Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2012 về tăng cường chỉ đạo thực hiện biện pháp công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ do tỉnh Hà Tĩnh ban hành

Số hiệu 10/CT-UBND
Ngày ban hành 27/03/2012
Ngày có hiệu lực 27/03/2012
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Tĩnh
Người ký Trần Minh Kỳ
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/CT-UBND

Hà Tĩnh, ngày 27 tháng 03 năm 2012

 

CHỈ THỊ

TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ

Trong những năm qua, công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (viết tắt là PCCC - CNCH) trên địa bàn tỉnh đã được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được những kết quả quan trọng; việc phòng cháy ở nhiều nơi đã đi vào nề nếp, khi các vụ cháy xảy ra đã được chữa cháy tích cực, kịp thời nên đã giảm thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và công dân, hiệu lực quản lý nhà nước về công tác PCCC được tăng cường, số vụ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra từng bước; được kiểm tra đảm bảo an ninh trật tự, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, trong 10 năm qua số vụ cháy xảy ra vẫn nhiều, gây thiệt hại tương đối lớn về tài sản và tính mạng con người (178 vụ cháy tại cơ sở, nhà dân và 262 vụ cháy rừng, làm chết 4 người, bị thương 11 người, thiệt hại về tài sản ước tính 13,26 tỷ đồng và 525,35 ha rừng các loại; xảy ra 12 vụ nổ làm 8 người chết, bị thương 12 người); nhất là thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ cháy gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do công tác PCCC của một số nơi chưa chủ động; lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị cơ sở, địa phương và một bộ phận quần chúng nhân dân chưa nhận thức sâu sắc, đề cao trách nhiệm của mình trong công tác PCCC - CNCH. Việc quy hoạch, bố trí mạng lưới lực lượng Cảnh sát PCCC - CNCH chưa đáp ứng yêu cầu; tổ chức lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng nhiều nơi thiếu quân số, phương tiện, yếu nghiệp vụ chuyên môn. Bên cạnh đó nền kinh tế ngày càng phát triển, tốc độ đô thị hóa lang nhanh, nhiều dự án, công trình, khu công nghiệp, nhà máy lớn...đang triển khai xây dựng đặt ra cho công tác an toàn cháy, nổ nhiều vấn đề bức thiết.

Để khắc phục những tình trạng nêu trên và thực hiện nghiêm túc luật Phòng cháy, chữa cháy; Chỉ thị 1634/CT-TTg ngày 31/8/2010 và Công điện số 242/CĐ-TTg ngày 27/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách trọng tâm trong công tác PCCC – CNCH; yêu cầu các Giám đốc các Sở, Thủ trưởng, các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện một số nội dung sau đây:

1. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã xác định công tác PCCC là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện phòng chống cháy, nổ; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia công tác PCCC. Thực hiện tốt nguyên tắc trong hoạt động PCCC, lấy phòng ngừa là chính; đặc biệt chú trọng việc trang bị phương tiện PCCC và tổ chức lực lượng tại chỗ; tập trung xây dựng, củng cố, bồi dưỡng, nâng cao hiệu quả hoạt động của đội PCCC cơ sở, dân phòng, chuyên ngành đáp ứng yêu cầu trong tình hình hiện nay, nhất là các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao. Xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến về PCCC, kịp thời động viên khen thưởng những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc.

2. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng, báo chí tăng thời lượng đưa tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, pháp luật về PCCC - CNCH tới toàn thể cán bộ, công nhân viên chức và nhân dân nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của mọi người trong việc thực hiện các quy định về PCCC - CNCH. Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Báo Hà Tĩnh xây dựng các chuyên mục riêng để tuyên truyền về công tác PCCC - CNCH; kịp thời biểu dương gương điển hình trong thực hiện PCCC-CNCH.

3. Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư; Ban quản lý các dự án, các đơn vị liên quan, cơ quan tư vấn thiết kế; UBND các huyện, thành phố, thị xã... tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định về PCCC trong quy hoạch thẩm định, phê duyệt dự án, nhất là các nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, khu công nghiệp, chế xuất, cơ sở dịch vụ, khu dân cư, các khu rừng dễ cháy, các kho tàng, cơ sở sản xuất và các công trình trọng điểm khác có nhiều nguy cơ cháy, nổ. Phát hiện và khắc phục ngay các sai phạm, sơ hở thiếu sót có thể gây cháy lan rộng, cháy lớn. Đối với nhà cao tầng, nơi tập trung đông người cần kiểm tra kỹ và yêu cầu thực hiện đầy đủ các điều kiện an toàn về thoát nạn cho người và chống cháy lan, cháy lớn.

Xây dựng và triển khai công tác PCCC của đơn vị, địa phương mình; chú ý đến việc quy hoạch đô thị, vùng kinh tế trọng điểm… đảm bảo các điều kiện về PCCC; đẩy mạnh phát triển toàn dân PCCC, tổng kết, nhân rộng phong trào xã, phường, cơ quan đơn vị, doanh nghiệp an toàn không để xảy ra cháy, nổ; thực hiện có hiệu quả phương châm 4 tại chỗ: lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ; chú ý giải quyết nguồn nước chữa cháy đô thị.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản triển khai thực hiện Chỉ thị 1685/CT-TTg ngày 27/9/2011 về tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng và chống người thi hành công vụ; Nghị định 09/2006/NĐ-CP ngày 16/01/2006 của Chính phủ và công tác PCCC rừng. Làm tốt công tác quy hoạch khu rừng, chuyển đổi rừng, nâng cao trách nhiệm của chủ rừng, Triển khai đồng bộ các biện pháp PCCC rừng đến tận cơ sở và quần chúng nhân dân.

5. Công an tỉnh:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về PCCC. Đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng có dấu hiệu tội phạm và những vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản do thiếu tinh thần trách nhiệm thì khởi tố, điều tra và xử lý nghiêm theo pháp luật. Niêm yết công khai các bước tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến công tác PCCC các trụ sở cơ quan, trên phương tiện thông tin đại chúng để các cơ quan, đơn vị và nhân dân biết. Nghiên cứu, tổng kết và nhân rộng mô hình cụm dân cư và cụm đơn vị, doanh nghiệp an toàn PCCC; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập, tổ chức những người tình nguyện tham gia công tác PCCC - CNCH nhằm tiến tới xã hội hóa công tác PCCC - CNCH.

- Tiếp tục triển khai thực hiện đề án quy hoạch tổng thể hệ thống các cơ sở PCCC - CNCH đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; đề xuất, bổ sung và hoàn thiện các văn bản quy định trong lĩnh vực PCCC - CNCH; xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC - CNCH chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới, góp phần bảo vệ sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan về PCCC rừng, cấp nước chữa cháy đô thị, khu công nghiệp, về thiết kế, thẩm duyệt PCCC.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính xây dựng kế hoạch, lập dự trù kinh tế đầu tư mua sắm các phương tiện cứu nạn, cứu hộ, phương tiện chữa cháy cao tầng, chữa cháy trên sông, trên biển trình UBND tỉnh và Bộ Công an quyết định. Tập trung xây dựng đề án thành lập các đội Cảnh sát PCCC – CNCH khu vực, trước mắt cần sớm triển khai Đội Cảnh sát PCCC – CNCH Vũng Áng.

6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tuyên truyền, phổ biến, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phong trào “Toàn dân tham gia PCCC".

Yêu cầu Giám đốc các Sở; Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện nghiêm túc những nội dung nêu trên. Địa phương, đơn vị nào để xảy ra cháy, nổ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại thi Thủ trưởng địa phương, đơn vị đó chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh về hậu quả đó. Định kỳ báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy (qua Công an tỉnh);

Giao Công an tỉnh theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị này và định kỳ tổng hợp kết quả báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Công an theo quy định./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Công an;
- TT Tỉnh ủy, TH HĐND tỉnh; Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành và Hội, đoàn thể tỉnh;
- Báo Hà Tĩnh, Đài PT- TH tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Chánh, Phó VP/UB;
- Trung tâm CB-TH tỉnh;
- Lưu: VT, NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Minh Kỳ

 

4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ