Chỉ thị 11/CT-UBND năm 2018 về tiếp tục nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
Số hiệu | 11/CT-UBND |
Ngày ban hành | 02/07/2018 |
Ngày có hiệu lực | 02/07/2018 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Ninh Thuận |
Người ký | Phạm Văn Hậu |
Lĩnh vực | Tiền tệ - Ngân hàng |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/CT-UBND |
Ninh Thuận, ngày 02 tháng 7 năm 2018 |
Qua hơn một năm triển khai thực hiện hai đề án của Thủ tướng Chính phủ, gồm Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế (được phê duyệt theo Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 05/9/2016) và Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020 (được phê duyệt theo Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016) trên địa bàn tỉnh, mạng lưới giao dịch, cung ứng dịch vụ ngân hàng tiếp tục được mở rộng; công tác tái cơ cấu và xử lý nợ xấu để nâng cao năng lực cung ứng vốn và dịch vụ đạt kết quả bước đầu; số lượng doanh nghiệp, cá nhân quan hệ tín dụng và sử dụng dịch vụ của các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng; năng lực và hiệu quả hoạt động của các Điểm giao dịch xã Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa được nâng lên. Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt đã từng bước phát triển, nâng cao chất lượng, đảm bảo giao dịch nhanh chóng, an toàn, chính xác; các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, đa tiện ích ngày càng đa dạng và phát triển; số lượng máy giao dịch tự động (ATM) và máy chấp nhận thanh toán thẻ (POS) được lắp đặt ngày càng nhiều và hầu hết đã được kết nối liên thông; các ngân hàng thực hiện giải ngân vốn vay cho khách hàng thông qua tài khoản, đồng thời thực hiện việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước đã góp phần đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn.
Việc triển khai thực hiện hai đề án nêu trên tuy đạt được một số kết quả bước đầu nhưng còn thấp so với mục tiêu kế hoạch đề ra. Việc mở rộng mạng lưới giao dịch và cung ứng dịch vụ tại địa bàn nông thôn còn hạn chế; tiến độ xử lý nợ xấu còn chậm và nhiều khó khăn; việc triển khai các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận tín dụng và sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng chưa quyết liệt và đồng bộ, nhất là khâu thông tin, tuyên truyền và công khai, minh bạch thông tin tín dụng. Đối với phát triển thanh toán không dùng tiền mặt: cơ sở hạ tầng thanh toán phát triển và phân bổ chưa đồng đều, tập trung chủ yếu ở khu vực thành thị; công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá và hỗ trợ khách còn hạn chế nên chưa thu hút được nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ; thói quen, tâm lý sử dụng tiền mặt trong thanh toán của đại bộ phận người dân còn phổ biến.
Để tiếp tục nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế và đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau:
1. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh:
a) Tổ chức rà soát, đánh giá toàn diện sự phát triển dịch vụ ngân hàng (DVNH) trên địa bàn, nắm bắt phương án, kế hoạch triển khai từ trụ sở chính của các TCTD để có kế hoạch chỉ đạo cụ thể đến từng đơn vị của TCTD trên địa bàn phù hợp với đặc điểm, trình độ phát triển kinh tế địa phương. Nắm bắt kịp thời những phản ánh kiến nghị từ người dân và doanh nghiệp về sản phẩm và chất lượng sản phẩm dịch vụ ngân hàng của TCTD, để xử lý, đề xuất xử lý. Phối hợp với các Sở, ngành liên quan trong việc chỉ đạo các đơn vị cung cấp dịch vụ phối hợp với các Ngân hàng thương mại triển khai hình thức thanh toán qua tài khoản ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt;
b) Chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các TCTD trên địa bàn:
- Triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương, nhất là chương trình tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng với thủ tục đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư ở nông thôn, hỗ trợ tích cực công tác xóa đói, giảm nghèo, công tác xây dựng nông thôn mới; chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở trong quá trình cung ứng dịch vụ tại khu vực nông thôn;
- Cải tiến quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật; cải tiến quy trình gửi tiết kiệm, quy trình dịch vụ chuyển tiền, kiều hối, dịch vụ thẻ, dịch vụ tiền mặt và các dịch vụ thanh toán khác. Công bố công khai, minh bạch cụ thể rõ ràng trên trang thông tin điện tử của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh và các hình thức phù hợp khác về thủ tục cho vay, cung cấp dịch vụ đối với khách hàng, bao gồm: trình tự các bước thực hiện, yêu cầu, thành phần, số lượng hồ sơ, thời hạn giải quyết, lãi suất cho vay, các loại phí dịch vụ;
- Nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật, các chỉ đạo có liên quan của Trung ương và địa phương về hoạt động thanh toán nói chung, thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng; ban hành các văn bản quy định về quy trình nghiệp vụ, quản trị rủi ro về hoạt động thanh toán theo quy định của pháp luật, đồng thời tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán;
- Chú trọng phát triển sản phẩm dịch vụ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội về dịch vụ, tiện ích ngân hàng thông qua triển khai, ứng dụng các dịch vụ thanh toán mới, hiện đại, chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng và công nghệ, góp phần thúc đẩy thương mại điện tử phát triển và đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán của khách hàng; cải tiến, đổi mới quy trình, thủ tục cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, công khai, minh bạch, tăng cường thông tin, hướng dẫn về các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, xử lý kịp thời khó khăn, vướng mắc phát sinh để nâng cao chất lượng phục vụ. Bố trí mạng lưới ATM, POS và thực hiện tốt công tác giám sát nhằm đảm bảo hoạt động của hệ thống ATM, POS chất lượng, an toàn và thuận tiện;
- Vận hành có hiệu quả hệ thống quản lý rủi ro, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ và tự giám sát chất lượng dịch vụ để đảm bảo việc tuân thủ thực hiện đầy đủ các quy định, kịp thời phát hiện và nhanh chóng khắc phục những vấn đề tồn tại liên quan đến chất lượng dịch vụ;
- Xây dựng, áp dụng cơ chế nội bộ về chăm sóc khách hàng để xử lý kịp thời, thỏa đáng các phản ánh, khiếu nại của khách hàng về chất lượng và giá cả dịch vụ; duy trì và phát triển văn hóa giao dịch văn minh, lịch sự, niềm nở với khách hàng;
- Đối với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh (NHCSXH): Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 67-CT/TU ngày 23/4/2015 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Kế hoạch số 2360/KH-UBND ngày 09/6/2015 của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Thực hiện cho vay các chương trình tín dụng chính sách gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững... Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các Điểm giao dịch xã của NHCSXH, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ, hỗ trợ có hiệu quả hơn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cung ứng các sản phẩm nhận tiền gửi tiết kiệm có giá trị nhỏ theo đặc thù riêng của NHCSXH, tạo điều kiện cho người nghèo có thể tiết kiệm tạo lập vốn tự có, từng bước tiếp cận và đẩy mạnh nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố trong triển khai các chương trình, dự án sản xuất kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu, các chương trình chuyển giao công nghệ, khuyến nông, khuyến lâm, định hướng thị trường... giúp người vay sử dụng vốn có hiệu quả để thoát nghèo bền vững;
c) Tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả Đề án tái cơ cấu lại, Đề án xử lý nợ xấu của các TCTD, đặc biệt là nợ xấu của TCTD yếu kém, phấn đấu duy trì bền vững tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 3% tổng dư nợ; Đề án củng cố, phát triển hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân đến năm 2020 nhằm phát triển bền vững hệ thống TCTD trên địa bàn theo hướng hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả vững chắc nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng của nền kinh tế;
d) Định hướng, có ý kiến về phát triển mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch của các TCTD phù hợp, khuyến khích các TCTD thành lập chi nhánh, phòng giao dịch tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các khu, cụm công nghiệp, phù hợp với nhu cầu kinh tế địa phương và định hướng kinh doanh của TCTD;
đ) Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, bảo đảm môi trường thông thoáng để các TCTD thuận lợi trong việc đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ tài chính cung ứng cho nền kinh tế, đồng thời kiểm soát được rủi ro cho các TCTD. Tập trung thanh tra, giám sát những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về hoạt động tín dụng, các trường hợp cán bộ, công chức gây khó khăn, nhũng nhiễu doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, tội phạm ngành Ngân hàng; công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo;
e) Đẩy mạnh công tác truyền thông về ngành ngân hàng, công khai minh bạch và thông tin rộng rãi bằng nhiều hình thức phù hợp nhằm nâng cao hiểu biết về dịch vụ tài chính - ngân hàng cho các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp, quảng bá sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đến đông đảo người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng thanh toán điện tử phục vụ chi tiêu công; tiếp tục chi thanh toán cá nhân cho đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc diện bắt buộc phải chuyển khoản.
a) Tham mưu UBND tỉnh trong việc hoàn thiện, tăng cường kết nối, phối hợp với Kho bạc Nhà nước, hệ thống ngân hàng đẩy mạnh triển khai phương thức nộp thuế điện tử. Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, doanh nghiệp, người dân thực hiện đa dạng, linh hoạt các dịch vụ thanh toán điện tử trong việc khai thuế, nộp thuế điện tử;
b) Phối hợp các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích ưu đãi về thuế, ưu đãi về tiền thuê đất, thuê mặt nước nhằm hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thanh toán để cung ứng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy phát triển thanh toán qua POS.
a) Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển thương mại tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2016 - 2020, Chương trình Xúc tiến thương mại tỉnh Ninh Thuận hàng năm nhằm góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ thương mại điện tử, tạo lập nền tảng cho phát triển các dịch vụ thanh toán điện tử;
b) Triển khai thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận, biên bản hợp tác, phối hợp giữa các Sở, ban ngành liên quan để đẩy mạnh phát triển thanh toán điện tử; các cơ chế, chính sách của Chính phủ, các Bộ ngành về khuyến khích các cơ sở bán lẻ hàng hóa, dịch vụ chấp nhận và sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử; khuyến khích thanh toán điện tử trong thương mại điện tử và khách hàng chấp nhận thanh toán điện tử;
c) Phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.