Chỉ thị 11/CT-UBND năm 2024 tăng cường các biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh Bình Định

Số hiệu 11/CT-UBND
Ngày ban hành 21/05/2024
Ngày có hiệu lực 21/05/2024
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Định
Người ký Lâm Hải Giang
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/CT-UBND

Bình Định, ngày 21 tháng 05 năm 2024

 

CHỈ THỊ

TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP NGĂN NGỪA, XỬ LÝ NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH

Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong 3 tháng đầu năm 2024, toàn quốc đã xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm làm 568 người mắc, 03 người tử vong. Thời gần đây số vụ ngộ độc thực phẩm trong cả nước tiếp tục có dấu hiệu gia tăng, gây lo lắng trong Nhân dân.

Tại tỉnh ta, trong thời gian qua, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự triển khai quyết liệt các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm của các sở, ban, ngành, các hội đoàn thể, các địa phương trong tỉnh, cùng với sự tham gia tích cực của người dân và cộng đồng, nên công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy chưa phát hiện vụ ngộ độc thực phẩm tập thể nào trong năm 2023 và các tháng đầu năm 2024, nhưng nguy cơ ngộ độc thực phẩm vẫn có thể xảy ra, nếu các cấp, các ngành, địa phương không quan tâm chỉ đạo, tập trung thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 44/CĐ-TTg ngày 03/5/2024 về việc ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm và Công điện số 50/CĐ-TTg ngày 15/5/2024 về việc xử lý vụ ngộ độc thực phẩm tại Vĩnh Phúc; để chủ động ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Các sở, ngành và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trong lĩnh vực, địa bàn quản lý; tập trung thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ các giải pháp với tinh thần chủ động ngăn chặn, phòng ngừa ngay từ đầu, phải xác định nhiệm vụ bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm là nhiệm vụ quan trọng của cơ quan, đơn vị, nhằm bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho người dân và cộng đồng.

2. Sở Y tế:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác truyền thông với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, hiệu quả; nắm chắc tình hình, dự báo và chủ động tham mưu, đề xuất cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo kịp thời, hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

b) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý. Kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm và thông tin kịp thời trên các phương tiện truyền thông để cảnh báo người dân cảnh giác, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm, thực phẩm không an toàn.

c) Tổ chức giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm có trọng tâm, trọng điểm; chủ động phân tích đánh giá nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm, từ đó đưa ra cảnh báo nguy cơ đối với các sản phẩm không an toàn trên địa bàn tỉnh.

d) Chỉ đạo các cơ sở điều trị trên địa bàn tỉnh xây dựng phương án, kịch bản xử lý khi có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra; chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện vật tư, hóa chất, trang thiết bị, thuốc để tiếp nhận, sơ cứu, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm; tổ chức điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm theo quy định.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ, không để xảy ra việc sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến các sản phẩm, nguyên liệu thuộc thẩm quyền quản lý.

b) Tăng cường kiểm soát nguồn gốc các loại thịt, cá, sản phẩm đông lạnh, thực phẩm tươi sống; kiểm soát và xử lý nghiêm hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm tự phát trong khu dân cư.

c) Tăng cường giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn sự cố an toàn thực phẩm và phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý. Kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm và thông tin kịp thời trên các phương tiện truyền thông để cảnh báo người dân cảnh giác, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm, thực phẩm không an toàn.

d) Thực hiện tuyên truyền các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm để nâng cao ý thức chấp hành của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng.

4. Sở Công Thương:

a) Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh. Kiên quyết xử lý tổ chức, cá nhân kinh doanh các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm không đảm bảo đảm bảo an toàn thực phẩm.

b) Tăng cường kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực được phân công quản lý; trong đó chú trọng kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh: Bánh, mứt, kẹo, rượu, cồn và đồ uống có cồn, sản phẩm bột, tinh bột trên địa bàn. Kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm và thông tin kịp thời trên các phương tiện truyền thông để cảnh báo người dân cảnh giác, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm, thực phẩm không an toàn.

c) Tăng cường giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn sự cố an toàn thực phẩm và phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.

d) Thực hiện tuyên truyền các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm để nâng cao ý thức chấp hành của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo:

a) Chỉ đạo các cơ sở giáo dục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiến thức về an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh.

b) Phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế, các ban, ngành liên quan và các cơ quan truyền thông tại địa phương thực hiện tốt, có hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, công tác truyền thông về an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục.

c) Tổ chức kiểm tra, giám sát và phối hợp kiểm tra, giám sát về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục. Khi phát hiện những hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, phải thông báo ngay cho các cơ quan chức năng tại địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời.

6. Sở Du lịch:

a) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật du lịch đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chú trọng kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở có kinh doanh dịch vụ ăn uống; chủ động phối hợp các đơn vị chức năng của tỉnh và các địa phương trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm tại các khu, điểm du lịch, khách sạn, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

b) Phối hợp với các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Thông tin và Truyền thông và các địa phương thực hiện thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh.

[...]