Chỉ thị 09/CT-UBND năm 2020 về chấn chỉnh công tác lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý quy hoạch đô thị; quản lý trật tự xây dựng đô thị theo quy hoạch được duyệt trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
Số hiệu | 09/CT-UBND |
Ngày ban hành | 01/06/2020 |
Ngày có hiệu lực | 01/06/2020 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Quảng Ninh |
Người ký | Nguyễn Văn Thắng |
Lĩnh vực | Xây dựng - Đô thị |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/CT-UBND |
Quảng Ninh, ngày 01 tháng 6 năm 2020 |
CHỈ THỊ
VỀ CHẤN CHỈNH CÔNG TÁC LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT, QUẢN LÝ QUY HOẠCH ĐÔ THỊ; QUẢN LÝ TRẬT TỰ XÂY DỰNG ĐÔ THỊ THEO QUY HOẠCH ĐƯỢC DUYỆT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH
Trong những năm gần đây, Tỉnh Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo triển khai lập và đã hoàn thành 07 quy hoạch chiến lược[1] qua đó thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội và phát triển đô thị (các nhà đầu tư lớn như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Sungroup, Tập đoàn FLC, Texhong...), tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh (tỷ lệ đô thị hóa đạt 64,09%), các công trình xây dựng tăng mạnh cả về số lượng và quy mô, đa dạng về nguồn vốn, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; công tác quản lý về quy hoạch, phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị, dịch vụ công ích đô thị, cấp giấy phép xây dựng (GPXD) và quản lý chất lượng công trình xây dựng...đã được quan tâm, tạo tiền đề hình thành một số khu đô thị mới, hiện đại tại các địa phương như: Hạ Long, Uông Bí, Móng Cái, Cẩm Phả.
Tuy nhiên, công tác quản lý quy hoạch, quản lý đô thị của cơ quan quản lý nhà nước các cấp còn tồn tại, hạn chế và chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch chi tiết còn bất cập, việc kết nối hạ tầng, cấp nước, thoát nước, cấp điện còn chưa đồng bộ; các quy hoạch còn điều chỉnh nhiều lần, không tuân thủ đúng nguyên tắc, làm phá vỡ quy hoạch ban đầu được phê duyệt, việc lấy ý kiến nhân dân khi lập đồ án quy hoạch còn mang tính hình thức. Một số công trình được UBND các địa phương cấp GPXD trong khi chưa đầy đủ điều kiện cấp GPXD (thiết kế chưa được thẩm định và thẩm duyệt PCCC theo quy định); việc áp dụng mẫu GPXD chưa đúng theo hướng dẫn, một số GPXD còn thiếu nội dung theo quy định để làm căn cứ kiểm tra, quản lý sau khi cấp GPXD; tình trạng vi phạm trật tự xây dựng như xây dựng không phép, sai giấy phép xây dựng, xây dựng sai quy hoạch được duyệt còn xảy ra. Công tác thanh tra, kiểm tra còn nhiều hạn chế, xử lý chưa nghiêm; còn tình trạng bao che, phạt cho tồn tại mà không thực hiện cưỡng chế, khi bị cưỡng chế làm thiệt hại lớn đến tài sản của nhân dân và xã hội.
Nguyên nhân của các hạn chế trên là do các cấp, ngành, địa phương thiếu sự chỉ đạo thống nhất, kiên quyết trong công tác lập quy hoạch, quản lý quy hoạch, chưa xác định được thứ tự ưu tiên và tính chất của từng loại đồ án quy hoạch nên chưa đảm bảo được tiến độ hoàn tất các đồ án quy hoạch trình cơ quan có thẩm quyền duyệt, làm cơ sở để tổ chức quản lý, thực hiện việc đầu tư xây dựng hiệu quả. Công tác quản lý nhà nước về phát triển đô thị còn mang tính hình thức, còn để tình trạng nợ tiêu chí trong phát triển nâng cấp đô thị. Đội ngũ cán bộ quản lý đô thị, quản lý đất đai, môi trường còn thiếu về số lượng, yếu chuyên môn về năng lực quản lý nhà nước nhất là cấp cơ sở, xã, phường. Lực lượng thanh tra xây dựng cấp tỉnh, đội quản lý trật tự xây dựng cấp huyện còn chưa đủ mạnh để thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ công việc được giao, chưa có quy chế phối hợp trong quản lý trật tự xây dựng đô thị. Mô hình quản lý đô thị còn đi theo lối mòn, nếp tư duy cũ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, thiếu sự chỉ đạo quản lý tập trung, trọng điểm tạo các điểm nhấn đô thị, xây dựng mô hình hiện đại. Chưa xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, đơn vị trong công tác quản lý đô thị.
Nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động, khắc phục những hạn chế, thiếu sót của cơ quan quản lý nhà nước về công tác quản lý đô thị, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu các sở, ban, ngành, UBND các địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
1. Mỗi cấp, ngành, địa phương phải nhận thức rõ được vai trò, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, địa phương đặc biệt phải đề cao trách nhiệm của người đứng dầu trong tổ chức thực hiện sát với chỉ đạo và yêu cầu thực tế phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý trật tự xây dựng đô thị nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân tạo sự đồng thuận trong công tác quản lý quy hoạch, quản lý đô thị.
2. Tiếp tục hoàn thiện các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu chức năng các khu vực có lợi thế, yêu cầu phát triển để quản lý, thu hút đầu tư thực hiện quy hoạch.
Quan tâm bố trí vốn cho công tác lập quy hoạch để tiếp tục đẩy mạnh và hoàn tất phủ kín quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trên địa bàn thị trấn để làm cơ sở cho việc kêu gọi đầu tư. Đổi mới phương pháp quy hoạch, đảm bảo ngoài việc tuân thủ các định hướng quy hoạch trung ương, các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và các quy định hiện hành thì các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu cần mang tính linh hoạt hơn, định hướng cao hơn.
Nâng cao chất lượng công tác thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng của các địa phương theo phân cấp, ủy quyền. Tổ chức công bố công khai quy hoạch đô thị; Quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị; Quản lý và sử dụng đất đô thị theo quy hoạch; Quản lý xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng và không gian ngầm; Quản lý phát triển khu đô thị mới, cải tạo khu đô thị cũ, bảo tồn di sản và cảnh quan đặc sắc; Rà soát bổ sung quỹ đất ở 20% để phát triển nhà ở xã hội trong đồ án quy hoạch dự án phát triển nhà ở thương mại, phát triển đô thị. Quá trình lập và thực hiện quy hoạch cần coi trọng sự tham gia của cộng đồng dân cư, sự phản biện của các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, đảm bảo tính khả thi của quy hoạch, phù hợp định hướng phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu khách quan của xã hội, của thị trường.
3. Thường xuyên kiểm tra, rà soát các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị để duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, tạo môi trường an toàn, thân thiện cho du khách và nhân dân địa phương (trong đó cần quan tâm đến các công trình vệ sinh công cộng...). Rà soát hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật đi nổi để xây dựng kế hoạch, lồng ghép vào các chương trình, dự án để hạ ngầm các công trình. Quản lý giám sát chặt chẽ các nguyên tắc phát triển, các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc tại các khu đô thị, khu dịch vụ, khu du lịch, đảm bảo việc xây dựng đồng bộ hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, kết nối được mạng lưới hạ tầng chung của từng địa phương và các vùng phụ cận. Tranh thủ thời tiết thuận lợi để triển khai thi công nạo vét hoàn thành dứt điểm các vị trí, khu vực ngập lụt, các hệ thống thoát nước để đảm bảo an toàn, hạn chế ảnh hưởng đến nhân dân trong mùa mưa bão. Yêu cầu các chủ đầu tư các dự án có ảnh hưởng đến các điểm sạt lở, ngập lụt nguy hiểm có biện pháp thu gom, xử lý bùn đất, nước thải, nước mưa nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất tác động đến an toàn của nhân dân.
4. Khẩn trương hoàn thành lập, trình phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 để làm cơ sở hoàn thành lập Chương trình đô thị, kế hoạch phát triển nhà ở các địa phương; rà soát các tiêu chí còn thiếu theo theo tiêu chuẩn phân loại đô thị của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 để hoàn thiện tiêu chí nâng loại đô thị, triển khai lập đề án công nhận đô thị và Chương trình phát triển đô thị. Kiên quyết không xét nâng loại đô thị đối với các địa phương còn thiếu tiêu chí, không để tình trạng nợ tiêu chí trong phát triển nâng cấp đô thị.
5. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong quản lý xây dựng đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng và quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm, triệt để các hành vi phạm, tổ chức cưỡng chế, phá dỡ để răn đe, ngăn ngừa các hành vi tương tự khác có thể gây hậu quả lớn cho xã hội. Thực hiện nghiêm, đúng thẩm quyền Quy chế phối hợp trong quản lý trật tự xây dựng đô thị, quy định trách nhiệm cụ thể cho từ tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị; kiên quyết thực hiện kiểm điểm, kỷ luật các tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra vi phạm trật tự đô thị mà không xử lý hoặc không xử lý kịp thời.
6. Thực hiện kiểm tra, quản lý lòng đường vỉa hè, hành lang đi bộ, trật tự của các địa phương trên địa bàn tỉnh; bố trí các lực lượng chức năng thường xuyên, liên tục kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để giải quyết triệt để các hành vi tái lấn chiếm, tái vi phạm nhằm khắc phục tình trạng vi phạm trật tự đô thị. Nghiên cứu mô hình, kinh nghiệm quản lý trật tự đô thị của các tỉnh, thành phố có cách làm tốt để vận dụng triển khai, trong đó cần chú trọng đến người dân (công ăn việc làm của một bộ phận người dân buôn bán trên vỉa hè, ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong công tác đảm bảo trật tự đô thị); chấm dứt tình trạng đỗ xe dưới lòng đường trái quy định (nhất là các khu vực chợ, trường học, nhà hàng); chấm dứt tình trạng bán hàng trên vỉa hè. Đề xuất mô hình và khuyến khích, hỗ trợ các hộ dân cải tạo mặt đứng công trình, trồng hoa, chiếu sáng công trình theo thiết kế đô thị tuyến phố... để tạo diện mạo mới cho đô thị.
7. Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra việc lập và quản lý chi phí dịch vụ công ích đô thị và bảo đường đường bộ, đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt công tác đấu thầu dịch vụ công ích tại các địa phương để nhằm lựa chọn được đơn vị cung ứng dịch vụ có năng lực nhất và giảm giá trị hợp đồng thực hiện, tiết kiệm chi phí ngân sách nhà nước, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ.
8. Tổ chức điều tra xã hội học, khảo sát, kiểm định chất lượng các chung cư cũ, hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn tỉnh, xây dựng đề án tổng thể đề xuất được những giải pháp, chính sách chung, huy động các nguồn lực xã hội hóa để cải tạo các chung cư cũ, hư hỏng, xuống cấp, không dựa vào ngân sách nhà nước. Nâng cao công tác tuyên truyền phổ biến, vận động nhân dân, tạo được tiếng nói chung giữa Nhà nước - Doanh nghiệp - Người dân, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, xóa bỏ tình trạng trông chờ sự bao cấp, đòi hỏi bồi thường vượt quá khả năng thực tế, thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư.
9. Quan tâm đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ những người tham gia vào công tác quy hoạch (nhất là những cán bộ không chuyên, kiêm nhiệm) bao gồm cả cán bộ quản lý nhà nước về quy hoạch, đội ngũ tư vấn lập quy hoạch và cán bộ, chuyên gia thẩm định quy hoạch. Tập trung củng cố, tăng cường nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý trật tự đô thị, cán bộ phòng quản lý đô thị, cán bộ phòng tài nguyên và môi trường, cán bộ địa chính tại các xã, phường nhằm nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh chính trị vững vàng đảm bảo hoạt động của bộ máy quản lý đô thị chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tế quản lý.
10. Phát huy hiệu lực, hiệu quả và nâng cao vai trò, trách nhiệm của các Sở, ban, ngành, UBND các địa phương:
10.1. Sở Xây dựng
- Rà soát tổng thể các đơn vị tư vấn. năng lực của từng đơn vị tư vấn; năng lực, kinh nghiệm của lực lượng thẩm định quy hoạch, dự án; kiên quyết không cho các đơn vị tư vấn yếu về năng lực tham gia nghiên cứu lập quy hoạch, dự án; kiên quyết thay thế những cán bộ tại các cơ quan làm nhiệm vụ thẩm định yếu về năng lực chuyên môn tại các sở, ngành và các địa phương.
- Tham mưu đổi mới phương pháp lập quy hoạch để đáp ứng các yêu cầu chung, rà soát, đề xuất việc điều chỉnh bổ sung các quy hoạch chiến lược của tỉnh đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo giữa đồ án quy hoạch, đề xuất điều chỉnh, bổ sung; xây dựng kế hoạch triển khai cho phù hợp, đảm bảo các yêu cầu quản lý, thu hút đầu tư phát triển. Thực hiện nghiêm quy định về lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp, cộng đồng khi tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch.
- Sớm hoàn thiện, trình UBND tỉnh ban hành quy định hướng dẫn phân công, phân cấp công tác lập, thẩm định phê duyệt quy hoạch xây dựng; tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
- Tổ chức lập Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 (hoàn thành trong tháng 6/2020); tham mưu giải pháp quản lý phát triển đô thị đảm bảo tính khoa học, hội nhập, đảm bảo tính khoa học, hội nhập, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội; tham mưu thiết lập hệ thống theo dõi, giám sát quá trình phát triển đô thị theo các bộ chỉ tiêu về xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Nghiên cứu, tham mưu thành lập Ban quản lý dự án phát triển đô thị đảm bảo theo quy định hiện hành.
- Hướng dẫn các chủ đầu tư các công trình sử dụng vốn đầu tư công áp dụng Thông tư 15/2013/TT-BXD ngày 26/9/2013 của Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, UBND cấp huyện thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác quản lý trật tự xây dựng theo quy hoạch được duyệt đối với các công trình được giao, đảm bảo các công trình thực hiện tuân thủ quy hoạch được duyệt, thực hiện xử lý kịp thời các công trình thi công vi phạm trật tự xây dựng theo quy định pháp luật, không để tình trạng phạt nhiều lần nhưng vẫn để công trình sai phạm tồn tại.
- Tăng cường đôn đốc UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng, đình chỉ thi công công trình, quyết định tháo dỡ công trình vi phạm, báo cáo xử lý các vi phạm nếu vượt thẩm quyền.
- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự xây dựng để nâng cao ý thức cộng đồng về trật tự, kỷ cương trong xây dựng trên địa bàn tỉnh; rà soát, cắt bỏ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, phát triển đô thị nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư thực hiện dự án.