Chỉ thị 11/CT-UBND năm 2022 về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 của tỉnh Đồng Nai

Số hiệu 11/CT-UBND
Ngày ban hành 15/08/2022
Ngày có hiệu lực 15/08/2022
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Cao Tiến Dũng
Lĩnh vực Thương mại,Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/CT-UBND

Đồng Nai, ngày 15 tháng 8 năm 2022

 

CHỈ THỊ

VỀ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2023 CỦA TỈNH ĐỒNG NAI

Năm 2022, kinh tế của tỉnh Đồng Nai đang hồi phục, chủ yếu nhờ việc triển khai có hiệu quả, kịp thời các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy trên địa bàn tỉnh về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; về các chính sách hỗ trợ, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội (KTXH); các ngành, lĩnh vực chủ yếu tiếp tục tăng trưởng tốt, hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ đang từng bước phục hồi và có nhiều khởi sắc, Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện.

Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành mục tiêu của các kế hoạch 5 năm 2021-2025. Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, kinh tế của tỉnh dự báo tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của tình hình chính trị thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, nhất là ảnh hưởng từ xung đột quân sự Nga và Ukraine; giá xăng dầu và nhiều nguyên, vật liệu đầu vào tăng cao. Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với sự xuất hiện của biến chủng mới; việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm...

Thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các doanh nghiệp có vốn nhà nước (gọi chung doanh nghiệp) tập trung triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025 với yêu cầu, nhiệm vụ nội dung chủ yếu sau:

A. NHIỆM VỤ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023

I. Yêu cầu

1. Đối với đánh giá kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022

a) Bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được thông qua tại Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 06/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XI) và các Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh năm 2022 của tỉnh Đồng Nai (Nghị quyết số 32/NQ-HĐND ngày 08/12/2021, Nghị quyết số 01/NQ-HĐND ngày 17/4/2022 và Nghị quyết số 14/NQ-HĐND ngày 08/7/2022).

b) Bảo đảm tính khách quan, trung thực, sát thực tiễn và có so sánh với kết quả thực hiện của năm 2021; nêu rõ những kết quả đạt được (đặc biệt nêu rõ thành tựu nổi bật của năm 2022), khó khăn, hạn chế; phân tích rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan của những kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém; chỉ rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với những hạn chế, yếu kém và đề ra bài học kinh nghiệm.

2. Đối với xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023

a) Kế hoạch của tỉnh phải xây dựng bám sát các Nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021- 2025.

b) Kế hoạch của các ngành, lĩnh vực, địa phương và doanh nghiệp phải phù hợp với quy hoạch có liên quan theo pháp luật về quy hoạch, chiến lược và kế hoạch 5 năm về phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của tỉnh; phù hợp với đặc điểm, trình độ phát triển của từng ngành, từng địa phương và bảo đảm tính kết nối vùng, kết nối với các tỉnh, thành phố lân cận; cần bám sát những dự báo, đánh giá tình hình và bối cảnh trong nước và quốc tế trong giai đoạn tới; đảm bảo sự kế thừa những thành quả đã đạt được, có sự đổi mới và tiếp thu, tiếp cận xu hướng phát triển chung của khu vực và thế giới cũng như bảo đảm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Các mục tiêu, định hướng và giải pháp, chính sách phải bảo đảm tính khả thi, gắn kết với khả năng cân đối, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; cần phân tích, đánh giá, lựa chọn và sắp xếp thứ tự các mục tiêu ưu tiên trong kế hoạch; bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư công. Đồng thời, kế hoạch được xây dựng phải phù hợp với khả năng thực hiện của các ngành, các cấp, các địa phương.

c) Việc đề xuất các chỉ tiêu theo ngành, lĩnh vực phụ trách: (i) phải thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; trường hợp chỉ tiêu đề xuất không thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia phải đảm bảo tính chính xác, đồng bộ và thống nhất về thông tin, số liệu thống kê trên phạm vi cả nước, phục vụ tốt công tác theo dõi, đánh giá và xây dựng kế hoạch; (ii) bảo đảm khả năng thu thập thông tin, theo dõi liên tục, đánh giá định kỳ; không đề xuất các chỉ tiêu chuyên ngành, phức tạp, chủ yếu phục vụ mục đích nghiên cứu; (iii) bảo đảm tính khả thi, dễ hiểu, có khả năng so sánh với dữ liệu quá khứ; (iv) bảo đảm tính gắn kết chặt chẽ và phản ánh trực tiếp tình hình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; (v) phù hợp với thông lệ.

d) Các nhiệm vụ, giải pháp phải cụ thể về nội dung, thời gian, tiến độ thực hiện, hoàn thành (lượng hóa tối đa các kết quả dự kiến hoàn thành, đạt được trong năm 2023 như: số km đường cao tốc, đường liên vùng,...; số công trình thủy lợi, hồ chứa nước; văn bản quy phạm pháp luật được rà soát, xây dựng, hoàn chỉnh; thủ tục hành chính được rút gọn; biên chế được tinh giản; bộ máy được sắp xếp lại; thanh tra, kiểm tra xử lý tham nhũng, lãng phí, tiêu cực;...); cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp; cá thể hóa trách nhiệm.

II. Nội dung chủ yếu

Các sở, ban, ngành và địa phương căn cứ yêu cầu tại mục I phần A, xây dựng báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 với các nội dung chủ yếu, gồm:

1. Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022

Trên cơ sở tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022, các Sở, ngành, doanh nghiệp và địa phương tổ chức đánh giá và ước thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 trên tất cả các ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, quản lý. Nội dung đánh giá phải đầy đủ, thực chất, chính xác các kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế, nguyên nhân để có biện pháp khắc phục, trong đó có đánh giá các tác động của dịch bệnh như dịch Covid-19, xung đột quân sự Nga - Ukraine, biến động giá cả hàng hóa..., cụ thể:

a) Các sở, ban, ngành đánh giá Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 06/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XI) và các Nghị quyết của HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 (Nghị quyết số 32/NQ-HĐND ngày 08/12/2021, Nghị quyết số 01/NQ-HĐND ngày 17/4/2022 và Nghị quyết số 14/NQ-HĐND ngày 08/7/2022). Trong đó, báo cáo đầy đủ thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được giao tại Nghị quyết nêu trên theo mẫu Phụ lục kèm theo.

b) UBND các huyện, thành phố đánh giá theo các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ và HĐND thành phố, huyện về kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội năm 2022.

2. Nội dung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 xây dựng trong bối cảnh khó khăn và thuận lợi đan xen. Kinh tế và thương mại toàn cầu dự báo tiếp tục phục hồi nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Giá cả nguyên vật liệu sản xuất, lạm phát có nguy cơ gia tăng. Tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên thế giới và xu hướng thúc đẩy thích ứng, mở cửa sau dịch COVID-19, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, tăng cường hợp tác của các quốc gia vừa là thời cơ, vừa là thách thức. Cạnh tranh chiến lược, căng thẳng thương mại giữa các nước, dịch bệnh ở một số nước còn diễn biến phức tạp.

Ở trong nước và tỉnh kinh tế có khả năng phục hồi nhanh hơn; tuy nhiên, khó khăn, thách thức còn rất lớn, nhất là giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, áp lực lạm phát gia tăng,... Trong bối cảnh đó, các sở, ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp nghiên cứu, xác định các vấn đề cơ bản của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, trong đó tập trung vào các nội dung chủ yếu sau:

a) Bối cảnh xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, bao gồm nhận định, phân tích những cơ hội, thuận lợi, thách thức, rủi ro của bối cảnh trong nước, khu vực và quốc tế tác động đến việc xây dựng và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt lưu ý những vấn đề như ảnh hưởng của xung đột quân sự Nga - Ukraine, chính sách phòng chống dịch COVID-19 và thương mại của các đối tác, rủi ro của thị trường bất động sản, tài chính, khả năng kiểm soát dịch COVID-19 và triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội,...

b) Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

c) Mục tiêu chủ yếu: Các sở, ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp, căn cứ tình hình thực tế xây dựng tốc độ tăng trưởng của ngành, lĩnh vực và địa phương xây dựng phương án tăng trưởng hợp lý và phù hợp; một số chỉ tiêu cơ bản tại Phụ lục kèm theo và đề xuất một số chỉ tiêu cơ bản của sở, ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp cho năm 2023.

[...]