Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2014 tiếp tục thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình do tỉnh Quảng Nam ban hành

Số hiệu 10/CT-UBND
Ngày ban hành 05/05/2014
Ngày có hiệu lực 05/05/2014
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Huỳnh Khánh Toàn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/CT-UBND

Quảng Nam, ngày 05 tháng 5 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ TIẾP TỤC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN SỐ VÀ KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH

Sau hơn 5 năm thực hiện Chỉ thị số 34/CT-UBND ngày 3/11/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam”Về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình” và 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số; dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ngành, đoàn thể, công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đã đạt được một số kết quả quan trọng, nhận thức của nhân dân về chính sách DS-KHHGĐ đã có bước chuyển biến rõ rệt, quy mô gia đình có một hoặc hai con được chấp nhận ngày càng rộng rãi; tốc độ gia tăng dân số nhanh đã được kiểm soát, mức sinh tiếp tục giảm, chất lượng dân số từng bước được nâng cao.

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ trên một số mặt còn hạn chế, tỷ lệ giảm sinh hàng năm còn thấp, trung bình đạt 0, 3‰/năm; tỷ suất sinh thô đã giảm từ 21, 8‰ (2003) xuống còn 18, 8‰ (2012), tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn cao, từ 22, 6% (2003) giảm còn 17, 5% (2013); tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang xảy ra; chất lượng dân số còn thấp, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi còn cao, tỷ lệ sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh để phát hiện các khiếm khuyết thai nhi và các bệnh lý ở trẻ sơ sinh còn hạn chế; một số cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3 trở lên, gây tác động tiêu cực đến việc vận động thực hiện chính sách DS-KHHGĐ ở địa phương.

Nguyên nhân chủ yếu của tình hình trên là do chính quyền các cấp có lúc, có nơi chưa quán triệt đầy đủ và chưa thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc; việc xử lý các trường hợp vi phạm chính sách DS-KHHGĐ, nhất là trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức còn thiếu kiên quyết. Công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục về dân số và kế hoạch hóa gia đình chưa đồng bộ.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình của Đảng và Nhà nước trong những năm đến, góp phần ổn định mức sinh và nâng cao chất lượng dân số, cải thiện điều kiện sống của nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XX đề ra, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố

1.1. Tập trung mọi nỗ lực thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu về giảm tỷ lệ sinh bình quân 0, 2‰/năm; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm xuống dưới 1%; giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên bình quân 1-2%/năm và phấn đấu đạt mức sinh thay thế vào năm 2015 và dần ổn định quy mô dân số.

1.2. Tăng cường triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:

a) Tiếp tục quán triệt sâu rộng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chính sách DS-KHHGĐ. Chú trọng tuyên truyền Pháp lệnh số 08/2008/UBTVQH12 ngày 27/12/2008 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số năm 2003 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2009 để cán bộ, công chức, viên chức, quần chúng nhân dân nắm vững và thực hiện nghiêm các quy định về quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động DS-KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, giáo dục về dân số và kế hoạch hóa gia đình với hình thức, nội dung phù hợp từng nhóm đối tượng, thực hiện có hiệu quả việc tư vấn cá nhân, tư vấn cộng đồng, tập trung ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nơi có mức sinh cao, vùng đông dân có mức sinh chưa ổn định, các đối tượng sinh con một bề, công nhân các khu công nghiệp, ….

b) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền đối với công tác DS-KHHGĐ; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm về sự giảm sút, yếu kém trong công tác DS-KHHGĐ của đơn vị, cơ sở thời gian qua, từ đó có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo và khắc phục kịp thời trong thời gian tới.

Hàng năm, các cấp chính quyền cần đưa nội dung về DS-KHHGĐ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để chỉ đạo, điều hành và thường xuyên nắm chắc tình hình dân số ở cơ sở; đồng thời chỉ đạo đưa công tác DS- KHHGĐ vào nội dung, chương trình công tác của cơ quan, đơn vị; quy ước, hương ước của tổ dân phố, thôn, khối phố, xóm, khu dân cư; lấy kết quả thực hiện công tác DS-KHHGĐ là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tập thể, cá nhân.

Cán bộ, công chức, viên chức phải gương mẫu thực hiện Pháp lệnh Dân số, tích cực vận động gia đình và toàn dân thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ. Xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình theo đúng quy định hiện hành.

c) Đẩy mạnh xã hội hóa về công tác DS-KHHGĐ, huy động toàn xã hội tích cực tham gia. Thực hiện lồng ghép có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia DS- KHHGĐ với chương trình giảm nghèo, việc làm và các chương trình mục tiêu khác trên địa bàn để góp phần phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Khuyến khích các tổ chức xã hội và tư nhân tham gia cung cấp các dịch vụ KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho mỗi gia đình, mỗi người dân tự giác tham gia công tác DS-KHHGĐ.

Vận động cộng đồng nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh, cải thiện môi trường sống, quan tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục, kể cả HIV/AIDS, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, người tàn tật, tiếp tục đẩy mạnh phong trào phòng chống các tệ nạn xã hội.

d) Tăng cường đầu tư nguồn lực cho công tác DS-KHHGĐ từ nguồn ngân sách nhà nước, địa phương và sự đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước.

2. Sở Y tế

2.1. Chỉ đạo các đơn vị trong ngành đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình. Tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình.

2.2. Tiếp tục củng cố mạng lưới y tế, đặc biệt là tuyến cơ sở, chú trọng đầu tư về cán bộ, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện để thực hiện và nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nhân dân. Cung cấp kịp thời, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người sử dụng các biện pháp tránh thai, đảm bảo chất lượng, an toàn và thuận tiện. Tổ chức triển khai, thực hiện các mô hình, đề án, dự án từ chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ để nâng cao chất lượng dân số.

2.3. Thường xuyên kiện toàn tổ chức, bộ máy cán bộ và nâng cao hiệu quả quản lý công tác DS-KHHGĐ; rà soát, bố trí cán bộ làm công tác dân số tại các trạm y tế xã hoặc tại UBND các xã, đảm bảo đủ về số lượng và đạt yêu cầu về trình độ chuyên môn, năng lực công tác theo quy định của pháp luật. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ các cấp, đặc biệt tuyến cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

2.4. Nâng cao năng lực quản lý, xử lý thông tin về biến động dân số, thực hiện kế hoạch hóa gia đình bằng phần mềm điện tử”Hệ thông tin thống kê chuyên ngành DS- KHHGĐ” đáp ứng yêu cầu quản lý điều hành chương trình, đồng thời phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2.5. Tăng cường phối hợp với các cấp chính quyền và các Ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn.

3. Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan Báo, Đài thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền về công tác DS-KHHGĐ. Chú trọng xây dựng các chuyên trang, chuyên mục với thời lượng thích hợp để tuyên truyền kết quả thực hiện chính sách DS-KHHGĐ, nêu gương những điển hình, nhân tố mới.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đầu tư kinh phí từ nguồn ngân sách của địa phương cho công tác DS- KHHGĐ (ngoài phần kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia).

5. Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo có hiệu quả hoạt động giáo dục về dân số, sức khỏe sinh sản, giới và giới tính trong các trường học.

6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các đoàn thể phối hợp với chính quyền các cấp tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình; tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về dân số và kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh.

[...]