Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2018 về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2018-2019 của ngành giáo dục và đào tạo thành phố Hà Nội
Số hiệu | 10/CT-UBND |
Ngày ban hành | 25/10/2018 |
Ngày có hiệu lực | 25/10/2018 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Thành phố Hà Nội |
Người ký | Nguyễn Đức Chung |
Lĩnh vực | Giáo dục |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/CT-UBND |
Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 2018 |
VỀ NHIỆM VỤ CHỦ YẾU NĂM HỌC 2018 - 2019 CỦA NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Thực hiện Chỉ thị số 2919/CT-BGDĐT ngày 10/8/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2018 - 2019 của ngành Giáo dục, Kế hoạch số 09-KH/BCĐ ngày 29/3/2018 của Thành ủy Hà Nội về việc chỉ đạo thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy về Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh năm 2018, Kế hoạch số 165/KH-UBND ngày 31/8/2016 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy; căn cứ tình hình thực tiễn, nhằm tiếp tục thực hiện tốt công tác đổi mới giáo dục và đào tạo, tăng cường nền nếp, kỷ cương và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường, cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, tổ chức xã hội thực hiện tốt những nhiệm vụ chủ yếu trong năm học 2018 - 2019, cụ thể như sau:
Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tổ chức quán triệt và chỉ đạo các đơn vị giáo dục và đào tạo trên địa bàn Thành phố thực hiện nghiêm Chỉ thị số 2919/CT-BGDĐT ngày 10/8/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó tập trung vào các nội dung:
a) Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo
Tiếp tục rà soát bổ sung, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo đáp ứng các chuẩn, quy chuẩn gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hệ thống mạng lưới trường học trên địa bàn Thành phố; rà soát nhu cầu xây dựng trường học để thực hiện các chỉ tiêu theo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy và Kế hoạch số 165/KH-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố, quan tâm phát triển trường, lớp mầm non ở khu công nghiệp, khu chế xuất.
Đề xuất xây dựng phương án, giải pháp công nhận mới, công nhận lại trường học đạt chuẩn quốc gia đến năm 2020 và giải quyết việc thiếu trường, lớp học tại một số địa phương, nhất là các quận trung tâm. Đánh giá kết quả xây dựng và đề xuất giải pháp xây dựng trường chất lượng cao đến năm 2020; quan tâm việc sửa chữa, nâng cấp trường học, hệ thống nhà vệ sinh, cây xanh, tạo dựng môi trường sư phạm xanh, sạch, đẹp, an toàn.
b) Tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo
Chuẩn bị chu đáo các điều kiện, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo kế hoạch.
Triển khai hiệu quả Đề án thực hiện Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2018 - 2020 theo Quyết định số 4019/QĐ-UBND ngày 06/8/2018 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.
c) Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục
Tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo; thực hiện đúng quy chế làm việc và văn hóa công sở theo Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT ngày 07/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời định hướng theo chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập. Xây dựng trường học văn hóa; triển khai thực hiện hiệu quả việc tuyên truyền Quy tắc ứng xử nơi công cộng trong hệ thống giáo dục phổ thông của Thành phố. Chú trọng bồi dưỡng, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nhà giáo, lòng yêu nghề và ý thức giữ gìn sự cao quý của nghề giáo; không để xảy ra các vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo trong các nhà trường.
Phối hợp Sở Nội vụ, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên gắn với việc bảo đảm các quy định về định mức số lượng giáo viên đối với các cấp học và trình độ đào tạo, phù hợp với việc rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại một cách hợp lý hệ thống, quy mô trường, lớp.
Lựa chọn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông cốt cán theo chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên để thực hiện bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, ưu tiên bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy lớp 1.
Thực hiện nghiêm quy định về đánh giá, xếp loại hàng tháng đối với công chức viên chức, lao động hợp đồng làm việc trong các đơn vị, cơ sở giáo dục công lập theo Quyết định số 3814-QĐ/TU ngày 16/5/2018 của Thành ủy Hà Nội.
d) Đổi mới giáo dục giáo dục mầm non, phổ thông; đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông
Tiếp tục quan tâm, chú trọng việc bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia và quốc tế, song song với việc nâng cao chất lượng đại trà. Tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức tuân thủ pháp luật, tinh thần yêu lao động, yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường cho học sinh nhằm kiềm chế, kiểm soát và ngăn chặn các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực học đường. Tiếp tục triển khai giảng dạy bộ tài liệu Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội; triển khai giảng dạy đại trà bộ tài liệu Giáo dục an toàn giao thông cho học sinh phổ thông; kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trong trường phổ thông. Quan tâm việc phát triển và hoàn thiện mô hình phòng Tư vấn tâm lý học đường trong các trường phổ thông.
Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đổi mới nội dung, hình thức giáo dục hướng nghiệp gắn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh tại từng địa phương, làm tốt công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở.
đ) Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo
Triển khai thực hiện Nghị định số 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục; triển khai hiệu quả các thỏa thuận, các chương trình học bổng hiệp định.
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc thí điểm đào tạo chương trình song bằng trung học phổ thông quốc gia Việt Nam và chứng chỉ A Level của đại học Cambridge tại Trường Trung học phổ thông Chu Văn An, Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam; chương trình song bằng trung học cơ sở và chứng chỉ IGCSE tại 06 trường trung học cơ sở và khối trung học cơ sở thuộc Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam; tổ chức tốt các kỳ thi học sinh giỏi có sự tham gia của học sinh quốc tế tại Hà Nội (kỳ thi Toán học Hà Nội mở rộng HOMC năm 2019; Olympic Toán và Khoa học quốc tế - IMSO lần thứ 16 năm 2019).
e) Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao
Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chương trình số 04-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy Hà Nội về Phát triển văn hóa - xã hội nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2016 - 2020, trong đó chỉ tiêu xây dựng trường chất lượng cao đến năm 2020 là 20 trường công lập. Đến thời điểm này, toàn Thành phố đã công nhận được 16 trường, gồm 11 trường công lập, 05 trường ngoài công lập. Phấn đấu rà soát, xây dựng thêm 09 trường theo đúng chỉ tiêu kế hoạch của Thành phố.
Phát triển các chương trình đào tạo theo hướng tiệm cận với chuẩn khu vực và quốc tế, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
g) Tăng cường công tác khảo thí, kiểm định chất lượng giáo dục
Tham gia tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, thực hiện điều chỉnh về kỹ thuật một số khâu trong quy trình tổ chức theo chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo đảm bảo kết quả thi công bằng, khách quan. Tổ chức, chỉ đạo, triển khai công tác tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông theo hướng đổi mới phương thức thi tuyển sinh đúng theo kế hoạch của Thành phố.