Chỉ thị 10/2012/CT-UBND tăng cường biện pháp cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh An Giang

Số hiệu 10/2012/CT-UBND
Ngày ban hành 09/07/2012
Ngày có hiệu lực 19/07/2012
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Vương Bình Thạnh
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/2012/CT-UBND

An Giang, ngày 09 tháng 7 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP CẢI THIỆN CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH TỈNH AN GIANG

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là công cụ để đo lường và đánh giá công tác quản lý và điều hành kinh tế cấp tỉnh, đồng thời, đánh giá tác động của những cải cách trong lĩnh vực kinh tế và thủ tục hành chính ở cấp tỉnh.

Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo quản lý, điều hành của UBND tỉnh, các cấp, các ngành đã tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh và chỉ số năng lực cạnh tranh PCI của tỉnh; điểm số chung của chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh có tăng, giảm, nhưng không đáng kể (trên mức điểm 60) và được đánh giá nhóm điều hành “Tốt”.

Qua kết quả điều tra và công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2011 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, với 9 chỉ số thành phần: (1) Chi phí gia nhập thị trường; (2) Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; (3)Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; (4) Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước; (5) Chi phí không chính thức; (6) Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo; (7) Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; (8) Đào tạo lao động; (9) Thiết chế pháp lý, thì tỉnh An Giang xếp thứ hạng 19 so với cả nước và xếp thứ 5 so với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trong đó: có 04 chỉ số thành phần có số điểm giảm và tụt hạng so với năm 2010: Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất giảm 1,39 điểm và giảm 34 bậc; Tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin giảm 0,72 điểm và giảm 33 bậc; Đào tạo lao động giảm 1,48 điểm và giảm 39 bậc; Thiết chế pháp lý tăng 0,36 điểm và giảm 6 bậc.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và khắc phục tình trạng tụt bậc của 04 chỉ số thành phần trên và tiếp tục cải thiện các chỉ số còn lại, mục tiêu phấn đấu năm 2012 tăng từ 3-4 bậc và nâng cao hơn ở những năm tiếp theo. Đồng thời, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố:

a) Xem việc cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư cho cộng đồng doanh nghiệp đang đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động điều hành, lãnh đạo, chỉ đạo của mình nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Tăng cường quản lý và điều hành một cách chặt chẽ, thường xuyên và hiệu quả, tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau: Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; giải quyết những khiếu nại của công dân và cộng đồng doanh nghiệp; tăng cường đào tạo lao động; công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được duyệt; hỗ trợ pháp lý; rà soát bãi bỏ hoặc đề nghị bãi bỏ những văn bản quy phạm pháp luật quy định không phù hợp gây khó khăn cho doanh nghiệp, đề xuất xây dựng cơ chế chính sách phù hợp để phát triển doanh nghiệp, giảm tối đa chi phí không chính thức mà các doanh nghiệp phải chi trả, giảm các cuộc thanh tra doanh nghiệp, từ đó tạo hình ảnh tốt đẹp đối với doanh nghiệp về tỉnh An Giang là một địa phương có một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, một chính quyền thân thiện với doanh nghiệp.

b) Thường xuyên kiểm tra, hoạt động của bộ phận một cửa; giám sát, kiểm tra, chấn chỉnh công vụ; xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên làm không đúng quy chế “một cửa liên thông”. Đồng thời, triển khai có hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, giúp doanh nghiệp tra cứu hồ sơ trên mạng.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối tư vấn dịch vụ hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh và tiếp nhận thông tin, đề xuất UBND tỉnh kịp thời tháo gỡ những khó khăn, ách tắc trong quá trình triển khai dự án, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang. Đồng thời, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình, Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Phía Nam và các đơn vị có liên quan có trách nhiệm thông tin, quảng bá, hướng dẫn thủ tục và hỗ trợ cho doanh nghiệp.

3. Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh, Kho bạc Nhà nước tỉnh An Giang căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình rà soát, kiểm tra lại nguồn thu, nội dung thu, phân cấp nhiệm vụ thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ các loại thuế, phí và lệ phí theo quy định, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp nộp thuế, phí và lệ phí với Chi phí ít nhất về thời gian theo quy định. Mặc khác, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng bảng giá đất theo cơ chế thị trường và có tính ổn định.

4. Thanh tra tỉnh và Thanh tra các Sở, ngành phối hợp chặt chẽ, thống nhất chương trình thanh tra hàng năm đối với doanh nghiệp, mỗi năm một doanh nghiệp chỉ phải tiếp, làm việc với một đoàn thanh tra trừ trường hợp thanh tra đột xuất khi doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.

5. Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư làm đầu mối nối kết với sở ngành - Ủy ban nhân dân huyện, thị xã thành phố, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thực thi công tác xúc tiến. Thực hiện và cung ứng các dịch vụ xúc tiến thương mại và đầu tư như hội chợ, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, triển lãm và trưng bày giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư đến với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

7. Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố định kỳ 6 tháng báo cáo kết quả cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình về UBND tỉnh (qua Sở Kế hoạch và Đầu tư) để theo dõi, chỉ đạo.

8. Giao Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh đưa nội dung cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) thành nội dung trọng điểm trong công tác cải cách hành chính mà các ngành, các cấp phải triển khai thực hiện. Hàng năm, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh dự toán kinh phí chi phục vụ cho công tác này.

9. Các cơ sở đào tạo, dạy nghề trên địa bàn tỉnh tăng cường đào tạo trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động đáp ứng tốt yêu cầu của doanh nghiệp, của thị trường lao động trong và ngoài tỉnh. Các trường, trung tâm dạy nghề, trung tâm giới thiệu việc làm tăng cường công tác đào tạo, dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm nhằm giúp cho người lao động tìm được việc làm phù hợp với trình độ chuyên môn, ngành nghề đã được đào tạo để phát huy năng lực tốt nhất.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Website Chính phủ;
- Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (thay bc);
- TT TU, HĐND và UBND tỉnh;
- Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành;
- Các tổ chức Đoàn thể, chính trị - xã hội;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- LĐ VP UBND tỉnh;
- Lưu VT và các Phòng - Trung tâm.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Vương Bình Thạnh

 

4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ