việc PGCM và tích cực tham gia bảo vệ đường biên cột mốc;
- Ban Chỉ đạo PGCM tỉnh cần có kế hoạch phân công các thành viên Ban Chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra; sơ kết, tổng kết và tiếp tục duy trì chế độ giao ban theo quy định để nắm bắt tình hình và có hướng giải quyết kịp thời đối với những vụ việc xảy ra.
a) Sở Ngoại vụ (Thường trực Ban chỉ đạo phân giới cắm mốc biên giới tỉnh).
- Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông chủ động cung cấp thông tin cho Báo, Đài và các đơn vị có liên quan;
- Chủ trì, phối hợp cùng với Đội PGCM số 7 Long An, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng và các huyện biên giới thường xuyên cập nhật và cung cấp thông tin về kết quả công tác PGCM, những khó khăn, vướng mắc, hướng giải quyết của Ban Chỉ đạo PGCM để các đơn vị có chức năng tuyên truyền kịp thời nắm bắt thông tin phục vụ tốt công tác tuyên truyền;
- Phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền PGCM (nhất là đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, phóng viên, biên tập viên);
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai công tác kiểm tra, hướng dẫn, theo dõi tình hình thực hiện và tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh định kỳ theo quy định.
b) Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh.
- Phối hợp với các đơn vị có liên quan chủ động cung cấp thông tin về công tác PGCM cho các cơ quan thông tin đại chúng và các đơn vị thực hiện chức năng tuyên truyền trên địa bàn tỉnh;
- Tích cực phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền cho quần chúng nhân dân trên địa bàn biên giới. Thực hiện tốt công tác thông tin đối ngoại và công tác đối ngoại. Tăng cường công tác, kiểm tra, tập trung bảo vệ các cột mốc, đường biên;
- Tiếp tục thực hiện, nhân rộng và phát huy hiệu quả hơn nữa các phong trào “quần chúng tham gia tự quản đường biên cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự xóm, ấp khu vực biên giới”, “tiếng kẻng vùng biên”...
c) Sở Thông tin và Truyền thông.
- Dựa trên nguồn tài liệu sẵn có, chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Ngoại vụ, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, UBND các huyện, xã biên giới biên tập, xuất bản các loại tài liệu tuyên truyền phù hợp cho công tác tuyên truyền PGCM theo từng thời điểm thích hợp;
- Phối hợp với Sở Ngoại vụ, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nắm bắt và định hướng thông tin cho Báo, Đài trong tỉnh, hướng dẫn Phòng Văn hóa và Thông tin, Đài Truyền thanh các huyện, thành phố thường xuyên thông tin tuyên truyền về công tác PGCM;
- Phối hợp với Công an tỉnh, Đội Liên ngành phòng chống in lậu của tỉnh thường xuyên kiểm tra, rà soát, phát hiện và xử lý kịp thời các loại tài liệu có nội dung xấu, xuyên tạc chế độ, xuyên tạc nội dung, ý nghĩa của công tác PGCM.
d) Công an tỉnh
- Tổ chức công tác nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện âm mưu, ý đồ, kế hoạch phá hoại của các thế lực thù địch, bọn phản động trong và ngoài nước; đồng thời phối hợp các ngành chức năng đảm bảo an ninh trật tự phục vụ cho việc PGCM được đúng tiến độ;