Quyết định 1310/QĐ-UBND năm 2009 về Đề án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của Thành phố Hà Nội giai đoạn 2009-2010 do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 1310/QĐ-UBND
Ngày ban hành 20/03/2009
Ngày có hiệu lực 20/03/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Huy Tưởng
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 1310/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 20 tháng 03 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN NÂNG CAO CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2009-2010

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Thông báo số 63-TB/TU ngày 24/12/2008 của Thành ủy Hà Nội v/v Kết luận Hội nghị giao ban Thường trực Thành ủy – HĐND – UBND Thành phố với lãnh đạo các quận, huyện, thành phố trực thuộc quý IV/2008
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của Thành phố Hà Nội giai đoạn 2009-2010.

Điều 2. Căn cứ vào các giải pháp trong Đề án này và các nhiệm vụ được giao theo chức năng của mình, từng sở, ban, ngành, UBND quận, huyện xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động nhằm cải thiện môi trường đầu tư và sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực, địa bàn quản lý, xác định rõ từng mục tiêu, nhiệm vụ, biện pháp thực hiện cụ thể và phân công người chịu trách nhiệm từng phần việc.

Trước ngày 20 của tháng cuối quý, các sở, ngành, UBND các quận, huyện đánh giá kết quả thực hiện Đề án của Thành phố và Kế hoạch hành động của ngành mình, cấp mình, báo cáo UBND Thành phố.

Giao Văn phòng UBND Thành phố và Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình thực hiện các nhiệm vụ của Đề án được phân công cho các sở, ban, ngành, báo cáo UBND Thành phố.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc các sở, ban, ngành của Thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND các quận, huyện và các thành phố: Hà Đông, Sơn Tây, và thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Thường trực TU (để báo cáo);
- Thường trực HĐND TP (để báo cáo);
- CT, các PCT UBND TP;
- Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện;
- VCCI, Hội Công Thương TP, Hiệp hội DN V&N TP;
- Các báo, đài thuộc TP;
- C,PVP, các phòng CV;
- Lưu.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Huy Tưởng

 

ĐỀ ÁN

NÂNG CAO CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2009-2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1310/QĐ-UBND ngày 20/3/2009 của UBND Thành phố Hà Nội)

I. GIỚI THIỆU VỀ CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH (PCI)

1. Khái niệm và các chỉ số cấu thành PCI

PCI là tên viết tắt bằng tiếng Anh của các từ Provincial Competitiveness Index – chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. PCI được tính toán nhằm “đánh giá chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh dựa trên môi trường kinh doanh để thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) thông qua cảm nhận của các doanh nghiệp dân doanh được điều tra” ở mỗi tỉnh, thành phố. Chỉ số PCI là thành công đầu tiên trong việc triển khai nghiên cứu môi trường đầu tư, môi trường sản xuất kinh doanh ở các tỉnh, thành phố trong cả nước dựa trên đánh giá của doanh nghiệp. Chỉ số PCI được Phòng công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) công bố chính thức từ năm 2005. Tuy nhiên, việc đánh giá, xếp hạng về PCI cho tất cả 64 tỉnh, thành phố trong cả nước chỉ được tiến hành hàng năm bắt đầu từ năm 2006. Cũng từ năm 2006, PCI được tính toán trên cơ sở 10 chỉ số thành phần:

1. Chi phí gia nhập thị trường: chỉ số thành phần này đo lường thời gian một doanh nghiệp cần để đăng ký kinh doanh, xin cấp đất và nhận được mọi loại giấy phép, hoàn tất mọi thủ tục cần thiết để bắt đầu tiến hành hoạt động kinh doanh.

2. Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất: chỉ số thành phần này được tính toán căn cứ vào tình trạng doanh nghiệp có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay không, có đủ mặt bằng để đáp ứng nhu cầu mở rộng kinh doanh hay không, đánh giá của doanh nghiệp về chính sách chuyển đổi đất nông nghiệp của địa phương, về rủi ro trong việc bị thu hồi đất hay thay đổi các điều kiện thuê đất, về sự công bằng trong cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến đất đai.

3. Tính minh bạch: chỉ số thành phần này đánh giá khả năng doanh nghiệp có thể tiếp cận được những kế hoạch của tỉnh và văn bản pháp lý cần thiết cho công việc điều hành kinh doanh của mình, sự bình đẳng trong tiếp cận thông tin của các tài liệu này, sự cập nhật thông tin về chính sách, quy định mới cho doanh nghiệp, tính tiên liệu của việc triển khai thực hiện những chính sách, quy định đó và độ mở của trang web tỉnh.

4. Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của nhà nước: chỉ số thành phần này đo lường thời gian mà các doanh nghiệp phải bỏ ra khi thực hiện các thủ tục hành chính, cũng như mức độ thường xuyên và thời gian doanh nghiệp phải tạm dừng kinh doanh để các cơ quan pháp luật của tỉnh thực hiện việc thanh tra, kiểm tra.

5. Chi phí không chính thức: chỉ số thành phần này đo lường mức chi phí không chính thức doanh nghiệp phải trả và những trở ngại do những chi phí này gây nên cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

6. Ưu đãi đối với DNNN và môi trường cạnh tranh: chỉ số thành phần này đo lường sự cảm nhận của các doanh nghiệp dân doanh về mức độ ưu tiên của chính quyền tỉnh đối với các DNNN và về chính sách cổ phần hóa của tỉnh, về thái độ của chính quyền tỉnh đối với khu vực tư nhân, về số lượng DNNN và khả năng tiếp cận vốn của các DNNN trong tỉnh.

7. Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh: chỉ số thành phần này đo lường tính sáng tạo, sáng suốt của chính quyền tỉnh trong quá trình thực thi chính sách Trung ương cũng như trong việc đưa ra những sáng kiến riêng nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

8. Chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân: chỉ số thành phần này dùng để đánh giá các chất lượng các dịch vụ công của tỉnh để cung cấp thông tin thị trường, hỗ trợ tìm kiếm đối tác kinh doanh, dịch vụ công nghệ cho doanh nghiệp.

9. Đào tạo lao động: chỉ số này đánh giá những nỗ lực của chính quyền tỉnh trong việc giải quyết sự thiếu hụt về lao động có tay nghề qua đào tạo tại địa phương.

[...]