Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2021 về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực nhằm phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh

Số hiệu 06/CT-UBND
Ngày ban hành 26/04/2021
Ngày có hiệu lực 26/04/2021
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Nguyễn Thành Phong
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/CT-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 4 năm 2021

 

CHỈ THỊ

VỀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ, KHAI THÁC, SỬ DỤNG VÀ PHÁT HUY CÁC NGUỒN LỰC NHẰM PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI THÀNH PHỐ

Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15 tháng 01 năm 2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế; Kế hoạch số 350/KH-TU ngày 20 tháng 3 năm 2020 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về lãnh đạo nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế; Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15 tháng 01 năm 2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế; Kết luận số 77-KL/TW ngày 05 tháng 6 năm 2020 của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước; Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Thành phố cần tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa ngăn chặn, xử lý tốt tình hình dịch bệnh Covid-19, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thành phố nhanh và bền vững, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh trong mọi tình huống.

Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ và Thành ủy và thực tiễn tình hình phát triển kinh tế - xã hội, Thành phố đã phân tích, đánh giá tác động chi tiết các nguồn lực hiện có. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn phụ trách, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu Thủ trưởng các sở - ban - ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện, các doanh nghiệp thuộc Thành phố khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực nhằm phát triển kinh tế - xã hội Thành phố như sau:

I. ĐÁNH GIÁ MỘT SỐ NGUỒN LỰC CỦA THÀNH PHỐ

1. Nguồn lực về đất đai

Diện tích đất Thành phố là 209.570 ha (chiếm 0,6% diện tích cả nước), được phân chia thành 03 nhóm: đất nông nghiệp là 111.958 ha (chiếm 53,43%), đất phi nông nghiệp là 96.551 ha (chiếm 46,08%) (trong đó, đất ở là 29.258 ha, đất phát triển khu công nghiệp và khu chế xuất là 3.706 ha; đất cụm công nghiệp 233ha; đất xây dựng cơ sở hạ tầng 26.002 ha; trong đó đất giáo dục 2.195 ha, đất y tế 309 ha, đất văn hóa 769 ha,...) và đất chưa sử dụng là 1.031 ha (chiếm 0,49%). Cơ cấu sử dụng đất đai Thành phố chuyển dịch theo hướng mở rộng quỹ đất phát triển kết cấu hạ tầng, công nghiệp, dịch vụ, xây dựng đô thị, đất có rừng, gn với việc khoanh định hợp lý diện tích đất sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch[1], từng bước đưa đất đai trở thành nguồn lực tài chính quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội Thành phố[2].

Thành phố đã có nhiều giải pháp nhằm xây dựng và phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ công nghệ sinh học trong phát triển giống cây trồng, giống vật nuôi chất lượng cao, từng bước hình thành trung tâm giống cây trồng, giống vật nuôi, dịch vụ phát triển nông nghiệp và công nghiệp chế biến. Thành phố đã lập và phê duyệt “Quy hoạch sản xuất nông nghiệp phát triển nông thôn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”, tạo cơ sở khoanh định hợp lý quỹ đất nông nghiệp theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Thành phố. Diện tích đất dành cho lâm nghiệp chiếm 17,03% (tỷ lệ che phủ rừng là 15,97%). Đất rừng phòng hộ, đặc dụng chiếm 16,77% và tập trung chủ yếu tại huyện Cần Giờ, nguồn lực chính để sử dụng và phát huy về môi trường, cảnh quan và nghiên cứu khoa học. Đất rừng sản xuất chiếm 0,26% và tập trung tại vùng đất phèn thuộc huyện Bình Chánh, trồng cây gỗ nhỏ (cây Keo, Tràm nước...) tuy giá trị kinh tế mang lại không cao nhưng có đóng góp không nhỏ vào mảng xanh chung của Thành phố.

Trong những năm qua, cùng với việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng, đã góp phần tăng nhanh diện tích đất ở, từng bước giải quyết nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp nhân dân, nhất là công nhân, sinh viên, người có thu nhập thấp. Đất phục vụ sản xuất kinh doanh ngày càng tăng (từ năm 2016 đến nay, Thành phố đã giải quyết thu hồi, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho hom 140 dự án với tổng diện tích đất gần 1.000 ha); tăng cường quản lý việc sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, từng bước hạn chế tình trạng sử dụng đất lãng phí, sai mục đích của một số doanh nghiệp, tổ chức; đẩy mạnh đầu tư phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao theo quy hoạch để phát huy lợi thế cạnh tranh của Thành phố.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất giai đoạn 2015-2020, Thành phố đã tiến hành di dời, ngưng sản xuất chuyển đổi công nghệ để xử lý ô nhiễm 256 cơ sở sản xuất[3] trong nội thành vào các khu công nghiệp tập trung hoặc chuyển đổi mục đích sang dịch vụ, góp phần tăng nguồn thu ngân sách, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường, từng bước làm thay đổi diện mạo đô thị; quá trình di dời đã có các giải pháp hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, việc làm của công nhân.

2. Nguồn lực về con người

Lực lượng lao động Thành phố là 4,7 triệu người, chiếm 8,7% lao động cả nước. Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 85%, tỷ lệ lao động có trình độ đại học trở lên là 18,8%, cao hơn cả nước (cả nước là 10,6%), đây là cơ sở quan trọng góp phần đưa năng suất lao động của Thành phố gấp 2,6 lần của cả nước. Thị trường lao động tiếp tục phát triển; xã hội hóa hoạt động đào tạo nghề được đẩy mạnh gn với nhu cầu lao động của doanh nghiệp, chú trọng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo. Thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy, kết nối cung - cầu lao động thông qua tổ chức hiệu quả các phiên sàn giao dịch việc làm, ngày hội việc làm, hỗ trợ người lao động tự tạo việc làm (khởi nghiệp), đi làm việc ở nước ngoài[4]. Ngoài ra, Thành phố chú trọng công tác dự báo nhu cầu lao động và phát triển mạng lưới thông tin thị trường lao động tại các đơn vị giới thiệu việc làm, cơ sở đào tạo, phường - xã, thị trấn và doanh nghiệp; giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nguồn nhân lực của Thành phố không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ - kỹ thuật, tay nghề công nhân, người lao động là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc tạo ra năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người lao động; nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế; góp phần tích cực thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Đội ngũ trí thức đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng những luận cứ khoa học cho việc hoạch định các chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh, góp phần làm rõ nhiều vấn đề thực tiễn; đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí và bồi dưỡng nhân tài; từng bước nâng cao trình độ khoa học và công nghệ vươn lên tiếp cận với trình độ của khu vực và thế giới, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới. Một số hoạt động của đội ngũ trí thức như: hiến kế nhằm phát triển kinh tế - xã hội Thành phố; thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội và môi trường đô thị; tư vấn, phản biện, giám định xã hội; xây dựng mô hình hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Một số lượng không nhỏ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài đã về nước làm việc, hoạt động có hiệu quả trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước và Thành phố. Ngoài ra, đội ngũ trí thức đang làm việc tại các đơn vị như Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Công viên phần mềm Quang Trung, Trung tâm Công nghệ Sinh học, Viện Khoa học và Công nghệ tính toán đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của Thành phố trong thời gian qua.

Hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo cũng từng bước được mở rộng. Thời gian qua, Thành phố đã thu hút được các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư... tham gia vào các hoạt động kết nối, tạo ra bước phát triển mạnh mẽ cho hoạt động hỗ trợ ươm tạo và đổi mới sáng tạo. Thành phố đã có một bước tiến vượt bậc trong hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ để thu hút nguồn lực nước ngoài phục vụ phát triển khoa học và công nghệ với 153 tổ chức quốc tế từ Mỹ, Canada, Anh, Đức, Thụy Điển, Phần Lan, Hàn Quốc, New Zealand,... ký kết và tham gia hỗ trợ các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu, vườn ươm doanh nghiệp và tổ chức khoa học và công nghệ trên địa bàn Thành phố trong các hoạt động về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hoạt động nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ và tập huấn, đào tạo về khoa học và công nghệ.

3. Vai trò chuyển đổi số và xây dựng Thành phố trở thành đô thị thông minh

Các quốc gia trên thế giới đã và đang tiến hành xây dựng đô thị thông minh, thúc đẩy chuyển đổi số, Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng không nằm ngoài xu hướng đó. Việc chuyển đổi số đã góp phần thúc đẩy cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, góp phần xây dựng đô thị thông minh.

Đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025” công bố ngày 23 tháng 11 năm 2017 được triển khai mạnh mẽ, góp phần đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính, phục vụ tốt nhân dân và doanh nghiệp. Việc triển khai thực hiện Đề án được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Ban Chỉ đạo, Ban Điều hành Đề án. Đồng thời, Đề án nhận được nhiều sự quan tâm của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước; các đơn vị tích cực đề xuất các nội dung hợp tác, tài trợ, cũng như góp ý, hiến kế cùng với thành phố trong công tác triển khai Đề án đô thị thông minh như Bộ Thông tin và Truyền thông, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, Tập đoàn FPT, Ngân hàng Thế giới, Đại học Bang Arizona.

Thành phố đã hoàn thành và công bố kết quả giai đoạn 1 của 4 trụ cột Đề án, đó là: Kho dữ liệu dùng chung và phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở; Trung tâm điều hành đô thị thông minh; Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội, Trung tâm an toàn thông tin của Thành phố. Việc triển khai ứng dụng các giải pháp công nghệ hiện đại trong các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, chống ngập, môi trường với một số kết quả bước đầu đã cung cấp một số tiện ích cho người dân, doanh nghiệp. Các mô hình quận, huyện trực tuyến, Cổng thông tin tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp (1022) được triển khai rộng rãi cũng đã mang lại sự thuận lợi cho sự tương tác giữa người dân, tổ chức với các cơ quan nhà nước, cũng như tạo điều kiện tốt hơn để người dân, tổ chức tham gia giám sát, đóng góp ý kiến tham gia xây dựng chính quyền...

Trung tâm An toàn thông tin thành phố được thành lập và vận hành bởi Công ty Cổ phần vận hành Trung tâm An toàn thông tin thành phố với sự tham gia góp vốn của các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân có kinh nghiệm trong lĩnh vực an ninh thông tin. Các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin tại các cơ quan, đơn vị thường xuyên được triển khai, kiểm tra, đánh giá, nâng cao khả năng cảnh báo sớm, phòng, chống các nguy cơ tấn công, xâm nhập, khắc phục kịp thời các sự cố an toàn thông tin, phục vụ hiệu quả cho hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp[5].

4. Nguồn lực về sự liên kết, hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố

Công tác đối ngoại của Thành phố được triển khai sâu rộng, hiệu quả trên các kênh Đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân; đồng bộ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, thông tin tuyên truyền đối ngoại và công tác về người Việt Nam ở nước ngoài. Các hoạt động đối ngoại không những góp phần củng cố, làm sâu sắc và tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác gia Thành phố với các địa phương, các nước láng giềng, các nước có quan hệ hữu nghị truyền thống, các nước đối tác chiến lược với Việt Nam cả về lượng và về chất mà còn đóng góp thiết thực vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển của Thành phố.

Thông qua các hoạt động đối ngoại tích cực, chủ động, hiệu quả trên các lĩnh vực ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, Thành phố đã thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế, trong đó có hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Các hoạt động đối ngoại còn góp phần quảng bá hình ảnh của Việt Nam và Thành phố tới cộng đồng quốc tế, từ đó góp phần thu hút sự quan tâm và đầu tư của quốc tế vào các dự án trọng điểm phục vụ cho mục tiêu phát triển của Thành phố, góp phần giải quyết các thách thức phát triển của Thành phố. Các hoạt động đối ngoại của Thành phố đã góp phần thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đóng góp tích cực vào việc thu hút và tranh thủ các nguồn lực bên ngoài phục vụ cho sự phát triển toàn diện, hội nhập của Thành phố. Cùng với quốc phòng và an ninh, đối ngoại đã thực sự trở thành một trong những trụ cột đóng góp tích cực vào sự ổn định và phát triển của Thành phố.

Để tranh thủ nguồn lực bên ngoài, với phương châm đa phương hóa và đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế, Thành phố đã tích cực triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là hợp tác kinh tế quốc tế; mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị quốc tế với nhiều địa phương tiềm năng nước ngoài, đồng thời đưa các mối quan hệ đã có đi vào chiều sâu với nhiều hoạt động hợp tác thiết thực. Quan hệ hợp tác hữu nghị cấp địa phương đã cung cấp cho Thành phố những nguồn lực, kinh nghiệm quý báu trong việc thực hiện các chương trình như thích nghi và ứng phó với biến đổi khí hậu, quy hoạch đô thị, bảo vệ môi trường.... Ngoài ra, việc Thành phố là thành viên có trách nhiệm và tham gia tích cực, chủ động vào các cơ chế hợp tác quốc tế đa phương đã giúp quảng bá hình ảnh Thành phố, tăng cường kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn, học hỏi từ các chuyên gia, bạn bè quốc tế trong nhiều lĩnh vực góp phần xây dựng, phát triển và quản lý đô thị theo hướng bền vững.

Bên cạnh đó, trong xu thế hợp tác bình đẳng, đôi bên cùng có lợi hiện nay, hầu hết các đối tác nước ngoài khi triển khai dự án hợp tác trong khuôn khổ quan hệ với Thành phố Hồ Chí Minh đều yêu cầu nguồn vốn đối ứng như một hình thức ràng buộc nhằm tăng cường trách nhiệm và sự chủ động từ phía thành phố. Trong bối cảnh nguồn lực tài chính có giới hạn, cơ chế tài chính rất chặt chẽ và nhiều quy định ràng buộc, các biện pháp khuyến khích các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các đoàn thể, doanh nghiệp có tiềm lực tài chính cùng tham gia triển khai các dự án hợp tác quốc tế, trước hết là những dự án mà các tổ chức, đoàn thể và doanh nghiệp này được thụ hưởng là thực sự cần thiết. Sự tham gia đó vừa giúp thành phố tiết kiệm nguồn tài lực để phân bổ cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội khác, vừa thúc đẩy hiệu quả các hoạt động hợp tác quốc tế của thành phố.

Hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư được triển khai hiệu quả, góp phần hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế Thành phố, tăng tỷ trọng xuất khẩu các sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao, tăng trưởng sức hút đầu tư và cải thiện rõ rệt niềm tin của doanh nghiệp trong và ngoài nước vào môi trường đầu tư kinh doanh của Thành phố. Hàng năm, Thành phố đã tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại tại các thị trường nước ngoài (Mỹ, EU, Nhật Bản, Đông Nam Á, Hồng Kông, n Độ,...) nhằm giúp các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, các nhà phân phối địa phương, thiết lập mạng lưới phân phối tại thị trường nước ngoài góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Tổ chức các hoạt động kết nối (B2B) giữa doanh nghiệp Thành phố với các nước để trao đổi hàng hóa, đón tiếp và làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, kết nối các doanh nghiệp Thành phố với các tập đoàn bán lẻ, siêu thị lớn quốc tế, các trang thương mại điện tử quốc tế để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia mạng lưới bán lẻ của các tập đoàn trên thế giới. Tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp giữa chính quyền với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm lắng nghe ý kiến và giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

5. Nguồn lực từ việc thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh

Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 54, Ủy ban nhân dân Thành phố đã tham mưu Thành Ủy ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 06 tháng 12 năm 2017 về lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, Kế hoạch số 171-KH/TU ngày 28 tháng 12 năm 2017 về các nhiệm vụ cụ thể triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội; đồng thời tham mưu Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành Nghị quyết số 25/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2017 về triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội. Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch số 8127/KH-UBND ngày 27 tháng 12 năm 2017 triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội với 21 nội dung, đề án cụ thể, trong đó có 8 đề án cần tổ chức nghiên cứu sâu và 13 nội dung, đề án thực hiện theo nhiệm vụ thường xuyên. Kết quả thực hiện như sau:

[...]