Chỉ thị 11/CT-UBND năm 2019 thực hiện nhiệm vụ chủ yếu năm học 2019-2020 của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Hưng Yên

Số hiệu 11/CT-UBND
Ngày ban hành 22/08/2019
Ngày có hiệu lực 22/08/2019
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Hưng Yên
Người ký Nguyễn Văn Phóng
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/CT-UBND

Hưng Yên, ngày 22 tháng 8 năm 2019

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHỦ YẾU NĂM HỌC 2019-2020 CỦA NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH HƯNG YÊN

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Chỉ thị số 2268/CT-BGDĐT ngày 14/8/2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2019-2020 của ngành Giáo dục;

Nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ năm học 2019-2020, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện các nội dung sau:

1. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 63/KH-UBND ngày 19/5/2014 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình hành động số 30-CTr/TU ngày 20/3/2014 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Chỉ thị số 16/CT-TTg  ngày 18/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông; Kế hoạch số 321/KH-UBND ngày 21/12/2016 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình phát triển giáo dục và đào tạo Hưng Yên giai đoạn 2016-2020, một số định hướng đến năm 2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung quán triệt, triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả Chỉ thị số 2268/CT-BGDĐT ngày 08/8/2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2019-2020 của ngành Giáo dục, đồng thời thực hiện tốt các nội dung:

- Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị trong toàn ngành; giáo dục, bồi dưỡng ý thức trách nhiệm, năng lực và hiệu quả công tác cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tăng cường công tác giáo dục đạo đức, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho học sinh gắn với việc đưa nội dung các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành thành hoạt động thường xuyên trong mỗi đơn vị, cơ sở giáo dục; tổ chức các hoạt động thi đua thiết thực hướng tới kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Bác Hồ.

- Tiếp tục rà soát mạng lưới trường lớp; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện sắp xếp các điểm trường lẻ, sáp nhập các cơ sở giáo dục có quy mô nhỏ khối mầm non, phổ thông tại các địa phương.

- Quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn đầu tư cho giáo dục kết hợp với đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất gắn với việc xây dựng trường chuẩn quốc gia, hoàn thành tiêu chí về giáo dục và đào tạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới, đặc biệt là lớp 1. Bổ sung, xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học, các phòng chức năng, bếp ăn, nhà vệ sinh, công trình nước sạch và mua sắm bổ sung các thiết bị dạy học còn thiếu. Trong năm học 2019-2020,  có phương án khắc phục 11 phòng học bán kiên cố tại 03 trường THPT (THPT Đức Hợp 3 phòng, THPT Phạm Ngũ Lão 4 phòng, THPT Nguyễn Thiện Thuật 04 phòng); đôn đốc, theo dõi UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện khắc phục phòng học tạm, phòng học nhờ tại các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn.

- Thực hiện bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; bồi dưỡng nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ cho giáo viên đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm; bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên. Thực hiện tốt chính sách phát triển đội ngũ, tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập theo quy định. Nâng cao chất lượng công tác đánh giá giáo viên gắn với thi đua, khen thưởng nhằm động viên đội ngũ nhà giáo chuyên tâm với nghề.

- Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng các hoạt động trải nghiệm, nghiên cứu khoa học và rèn luyện kỹ năng thực hành. Đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức dạy học đồng bộ với đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện theo hướng phát triển năng lực học sinh. Rút kinh nghiệm công tác tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019, chuẩn bị tốt cho việc triển khai kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2020.

- Chú trọng việc giáo dục lịch sử, truyền thống văn hóa địa phương gắn với phát triển du lịch của tỉnh; tiếp tục triển khai Hướng dẫn liên tịch số 73/HD- BGDĐT-BVHTTDL ngày 16/01/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về sử dụng di sản văn hóa trong dạy học ở trường phổ thông.

- Đẩy mạnh công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông; nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ, tham mưu giải quyết những bất cập đối với việc dạy ngoại ngữ trong trường tiểu học; tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế.

- Đảm bảo an ninh, an toàn trường học; chú trọng xây dựng môi trường văn hóa học đường ngày càng tốt đẹp; tăng cường giáo dục đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, kết hợp với thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, phát huy vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trong việc giáo dục, rèn luyện học sinh; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, dân chủ, kỷ cương.

- Tăng cường công tác phối hợp và thường xuyên trao đổi thông tin giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong quản lý, giáo dục học sinh; xây dựng cơ chế phối hợp và trao đổi thông tin giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong quản lý, theo dõi quá trình học tập, rèn luyện và giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh.

- Hướng dẫn các nhà trường sử dụng các khẩu hiệu trường học phù hợp, thống nhất; thực hiện đặt tên gọi lớp học đơn giản, khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế nhà trường, khuyến khích cách đặt tên lớp học truyền thống (sử dụng chữ cái la-tinh A, B, C...).

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; tăng cường triển khai giải pháp tuyển sinh trực tuyến đầu cấp học và sử dụng hồ sơ điện tử (sổ điểm, học bạ, sổ liên lạc).

- Chỉ đạo, hướng dẫn các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng tiếp tục đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo và đánh giá kết quả học tập theo hướng phát triển năng lực người học; duy trì, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục, đào tạo và dạy nghề.

- Tiếp tục chỉ đạo các nhà trường tăng cường trồng hoa, cây cảnh, cây bóng mát, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp; giữ gìn vệ sinh trường lớp, đặc biệt là tại các khu nhà vệ sinh. Các trường có bếp ăn bán trú phải sử dụng thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong nhà trường.

- Chỉ đạo, theo dõi các nhà trường thực hiện nghiêm quy định về dạy thêm, học thêm; quy định về thu, quản lý thu, chi trong các cơ sở giáo dục. Xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra tình trạng dạy thêm, học thêm và thu, chi không đúng quy định.

- Đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giáo dục các cấp; nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra nội bộ của các cơ sở giáo dục. Tăng cường thanh tra quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, xử lý nghiêm các sai phạm và thông báo công khai trước công luận.

- Tổ chức Lễ khai giảng thống nhất trên toàn tỉnh vào ngày 05/9/2019. Chương trình Lễ khai giảng có các nghi thức: Đón học sinh đầu cấp, chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước; có thể tổ chức một số hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phù hợp; không đọc báo cáo về tình hình hoạt động của nhà trường; bảo đảm sức khỏe của học sinh và bảo vệ môi trường.

- Hướng dẫn, theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện Chỉ thị, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định.

3. Các sở, ban, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, có trách nhiệm phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc bảo đảm các điều kiện thực hiện nhiệm vụ năm học 2019-2020.

4. UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện quản lý nhà nước theo thẩm quyền về giáo dục và đào tạo trên địa bàn; triển khai thực hiện tốt các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch về giáo dục đào tạo; phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2019-2020.

- Bổ sung, xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học, các phòng chức năng, bếp ăn, nhà vệ sinh, công trình nước sạch và mua sắm bổ sung các thiết bị dạy học còn thiếu tại các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn. Trong năm học 2019-2010 khắc phục 865 phòng học bán kiên cố, phòng học tạm, phòng học nhờ trên địa bàn (thành phố Hưng Yên 41 phòng, Tiên Lữ 29 phòng, Phù Cừ 63 phòng, Kim Động 31 phòng, Ân Thi 117 phòng, Yên Mỹ 107 phòng, Mỹ Hào 37 phòng, Văn Lâm 132 phòng, Văn Giang 95 phòng, Khoái Châu 213 phòng).

- Chỉ đạo nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục THCS tại 69 xã chưa đạt phổ cập giáo dục THCS mức độ 3 (thành phố Hưng Yên 02 xã, Kim Động 10 xã, Tiên Lữ 02 xã, Phù Cừ 01 xã, Khoái Châu 16 xã, Ân Thi 12 xã, Mỹ Hào 06 xã, Yên Mỹ 10 xã, Văn Giang 06 xã, Văn Lâm 04 xã).

[...]