Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2019 về chấn chỉnh và đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Kiên Giang

Số hiệu 10/CT-UBND
Ngày ban hành 17/06/2019
Ngày có hiệu lực 17/06/2019
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Kiên Giang
Người ký Mai Anh Nhịn
Lĩnh vực Bất động sản,Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/CT-UBND

Kiên Giang, ngày 17 tháng 6 năm 2019

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH VÀ ĐẨY NHANH CÔNG TÁC BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ VÀ TÁI ĐỊNH CƯ KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG

Thời gian qua, do yêu cầu phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh, nhiều dự án đầu tư đã được triển khai thực hiện, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nhằm sớm bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư thực hiện dự án và Ủy ban nhân dân tỉnh cũng thường xuyên tổ chức khảo sát thực tế tại các địa phương và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đồng thời, các ngành, các cấp dưới sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã có nhiều cố gắng trong chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án, đã góp phần tích cực cho phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho chủ đầu tư và nhà đầu tư còn chậm và nhiều hạn chế; khiếu nại về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có xu hướng tăng và phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn về an ninh, trật tự xã hội cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Những hạn chế trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng có nguyên nhân khách quan như: Khối lượng công việc giải phóng mặt bằng lớn, quy định của pháp luật về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư vẫn còn có vướng mắc trong thực tế khi triển khai thực hiện...Nguyên nhân chủ quan là chủ yếu thuộc trách nhiệm của các địa phương, như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quyết liệt và còn hạn chế, chưa chủ động nghiên cứu các quy định của pháp luật để giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân cấp huyện; trình độ chuyên môn một số cán bộ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng còn hạn chế; một số ngành, đơn vị chưa phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ kịp thời Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong việc giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, đáp ứng tốt nhất yêu cầu mặt bằng triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành, đoàn thể của tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện tốt các công việc sau đây:

1. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a) Tiếp tục rà soát để hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo đúng quy định pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương;

b) Chỉ đạo Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên và môi trường thực hiện tốt công tác đo đạc đối với các dự án được giao, đảm bảo tính chính xác và kịp thời;

c) Chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất tập trung thực hiện công tác lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các dự án được giao, đảm bảo tiến độ đề ra;

d) Đẩy nhanh công tác xác định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án;

e) Hướng dẫn, giải quyết khó khăn vướng mắc về các chế độ, chính sách liên quan đến bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để làm cơ sở cho việc lập phương án bồi thường.

2. Sở Xây dựng:

a) Tổ chức công bố, công khai đồ án quy hoạch vùng tỉnh, vùng liên huyện, vùng huyện và các vùng chức năng khác; đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị để chính quyền cơ sở thực hiện việc quản lý và nhân dân biết thực hiện đúng quy định;

b) Hướng dẫn, giải quyết các khó khăn, vướng mắc về các chế độ, chính sách liên quan đến bồi thường thiệt hại về nhà, công trình, vật kiến trúc xây dựng trên đất.

3. Sở Tài chính:

a) Bảo đảm kinh phí thực hiện cho công tác chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trước khi giải phóng mặt bằng các dự án;

b) Thẩm định kịp thời phương án giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường, giá đất tại khu tái định cư do Sở Tài nguyên và Môi trường trình làm cơ sở tính tiền sử dụng đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Theo dõi, cân đối nguồn vốn ưu tiên bố trí thực hiện giải phóng mặt bằng tạo lập quỹ đất sạch theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nhằm chủ động trong công tác bồi thường, bố trí tái định cư để xúc tiến đầu tư.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xác định năng suất các loại cây trồng, giá trị hiện có của vườn cây lâu năm, chi phí đầu tư vào đất, chi phí chăm sóc đến thời điểm thu hồi đất của vườn cây lâu năm; giá trị thiệt hại của vật nuôi do phải thu hồi sớm do bị thu hồi đất; hướng dẫn, giải quyết về việc thanh lý rừng trên đất thu hồi.

6. Sở Giao thông vận tải: Phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong công tác kiểm kê, lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các dự án được giao.

7. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Phối hợp với các đơn vị liên quan có kế hoạch bố trí đào tạo nghề cho thành viên các hộ gia đình bị thu hồi đất trong độ tuổi lao động có nhu cầu.

8. Sở Tư pháp: Hướng dẫn, kiểm tra về trình tự, thủ tục cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc; cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất theo đúng quy định của pháp luật.

9. Các Sở, ngành là chủ đầu tư nâng cao trách nhiệm trong công tác thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; phối hợp với các Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng và UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các dự án đầu tư được giao đảm bảo theo quy định pháp luật.

10. Thanh tra tỉnh:

a) Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện việc giải quyết khiếu nại tố cáo trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thực hiện các dự án đầu tư theo thẩm quyền, đúng pháp luật;

b) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh và chỉ đạo thanh tra các huyện, thành phố giải quyết khiếu nại, tố cáo nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; phối hợp với các ngành, địa phương giải quyết dứt điểm đơn khiếu nại, tố cáo kéo dài.

11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; động viên thuyết phục cán bộ công chức, viên chức và nhân dân chấp hành pháp luật về đất đai tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng triển khai các dự án; chỉ đạo các đoàn thể cấp huyện, xã cùng thực hiện các nhiệm vụ trên.

[...]