Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Chỉ thị 12/2009/CT-UBND tăng cường công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai trên địa bàn thành phố Cần Thơ

Số hiệu 12/2009/CT-UBND
Ngày ban hành 10/06/2009
Ngày có hiệu lực 20/06/2009
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Trần Thanh Mẫn
Lĩnh vực Bất động sản,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/2009/CT-UBND

Cần Thơ, ngày 10 tháng 6 năm 2009

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT ĐƠN THƯ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Trong thời gian qua, Giám đốc sở, Thủ trưởng các ban, ngành của thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) các quận, huyện; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn đã quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai có hiệu quả và đạt nhiều tiến bộ; đã giải quyết, xử lý khá kịp thời một số đơn thư khiếu kiện của công dân, hạn chế để xảy ra "điểm nóng", góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo, tranh chất đất đai vượt cấp, đông người vẫn còn nhiều; công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, hòa giải các vụ tranh chấp về đất đai của Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn còn nhiều bất cập, chưa đúng, chưa kịp thời, chưa phù hợp theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo; Luật đất đai, công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai của công dân thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND các quận, huyện vẫn còn tồn đọng, kéo dài; chưa thực hiện nghiêm túc việc đối thoại với công dân khi giải quyết khiếu nại lần đầu; chưa lấy ý kiến của Hội đồng tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai; sự quan tâm chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp ở các cấp, các ngành chưa kịp thời, các cơ quan chức năng chưa chủ động xử lý tốt đơn thư khiếu nại, tố cáo, tranh chấp; có biểu hiện đùn đẩy trách nhiệm, ngại đối thoại trực tiếp với công dân, lực lượng cán bộ - thanh tra viên còn thiếu, kỹ năng nghiệp vụ chưa đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, sự phối hợp của các cấp, các ngành, các đoàn thể trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp chưa được chặt chẽ, chưa huy động được sức mạnh của cả hệ thống cơ quan Nhà nước và sự tham gia tích cực của các đoàn thể chính trị - xã hội nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp của công dân; nhiều trường hợp đã thụ lý giải quyết nhưng không ra quyết định mà trả lời bằng hình thức công văn, thông báo...dẫn đến việc người khiếu kiện liên tục gửi đơn lên cấp trên để yêu cầu can thiệp giải quyết. Một số vụ việc khiếu nại, tranh chấp đã được Thủ trưởng các cấp, các ngành giải quyết và quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng vẫn chưa được thực hiện dứt điểm, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các công trình, dự án; cũng như gây bức xúc trong cộng đồng xã hội và nhân dân.

Để phát huy những mặt đã đạt được và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai theo đúng qui định của pháp luật và khắc phục những hạn chế nêu trên, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ chỉ thị:

1. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, pháp luật về khiếu nại, tố cáo, tranh chấp; cụ thể:

- Giao Thanh tra thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến: Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 và được sửa đổi bổ sung năm 2004, 2005; Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 06 tháng 3 năm 2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về một số vấn đề cấp bách cần thực hiện trong giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện nay”; Thông báo kết luận 130-TB/TW ngày 10 tháng 01 năm 2008 Bộ Chính trị “về tình hình, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo từ năm 2006 đến nay và giải pháp trong thời gian tới”. Chỉ thị số số 08-CT/TU ngày 26 tháng 10 năm 2006 của Ban Thường vụ Thành Ủy thành phố Cần Thơ về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong công tác giải quyết khiếu nại, Quyết định số 1131/QĐ-TTCP ngày 08 tháng 6 năm 2008 của Tổng Thanh tra Chính phủ, quyết định số 2278/2007/QĐ-TTCP ngày 24 tháng 10 năm 2007 của Tổng Thanh tra Chính phủ.

- Hội đồng phối hợp công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật của thành phố tiếp tục chỉ đạo triển khai giai đoạn 2 đề án thứ 3 theo Quyết định số 28/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn” giai đoạn từ năm 2008 - 2010. Giao Thanh tra thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Hội Nông dân thành phố, Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố, Báo Cần Thơ, UBND các quận, huyện tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung của đề án nêu trên.

- Đối với cán bộ, công chức, thanh tra viên các ngành, các cấp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp cần lồng ghép với việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao hiểu biết và ý thức pháp luật của công dân trong khi thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, tranh chấp.

- Giao Sở Tài nguyên và Môi trường soạn thảo văn bản, tài liệu để tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng… về việc thực hiện Luật Đất đai năm 2003 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành cho người dân hiểu rõ, nhằm chấm dứt những khiếu kiện do hiểu biết chưa đúng pháp luật về đất đai.

- Giao Sở Xây dựng soạn thảo văn bản, tài liệu để tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng…về việc thực hiện Luật Xây dựng và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành cho người dân hiểu rõ, nhằm chấm dứt những khiếu kiện do hiểu biết chưa đúng pháp luật về xây dựng.

- Chủ tịch UBND các quận, huyện và Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành thường xuyên, liên tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khiếu nại, tố cáo sâu rộng, thường xuyên, liên tục trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; nhất là những nội dung cơ bản của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2004, năm 2005; Luật đất đai, Luật Xây dựng, Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành...phối hợp với Thanh tra thành phố tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về công tác xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp cho cán bộ trực tiếp làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp của cấp mình nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn, hạn chế những sơ hở, sai phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

2. Tích cực, khẩn trương, tập trung cao độ rà soát, phân loại các vụ việc khiếu nại, tố cáo, tranh chấp tồn đọng kéo dài, xây dựng kế hoạch và giải pháp giải quyết từng loại vụ việc; cụ thể:

- Chủ tịch UBND các quận, huyện kiểm tra, rà soát những vụ việc khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền còn tồn đọng để đẩy nhanh tiến độ; giải quyết dứt điểm vụ việc khiếu nại, tranh chấp phức tạp, đông người nhằm hạn chế tình trạng đơn thư vượt cấp. Quá trình thực hiện, cần phải có xây dựng kế hoạch giải quyết thật cụ thể, có chỉ đạo, phân công cán bộ, các phòng, ban chức năng tập trung rà soát, phối hợp để tham mưu Chủ tịch UBND cấp mình giải quyết kịp thời, đúng pháp luật. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn, thực hiện tốt công tác tiếp dân, tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp thuộc thẩm quyền theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo; Luật Đất đai và có kế hoạch cụ thể tổ chức thực hiện nghiêm túc những vụ việc có quyết định giải quyết khiếu nại, tranh chấp đã có hiệu lực pháp luật.

- Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành thành phố kiểm tra, giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo, tranh chấp thuộc thẩm quyền; đồng thời, rà soát những trường hợp khiếu nại, tố cáo, tranh chấp mà UBND thành phố đã có văn bản giao cho các sở, ban, ngành thành phố kiểm tra, xem xét, xác minh; thì khẩn trương báo cáo kết quả để Chủ tịch UBND thành phố xem xét và ra quyết định giải quyết đúng thời hạn pháp luật qui định; tránh tình trạng vi phạm thời hạn giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo, tranh chấp do cơ quan tham mưu kéo dài thời gian xác minh làm ảnh hưởng đến quyền khiếu nại của công dân cũng như trách nhiệm giải quyết của Chủ tịch UBND thành phố.

- Việc rà soát lại những vụ việc khiếu nại, tố cáo, tranh chấp còn tồn đọng kéo dài, cũng như giải quyết những vụ việc mới phát sinh phải được thực hiện song song: tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm những vụ việc còn tồn động và thụ lý giải quyết triệt để các vụ việc mới phát sinh theo đúng qui định của pháp luật. Đặc biệt chỉ đạo giải quyết những vụ việc khiếu - tố đông người, phức tạp ngay từ cơ sở, không để khiếu kiện vượt cấp lên thành phố, lên Trung ương và phát sinh thành "điểm nóng" gây phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Qua kết quả giải quyết cần làm rõ nguyên nhân làm phát sinh khiếu nại, tố cáo, tranh chấp để rút kinh nghiệm, chấn chỉnh công tác quản lý hành chính nhà nước, đồng thời xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm minh theo qui định của pháp luật những cơ quan, cán bộ, công chức đã tham mưu ban hành quyết định hành chính hoặc có hành vi hành chính trái pháp luật.

Trên cơ sở đó phân loại các vụ việc và xử lý theo định hướng sau:

a) Những vụ việc đã có quyết định giải quyết của Chủ tịch UBND tỉnh trước đây (nay là thành phố) và Bộ, ngành Trung ương nhưng công dân còn khiếu nại:

- Sở, ngành nào được giao nhiệm vụ tham mưu Chủ tịch UBND thành phố giải quyết thì Sở, ngành đó chủ động xem xét lại vụ việc báo cáo Chủ tịch UBND thành phố để trả lời công dân, đồng thời soạn thảo văn bản “trả đơn hoặc thông báo kết quả giải quyết vụ việc mà công dân còn khiếu nại, tố cáo, tranh chấp”. Nội dung thể hiện kết quả của quá trình xem xét giải quyết, đồng thời giải thích rõ những vấn đề công dân còn khiếu kiện giúp cho các đoàn thể từ thành phố đến cơ sở hiểu rõ nội dung vụ việc và quá trình giải quyết của các cấp có thẩm quyền để phối hợp tuyên truyền, thuyết phục công dân chấm dứt khiếu kiện và thôi nhận, chuyển đơn.

- Đối với các vụ việc đã có quyết định giải quyết và đã giao cho các cơ quan chuyên môn xem xét lại và khẳng định đã giải quyết đúng nhưng công dân vẫn không chấp nhận còn khiếu nại, tố cáo, tranh chấp kéo dài, thì cơ quan được giao chủ động phối hợp với các cơ quan, địa phương có liên quan xem xét lại lần cuối, nếu có cơ sở thì xem xét giải quyết, nếu không có cơ sở thì tham mưu ra thông báo chấm dứt giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp; đồng thời gửi báo cáo một số Bộ, ngành, cơ quan Trung ương có liên quan biết để trả lời công dân.

- Những trường hợp khiếu nại, tố cáo, tranh chấp phức tạp, gay gắt và kéo dài thì cơ quan được giao chuẩn bị đầy đủ báo cáo, hồ sơ, chứng cứ tham mưu Chủ tịch UBND thành phố mời cơ quan chức năng của Trung ương về nghe báo cáo. Nếu thống nhất với quan điểm giải quyết của thành phố thì đề nghị cơ quan chức năng của Trung ương ra thông báo cho người khiếu nại, tố cáo, tranh chấp biết hoặc có văn bản để làm cơ sở cho địa phương ra văn bản giải quyết để chấm dứt khiếu nại, tố cáo, tranh chấp.

- Cơ quan nào tham mưu giải quyết vụ việc, thì cơ quan đó có trách nhiệm theo dõi phối hợp cùng chính quyền quận, huyện để giải quyết vụ việc đến khi công dân chấm dứt khiếu nại, tố cáo, tranh chấp.

- Đề nghị Cấp Ủy và chính quyền cơ sở phải có chịu trách nhiệm chính, trực tiếp trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp của công dân ở địa phương, đơn vị mình.

b) Những quyết định có hiệu lực pháp luật:

- Đối với những vụ việc đã có quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được thi hành thì phải tập trung chỉ đạo kiên quyết để thi hành, không để tiếp tục phát sinh đơn, mọi hành vi không chấp hành, chay ì hoặc cố tình không thi hành đều phải được xử lý thích đáng theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định.

- Trong trường hợp quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật còn có vướng mắc không thể tổ chức thực hiện hoặc chỉ tổ chức thực hiện được một phần, thì chính quyền địa phương nơi phải tổ chức thực hiện quyết định phải chủ động phối hợp với các cơ quan, phòng, ban của địa phương tìm biện pháp tổ chức thực hiện; nếu vượt quá thẩm quyền, không tìm được biện pháp, thì chủ động xin ý kiến cơ quan đã làm tham mưu ban hành quyết định. Khi nhận được đề nghị, yêu cầu nêu trên, cơ quan đã làm tham mưu phải chủ động hoặc phối hợp với các cơ quan, ban ngành có liên quan, khẩn trương hướng dẫn hoặc kiến nghị, đề xuất trình Chủ tịch UBND thành phố biện pháp giải quyết các quyết định nêu trên.

- Trường hợp tổ chức cưỡng chế, thì cơ quan tổ chức thực hiện phải khảo xác, xây dựng kế hoạch cụ thể và thực hiện đầy đủ theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Công an thành phố chỉ đạo Công an các cấp xây dựng kế hoạch phối hợp tham gia trong công tác thực hiện cưỡng chế khi có yêu cầu. Khi đơn vị có văn bản xin ý kiến, Thanh tra thành phố là đơn vị có trách nhiệm chủ động phối hợp cùng Công an thành phố và các cơ quan có liên quan kiểm tra, rà soát, xem xét và hướng dẫn hoặc tham mưu Chủ tịch UBND thành phố hướng dẫn, chỉ đạo đơn vị thực hiện.

- Nhằm tránh lợi dụng, lạm dụng việc xin ý kiến cấp trên để đùn đẩy, né tránh; các trường hợp xin ý kiến chỉ đạo của cấp thành phố được chấp nhận và xem xét khi cấp quận, huyện đã thực hiện các biện pháp giải quyết, nhưng vẫn không thực hiện được.

c) Những vụ việc đang thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp, các ngành:

[...]