Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2021 về thu hút nguồn lực xã hội cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và nâng cao đời sống nhân dân do tỉnh Cao Bằng ban hành

Số hiệu 10/CT-UBND
Ngày ban hành 15/04/2021
Ngày có hiệu lực 15/04/2021
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Cao Bằng
Người ký Hoàng Xuân Ánh
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/CT-UBND

Cao Bằng, ngày 15 tháng 4 năm 2021

 

CHỈ THỊ

VỀ THU HÚT CÁC NGUỒN LỰC XÃ HỘI CHO NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG BIÊN GIỚI GẮN VỚI BẢO VỆ VỮNG CHẮC CHỦ QUYỀN QUỐC GIA VÀ NÂNG CAO ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN

Khu vực biên giới là khu vực, địa bàn quan trọng, trọng yếu về quốc phòng, an ninh, đồng thời cũng là địa bàn có những điều kiện, cơ sở để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Việc huy động các nguồn lực xã hội cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và nâng cao đời sống nhân dân là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.

Trong thời gian qua, tỉnh Cao Bằng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để khai thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới. Nhiều nguồn lực được huy động để phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh và bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển,...Hệ thống chính trị khu vực biên giới luôn được quan tâm xây dựng vững mạnh. Đời sống của đồng bào các dân tộc từng bước được nâng lên, lòng tin của nhân dân với Đảng ngày càng được củng cố, tăng cường.

Tuy vậy, việc thu hút đầu tư phát triển khu vực biên giới còn gặp nhiều khó khăn, kém hiệu quả; nhu cầu đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội lớn, nguồn lực đầu tư vẫn chủ yếu là từ nguồn ngân sách nhà nước; đời sống của nhân dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, các hủ tục chưa được xóa bỏ triệt để. Các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; sự xâm nhập và mở rộng của các tôn giáo đã, đang làm ảnh hưởng đến tâm tư tình cảm, đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc; hoạt động di cư tự do, vi phạm Quy chế biên giới, lừa bán, bắt cóc phụ nữ; mua, bán người; tình trạng người dân sang Trung Quốc cư trú, làm thuê trái phép vẫn còn xảy ra.

Để kịp thời thực thi đồng bộ các cơ chế, chính sách nhằm thu hút tối đa nguồn lực xã hội tham gia phát triển kinh tế - xã hội các vùng biên giới gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 15/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về thu hút các nguồn lực xã hội cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới đất liền, trên biển và hải đảo, gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và nâng cao đời sống nhân dân, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành,

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố (gọi tắt là các đơn vị) triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như sau:

1. Mục tiêu

Phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các nguồn lực xã hội xã hội tham gia vào đầu tư phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh khu vực biên giới. Từng bước hiện đại hóa công tác quản lý biên giới; hỗ trợ người dân, các cơ quan, tổ chức, cá nhân làm việc, sinh sống ở khu vực biên giới, tập trung vào vấn đề định canh, định cư, ổn định sinh kế, giảm tình trạng di cư tự do; giảm đói, nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với quản lý các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường.

2. Nhiệm vụ

Rà soát, đánh giá hệ thống các cơ chế chính sách hiện có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến nhiệm vụ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới; kịp thời thực hiện hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền thực hiện sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ, ban hành mới các cơ chế chính sách bảo đảm phù hợp, khuyến khích mọi nguồn lực xã hội cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới, gắn với củng cố quốc phòng, an ninh.

Hằng năm, thực hiện tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh việc triển khai thực hiện Chỉ thị; đề xuất kế hoạch, giải pháp nhằm thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra phù hợp với tình hình thực tế, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, điều kiện thuận lợi cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, gắn với củng cố quốc phòng, an ninh, kết hợp quản lý nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Đến năm 2025 tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh về sơ kết việc thực hiện mục tiêu của Chỉ thị này; trong đó, đề xuất biện pháp thực hiện đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách cùng với việc xây dựng, thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm, trước mắt là giai đoạn 2026-2030.

3. Giải pháp

Hướng dẫn, triển khai thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, các chương trình dự án có liên quan nhằm phát huy hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển khu vực biên giới.

Lồng ghép nhiệm vụ huy động các nguồn lực xã hội tham gia phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia với việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia từng giai đoạn nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án có tính lan tỏa nhằm kích thích sự phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới, tạo tiền đề, môi trường thuận lợi để nhân dân và các nhà đầu tư tích cực tham gia đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, hiện thực hóa chủ trương thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển khu vực biên giới.

4. Tổ chức thực hiện

a) Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan, rà soát các cơ chế, chính sách, các chương trình, dự án có liên quan đến thu hút đầu tư phát triển các khu vực biên giới. Hướng dẫn các đơn vị thực hiện việc rà soát, đánh giá, đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, ban hành mới các cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện thu hút tối đa nguồn lực xã hội cho đầu tư xây dựng kinh tế - xã hội khu vực biên giới. Đề xuất các giải pháp tăng cường, nâng cao hiệu quả thi hành các văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế chính sách thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới. Hằng năm chủ trì tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị này, tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.

- Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát, đánh giá tình trạng sạt lở các mốc quốc giới, bờ sông, bờ suối biên giới; tham mưu cho UBND tỉnh triển khai việc xây dựng các công trình kè sông, suối biên giới, kè bảo vệ mốc giới, kè bảo vệ đường biên giới tại các khu vực dễ sạt lở, có khả năng ảnh hưởng đến nhiệm vụ quốc phòng, an ninh cần đầu tư khẩn cấp.

- Năm 2025 chủ trì báo cáo sơ kết việc thực hiện Chỉ thị này; đồng thời, tổng hợp đề xuất biện pháp thực hiện đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách trong quá trình xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn 2026-2030.

b) Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu thực hiện:

- Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài và hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước có liên quan tới đầu tư phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới.

- Bố trí nguồn lực cho các chính sách, chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới theo chủ trương “kết hợp quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế; phát triển kinh tế với quốc phòng, an ninh”.

c) Bộ chỉ huy quân sự tỉnh và Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện nhiệm vụ quân sự quốc phòng, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ gắn với phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; tăng cường nguồn lực đầu tư các cho vùng biên giới nằm trong quy hoạch của quốc phòng, tránh chồng chéo, phân tán; đề xuất việc tiếp tục triển khai các tuyến của đường tuần tra biên giới, đường ra các mốc quốc giới.

- Phối hợp với Sở Ngoại vụ và các đơn vị liên quan: Tiếp tục đàm phán với Trung Quốc để giải quyết các vấn đề tồn đọng, vướng mắc về biên giới. Lập dự án, đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm đối với nhiệm vụ xây dựng các công trình bảo vệ biên giới, nhằm bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kinh tế - xã hội.

[...]