Chỉ thị 15/CT-UBND năm 2020 về đẩy mạnh triển khai giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt do tỉnh Bình Định ban hành

Số hiệu 15/CT-UBND
Ngày ban hành 25/08/2020
Ngày có hiệu lực 25/08/2020
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Định
Người ký Nguyễn Phi Long
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/CT-UBND

Bình Định, ngày 25 tháng 8 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH TRIỂN KHAI CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH

Thực hiện Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam; để thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt đảm bảo thực hiện đạt các mục tiêu đã đề ra trong giai đoạn 2016 – 2020 trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan tập trung triển khai quyết liệt một số nội dung sau:

1. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 ban hành theo Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 3126/QĐ-UBND ngày 14/6/2018 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2018-2020; Quyết định số 852/QĐ-UBND ngày 18/3/2019 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 và Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

2. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh:

a) Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các ngân hàng thương mại trên địa bàn nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật về hoạt động thanh toán nói chung, thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng; tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.

b) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử, trung gian thanh toán, đảm bảo hoạt động an ninh, an toàn, hiệu quả; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo thẩm quyền.

3. Sở Công Thương:

Vận động, khuyến khích các cơ sở bán lẻ hàng hoá, dịch vụ trên địa bàn chấp nhận, sử dụng phương tiện thanh toán điện tử; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các chính sách, hình thức động viên người tiêu dùng sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt và hỗ trợ khách hàng thực hiện các dịch vụ thanh toán điện tử khi có giao dịch.

4. Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan tỉnh:

a) Sở Tài chính tiếp tục phối hợp với Kho bạc Nhà nước tỉnh đẩy mạnh việc thanh toán điện tử phục vụ chi tiêu công; hướng dẫn về cơ chế tài chính của các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh trong việc chi trả phí dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

b) Tăng cường kết nối, trao đổi thông tin dữ liệu giữa Kho bạc Nhà nước, Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan với hệ thống ngân hàng để phục vụ yêu cầu phối hợp thu, nộp ngân sách Nhà nước bằng phương thức điện tử.

c) Cục Hải quan tỉnh hỗ trợ các ngân hàng thương mại kiểm soát hồ sơ thu nộp ngân sách, tra cứu thông tin tờ khai hải quan, hạn chế rủi ro, sai sót trong thu, nộp ngân sách Nhà nước.

5. Bảo hiểm xã hội tỉnh:

a) Tiếp tục vận động, khuyến khích người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là ở khu vực đô thị.

b) Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường kết nối chia sẻ thông tin (dữ liệu về người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, các chế độ an sinh xã hội) với các ngân hàng thương mại trên địa bàn nhằm phục vụ chi trả các chế độ an sinh xã hội, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua hệ thống ngân hàng.

6. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội:

Tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người thụ hưởng nhận các khoản trợ cấp qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

7. Sở Y tế:

Chỉ đạo các cơ sở y tế, bệnh viện phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn để thu phí dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ.

8. Sở Giáo dục và Đào tạo:

a) Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở đào tạo, trường học phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn để thu phí dịch vụ giáo dục bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ.

b) Khuyến khích các cơ sở đào tạo, trường học xây dựng, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật để kết nối, chia sẻ thông tin với ngân hàng, thực hiện thu học phí bằng phương thức điện tử.

9. Sở Giao thông vận tải:

Khuyến khích các đơn vị thuộc đối tượng quản lý phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn phát triển các loại thẻ đa dụng, đa năng, thẻ phi vật lý, thẻ không tiếp xúc để thu phí cầu đường, mua xăng dầu, mua vé tàu, xe...

10. Công an tỉnh:

a) Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, các Sở, ban, ngành liên quan và các ngân hàng thương mại trên địa bàn trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn; phát hiện phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thanh toán điện tử và các lĩnh vực khác có sử dụng công nghệ cao.

[...]