Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Chỉ thị 11/CT-UBND năm 2021 về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long trong tình hình mới

Số hiệu 11/CT-UBND
Ngày ban hành 28/06/2021
Ngày có hiệu lực 28/06/2021
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Long
Người ký Nguyễn Thị Quyên Thanh
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/CT-UBND

Vĩnh Long, ngày 28 tháng 6 năm 2021

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trên cả nước nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận Vĩnh Long. Do đó, các cấp, các ngành tuyệt đối không được lơ là, chủ quan trên tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, tăng tốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, phát hiện sớm nguồn lây, cách ly kịp thời, khoanh vùng nhanh gọn và dập dịch triệt để.

Để chủ động ngăn chặn, ứng phó với dịch COVID-19, bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe, tính mạng của Nhân dân trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, các đoàn thể cần quyết tâm, nỗ lực hơn nữa, phải triển khai kịp thời, quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn, cụ thể như sau:

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tất cả người dân tập trung cho việc phòng, chống dịch hiệu quả.

Các ngành, các cấp cần nâng cao trách nhiệm, căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động triển khai các giải pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh (nhất là các văn bản chỉ đạo gần đây của UBND tỉnh như: Công văn số 2209/UBND-VX ngày 10/5/2021; Công văn số 2679/UBND-VX ngày 29/5/2021; Công văn số 2680/UBND-KTNV ngày 30/5/2021, Công văn 2786/UBND-VX ngày 02/6/2021), đảm bảo thực hiện mục tiêu kép: vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh và ổn định xã hội trên địa bàn.

Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trên địa bàn trong công tác phòng chống dịch; luôn bình tĩnh, sáng suốt bám sát thực tế, tích cực, chủ động, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trong xử lý các tình huống xảy ra trên địa bàn. Đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm xây dựng phương án làm việc cho cơ quan, tổ chức một cách phù hợp, bảo đảm an toàn cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; không tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người chưa cần thiết; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong làm việc, lao động, học tập, không để đình trệ công việc. Nếu nơi nào để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị, địa phương mình mắc bệnh COVID-19 do lỗi lơ là, chủ quan, không gương mẫu tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, không kiểm soát tốt, buông lỏng quản lý, thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm theo quy định.

2. Thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh

2.1. Tiếp tục tạm dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 30 người trong một phòng. Trường hợp tổ chức sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế, xã hội thực sự cần thiết, phải xin ý kiến của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng cấp xem xét, quyết định. Không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện.

Tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà nếu không cần thiết và phải tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch theo Thông điệp 5K. Khuyến cáo người dân hạn chế di chuyển ra ngoài tỉnh, nhất là đến các tỉnh, thành phố đang có dịch. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động phải gương mẫu đi đầu trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; Kiên định thực hiện các nguyên tắc phòng, chống dịch; ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch đồng thời với việc làm tốt công tác điều trị; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, tuyệt đối không lơ là, chủ quan.

2.2. Thực hiện các biện pháp quản lý y tế đối với người đến/trở về Vĩnh Long từ các địa phương đang áp dụng Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020, Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, các vùng dịch theo công bố của Bộ Y tế (sau đây gọi tắt là các địa phương có ghi nhận ca bệnh):

a) Các trường hợp có yếu tố dịch tễ: thực hiện cách ly theo quy định của Bộ Y tế.

b) Các trường hợp người lao động thường trú tại Vĩnh Long đi công tác, làm việc ở các địa phương có ghi nhận ca bệnh hoặc ngược lại: phải cập nhật khai báo y tế hàng ngày, bật ứng dụng Bluzone hoặc khai báo hành trình, những điểm ghé, những người tiếp xúc mỗi khi ra, vào tỉnh Vĩnh Long; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; hạn chế tiếp xúc và hạn chế di chuyển đến những nơi không cần thiết; tự theo dõi sức khỏe và thông báo cho cơ quan y tế ngay khi có các biểu hiện nghi nhiễm COVID-19.

Khuyến khích các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long tạo điều kiện cho người lao động thường trú tại các địa phương có ghi nhận ca bệnh ở lại tỉnh Vĩnh Long hoặc tổ chức đưa rước người lao động đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm tuyên truyền, chỉ đạo người lao động thuộc cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hạn chế đi đến những nơi không cần thiết ngoài yêu cầu công việc, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; đồng thời, có biện pháp xử lý phù hợp khi người lao động vi phạm các quy định, để phát sinh lây lan dịch trên địa bàn tỉnh.

c) Trường hợp người dân tỉnh Vĩnh Long đến địa phương có ghi nhận ca bệnh trong thời gian ngắn và không thường xuyên, khi trở về tỉnh phải khai báo hành trình, những điểm ghé, những người tiếp xúc trong thời gian ở địa phương có ghi nhận ca bệnh; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; hạn chế tiếp xúc và hạn chế di chuyển đến những nơi không cần thiết; tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày và thông báo cho cơ quan y tế ngay khi có các biểu hiện nghi nhiễm COVID-19.

d) Trường hợp người dân các địa phương có ghi nhận ca bệnh đến tỉnh Vĩnh Long trong thời gian ngắn và không thường xuyên, khi vào tỉnh Vĩnh Long phải khai báo y tế, khai báo lịch trình di chuyển; xuất trình Giấy xác nhận test nhanh (còn trong thời hạn 72 giờ) và kết quả âm tính với COVID-19. Nếu đối tượng chưa có Giấy xác nhận test nhanh còn thời hạn, các chốt kiểm dịch sẽ thực hiện test nhanh. Chi phí test nhanh do đối tượng tự chi trả.

c) Các trường hợp còn lại đến/trở về lưu trú tại Vĩnh Long: cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú đủ 14 ngày.

2.3. Tiếp tục dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết.

2.4. Tiếp tục đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu theo Công văn số 2209/UBND-VX ngày 10/5/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh bao gồm: karaoke (kể cả karaoke di động), massage, quán bar, rạp chiếu phim, các điểm kinh doanh trò chơi điện tử.

2.5. Đối với các đơn vị và cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác (bao gồm cả dịch vụ ăn uống, giải khát) phải đảm bảo đồng thời tất cả các yêu cầu sau:

- Giảm công suất phục vụ tại chỗ xuống dưới 50% so với công suất được thiết kế;

- Đảm bảo khoảng cách giữa các khách hàng tối thiểu 02 m;

- Tuân thủ nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch (như: trang bị phòng hộ cho nhân viên, nhắc nhở nhân viên và khách hàng đeo khẩu trang, đo thân nhiệt khách đến, bố trí nơi rửa tay sát khuẩn, ….)

- Riêng khách hàng đến ăn/uống tại quán phải đeo khẩu trang khi đến, chờ phục vụ món ăn/uống và từ khi thực hiện thủ tục thanh toán cho đến khi rời khỏi quán.

Tiếp tục khuyến khích các cơ sở nêu trên triển khai hình thức đặt hàng, bán hàng qua điện thoại, qua mạng, giao hàng tận nơi.

3. Giao Giám đốc Sở Y tế chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan và các địa phương

[...]