Chỉ thị 10318/CT-BNN-QLCL năm 2014 thực hiện biện pháp cấp bách kiểm soát tồn dư hóa chất kháng sinh trong sản xuất và xuất khẩu thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Số hiệu | 10318/CT-BNN-QLCL |
Ngày ban hành | 25/12/2014 |
Ngày có hiệu lực | 25/12/2014 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Bộ Nông nghệp và phát triển nông thôn |
Người ký | Cao Đức Phát |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
BỘ
NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10318/CT-BNN-QLCL |
Hà Nội, ngày 25 tháng 12 năm 2014 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH KIỂM SOÁT TỒN DƯ HÓA CHẤT KHÁNG SINH TRONG SẢN XUẤT VÀ XUẤT KHẨU THỦY SẢN
Trong thời gian qua, các nước nhập khẩu liên tiếp cảnh báo các lô hàng thủy sản của Việt Nam vi phạm các quy định về hóa chất kháng sinh không đảm bảo an toàn thực phẩm. Theo số liệu thống kê từ đầu năm 2014 đến nay, đã có 29 lô hàng thủy sản nuôi bị cảnh báo là chỉ tiêu Oxytetracycline vượt mực giới hạn cho phép tại EU, Nhật Bản, 18 lô bị cảnh báo nhiễm chất cấm Nitrofurazone tại EU. Số liệu thống kê trên cho thấy tình trạng sử dụng kháng sinh cấm và tình trạng lạm dụng hóa chất, kháng sinh hạn chế sử dụng trong quá trình nuôi trồng thủy sản chưa được kiểm soát triệt để.
Ngày 10/12/2014, Tổng vụ Sức khỏe và Người tiêu dùng thuộc Ủy ban châu Âu đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo tình trạng gia tăng đột biến các lô hàng thủy sản của Việt Nam bị cảnh báo vi phạm quy định về hóa chất kháng sinh (trong đó có những doanh nghiệp bị cảnh báo tới 7-8 lô trong năm 2014), đề nghị phía Việt Nam phải có các biện pháp khắc phục khẩn cấp và thông báo lại cho phía EU trước ngày 09/01/2015. Trong trường hợp không nhận được trả lời đúng hạn từ phía Việt Nam, Cơ quan thẩm quyền EU sẽ thực hiện các biện pháp kiểm soát bổ sung để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng EU kể cả việc cấm nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam.
Để giữ vững, mở rộng thị trường và nâng cao uy tín của thủy sản Việt Nam tại các thị trường nhập khẩu, tránh khả năng cơ quan thẩm quyền của các thị trường nhập khẩu áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn, ảnh hưởng đến sản xuất, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ thị:
1. UBND các tỉnh/TP.trực thuộc Trung ương có vùng nuôi thủy sản xuất khẩu: chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở/ngành tại địa phương:
- Thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người nuôi không sử dụng hóa chất kháng sinh cấm, sử dụng đúng cách thuốc thú y trong danh mục được phép lưu hành, đặc biệt là tuân thủ thời gian ngừng sử dụng thuốc thú y trước khi thu hoạch.
- Tổ chức lực lượng thường xuyên giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lưu thông, mua bán, sử dụng hóa chất kháng sinh cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản, thuốc thú y thủy sản không có tên trong danh mục được phép lưu hành.
2. Cục Thú y:
- Có văn bản hướng dẫn cho người nuôi không sử dụng hóa chất kháng sinh cấm, thuốc thú y không có tên trong danh mục được phép lưu hành, sử dụng đúng cách thuốc thú y trong danh mục được phép lưu hành trong quá trình nuôi, trị bệnh cho thủy sản.
- Chỉ đạo Chi cục Thú y các tỉnh/TP trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra trong quá trình lưu thông, mua bán hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y thủy sản. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
- Tổng hợp kết quả thực hiện tại các địa phương và báo cáo về Bộ (thông qua Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản) trước ngày 05/01/2015.
3. Tổng cục Thủy sản:
- Chỉ đạo các Chi cục Thủy sản/Chi cục Nuôi trồng Thủy sản tăng cường kiểm tra trong quá trình sản xuất, lưu thông, mua bán thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản; hướng dẫn người nuôi tại thực địa thực hiện “4 đúng” trong việc sử dụng thuốc thú y trong quá trình nuôi và trị bệnh cho thủy sản. Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về sử dụng hóa chất kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản.
- Đẩy nhanh tiến độ hướng dẫn, áp dụng VietGap trong nuôi trồng thủy sản.
- Tổng hợp kết quả thực hiện tại các địa phương và báo cáo về Bộ (thông qua Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản) trước ngày 05/01/2015.
4. Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản:
- Rà soát các chương trình kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm theo HACCP đặc biệt là chế độ tự kiểm tra, thẩm tra của doanh nghiệp đối với các lô nguyên liệu tiếp nhận để chế biến xuất khẩu.
- Tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện các quy định về sử dụng hóa chất kháng sinh của những cơ sở nuôi cung cấp nguyên liệu. Chỉ thu mua nguyên liệu từ các cơ sở đã được doanh nghiệp giám sát trong quá trình nuôi, trị bệnh.
5. Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội cá tra Việt Nam:
- Phổ biến cho các doanh nghiệp hội viên về tình hình các lô hàng thủy sản xuất khẩu bị cảnh báo vi phạm các quy định về hóa chất, kháng sinh mất an toàn thực phẩm
- Tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về kiểm soát tồn dư hóa chất kháng sinh trong nguyên liệu và sản phẩm xuất khẩu, kiên quyết không xuất khẩu những lô hàng chưa được kiểm soát, đảm bảo quy định về tồn dư hóa chất kháng sinh của nước nhập khẩu.
6. Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản:
- Có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp chế biến có lô hàng bị cảnh báo thực hiện việc truy xuất nguồn gốc, điều tra nguyên nhân lô hàng bị cảnh báo, xây dựng và thực hiện các biện pháp khắc phục. Thẩm tra báo cáo của các doanh nghiệp và tổng hợp kết quả, báo cáo Bộ.
- Nghiên cứu cập nhật danh mục chỉ tiêu bắt buộc phải kiểm tra đối với lô hàng thủy sản xuất khẩu sang thị trường EU và các thị trường khác có liên quan.
- Tổ chức kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, hệ thống tự kiểm soát của cơ sở theo chương trình HACCP, thủ tục truy xuất nguồn gốc, thẩm tra tại nơi cung ứng nguyên liệu của các cơ sở có lô hàng bị cảnh báo.
- Thành lập các đoàn thanh tra, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm, kể cả việc đình chỉ hoạt động của các cơ sở từ 03-06 tháng theo quy định tại Khoản 9 Điều 26 Nghị định 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
- Tổng hợp kết quả thực hiện các nhiệm vụ trong Chỉ thị này, có văn bản thông báo tới cơ quan thẩm quyền EU đúng hạn.