Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Chỉ thị 10/2006/CT-BBCVT thực hiện Quyết định 32/2006/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch phát triển Viễn thông và Internet Việt Nam đến năm 2010 do Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông ban hành

Số hiệu 10/2006/CT-BBCVT
Ngày ban hành 29/09/2006
Ngày có hiệu lực 03/11/2006
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Bưu chính, Viễn thông
Người ký Đỗ Trung Tá
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

BỘ BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 10/2006/CT-BBCVT

 Hà Nội, ngày 29 tháng 09 năm 2006

 

CHỈ THỊ

VỀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ “PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VIỄN THÔNG VÀ INTERNET VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2010”

Ngày 07 tháng 02 năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 32/2006/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển Viễn thông và Internet Việt Nam đến năm 2010, để tổ chức triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhằm phát triển viễn thông và Internet Việt Nam theo Quy hoạch được phê duyệt, Bộ trưởng Bộ Bưu chính,Viễn thông chỉ thị:

1. Tổ chức phổ biến, quán triệt sâu sắc trong cán bộ, công chức, viên chức ở tất cả các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp viễn thông, Internet về Quy hoạch phát triển viễn thông và Internet Việt Nam đến năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp chặt chẽ với các địa phương và các đơn vị liên quan, triển khai thực hiện Quy hoạch để đẩy mạnh phát triển ngành viễn thông, Internet phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chuẩn bị tốt cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

2. Tăng cường đầu tư và phát triển hạ tầng viễn thông, Internet có công nghệ hiện đại, chất lượng tốt. Cung cấp cho xã hội, người tiêu dùng các dịch vụ viễn thông và Internet hiện đại, đa dạng với giá cước tương đương hoặc thấp hơn mức bình quân của các nước trong khu vực, đáp ứng nhu cầu thông tin phục vụ kinh tế, xã hội, an ninh và quốc phòng. Thực hiện phổ cập các dịch vụ viễn thông và Internet đến tất cả các vùng, miền trong nước với chất lượng dịch vụ và phục vụ ngày càng cao. Đến năm 2010, mật độ điện thoại đạt từ 32 đến 42 máy/100 dân (trong đó mật độ điện thoại cố định là 14 đến 16 máy/100 dân); mật độ thuê bao Internet đạt từ 8 đến 12 thuê bao/100 dân (trong đó có 30% là thuê bao Internet băng rộng); tỷ lệ người sử dụng Internet đạt 25% đến 35% dân số; mật độ điện thoại tại các vùng được cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đạt trên 5 máy/100 dân; 100% số xã trên toàn quốc có điểm truy nhập dịch vụ điện thoại công cộng; 70% số xã trên toàn quốc có điểm truy nhập dịch vụ Internet công cộng; mọi người dân được truy nhập miễn phí khi sử dụng các dịch vụ viễn thông bắt buộc.

3. Đối với các đơn vị thuộc Bộ Bưu chính, Viễn thông.

Căn cứ chức năng nhiệm vụ, nghiên cứu, đề xuất các nội dung công việc, kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện nhằm hoàn thành Quy hoạch phát triển viễn thông và Internet Việt Nam đến năm 2010. Cụ thể như sau:

3.1. Vụ Viễn thông:

- Chủ trì xây dựng và trình ban hành các văn bản hướng dẫn các nội dung liên quan đến viễn thông và Internet trong Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin và Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông.

- Tham gia nghiên cứu, triển khai việc xây dựng Luật Viễn thông.

- Căn cứ tình hình phát triển thị trường theo từng thời kỳ, báo cáo Bộ trưởng và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cấp phép cho các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng viễn thông và Internet.

- Chủ trì xây dựng và trình ban hành quy định về kết nối mạng viễn thông công cộng và sử dụng chung cơ sở hạ tầng nhằm sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư, tạo thuận lợi cho việc ký kết và thực hiện thỏa thuận kết nối giữa các doanh nghiệp. Chỉ đạo, đôn đốc, thực hiện quy định về thực hiện kết nối giữa các mạng viễn thông công cộng; phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết kịp thời các vấn đề về kết nối giữa các doanh nghiệp.

- Phối hợp với Vụ Kế hoạch Tài chính, Vụ Khoa học Công nghệ, Cục Tần số Vô tuyến điện, Cục Quản lý chất lượng BCVT và CNTT và các đơn vị liên quan xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về cấp phép, tần số, tiêu chuẩn, chất lượng, giá cước để thực hiện quản lý nhà nước trong lĩnh vực truyền dẫn phát sóng, đặc biệt là truyền dẫn phát sóng phát thanh truyền hình.

- Chủ trì xây dựng và trình ban hành quy hoạch và quy định quản lý kho số viễn thông.

- Phối hợp với các đơn vị liên quan và các doanh nghiệp viễn thông, Internet tổ chức nghiên cứu cơ chế, chính sách và chỉ đạo việc triển khai cấp phép thử nghiệm các dịch vụ mới như WiMax, di động 3G, điện thoại IP vv…

- Chủ trì xây dựng và trình ban hành quy định về bán lại dịch vụ viễn thông. Tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, kinh doanh, cung cấp dịch vụ viễn thông và Internet.

- Chủ trì xây dựng và trình ban hành quy định báo cáo định kỳ của các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông và Internet.

- Phối hợp với các Bộ, Ngành và các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng, đề xuất phương án tổ chức thông tin liên lạc phục vụ công tác dự báo thiên tai và an toàn cứu nạn trên biển.

- Chủ động, phối hợp với Bộ Công an và các đơn vị liên quan xây dựng, ban hành quy định bảo đảm an toàn mạng lưới và an ninh thông tin trong lĩnh vực viễn thông và Internet.

3.2. Vụ Pháp chế: Chủ trì nghiên cứu, đăng ký Luật Viễn thông, Luật Bưu chính vào chương trình xây dựng Luật của Quốc hội, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và trình ban hành Luật Viễn thông, Luật Bưu chính để thay thế Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông.

3.3. Vụ Kế hoạch Tài chính:

- Chủ trì xây dựng và trình ban hành cơ chế quản lý giá cước mới thay thế cho Quyết định số 217/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27 tháng 10 năm 2003 về quản lý giá cước dịch vụ bưu chính, viễn thông.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan từng bước đổi mới hệ thống lệ phí, phí cấp phép, sử dụng tài nguyên viễn thông và Internet (tần số, kho số, tên miền, địa chỉ Internet) theo nguyên tắc: Đảm bảo sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí tài nguyên, đồng thời không làm tăng quá mức chi phí sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

- Nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh giá cước các dịch vụ viễn thông theo hướng điều chỉnh giá cước các dịch vụ còn thấp hơn giá thành để đảm bảo hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong điều kiện cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế.

- Nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh giá cước kết nối và giá cước thuê kênh giữa các doanh nghiệp trên cơ sở giá thành, xác định rõ phần đóng góp cho việc cung cấp dịch vụ viễn thông công ích trong giá cước kết nối.

- Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các đơn vị liên quan nghiên cứu, ban hành cơ chế tài chính đối với hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet phục vụ các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và bảo đảm hoạt động cung cấp, sử dụng dịch vụ viễn thông, Internet của các cơ quan Đảng, Nhà nước;

- Chủ động đề xuất, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan trong việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm trong lĩnh vực viễn thông và Internet; xây dựng, hoàn thiện và trình ban hành cơ chế đầu tư khẩn cấp phục vụ kết nối các mạng viễn thông công cộng.

- Chủ động đề xuất, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan xây dựng, trình ban hành quy định hướng dẫn việc xây dựng các đường truyền dẫn viễn thông kết hợp đi dọc đường giao thông, cầu, cống, hè phố để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình viễn thông và Internet.

[...]