Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2024 xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 do tỉnh Sơn La ban hành

Số hiệu 08/CT-UBND
Ngày ban hành 05/06/2024
Ngày có hiệu lực 05/06/2024
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Sơn La
Người ký Hoàng Quốc Khánh
Lĩnh vực Thương mại,Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/CT-UBND

Sơn La, ngày 05 tháng 6 năm 2024

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2025

Năm 2024, kinh tế của tỉnh tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình thời tiết cực đoan, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu… diễn biến bất thường; giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu vẫn ở mức cao. Nhiều khó khăn, thách thức lớn, trong đó có những vấn đề vượt khỏi khả năng dự báo đã tác động xấu, ảnh hưởng đến kinh tế của tỉnh trong năm 2024. Song, tình tình kinh tế- xã hội (KTXH) của tỉnh ổn định, các cấp, các ngành tập trung quyết liệt các giải pháp phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu năm 2024 đã đề ra.

Năm 2025, là năm có ý nghĩa quan trọng, năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, đồng thời là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Tỉnh đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, quy mô kinh tế của tỉnh không ngừng được nâng cao, đời sống nhân dân được cải thiện. Tuy nhiên, kinh tế của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, yếu kém nội tại chậm được khắc phục, năng lực cạnh tranh, tính tự chủ và khả năng thích ứng trước những tác động từ bên ngoài còn chưa cao; các vấn đề xã hội, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh,… tiếp tục gây áp lực lớn đến phát triển KTXH. Để tạo tiền đề thuận lợi cho phát triển KTXH trong giai đoạn tiếp theo, thực hiện chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 22/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025; theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại tờ trình số 209/TTr-SKHĐT ngày 03/6/2024. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém, phát huy những kết quả đã đạt được; căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2021-2025 và tình hình, kết quả thực hiện đến nay để xác định rõ yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng Kế hoạch phát triển KTXH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 với quyết tâm cao nhất, triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025 theo Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Nghị quyết của HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2025.

A. XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KTXH NĂM 2025

I. YÊU CẦU

1. Đối với đánh giá kế hoạch phát triển KTXH năm 2024

Việc đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2024 phải bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển theo các Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ và HĐND các cấp về phát triển KTXH năm 2024, các Quyết định của UBND tỉnh, Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh trong điều hành thực hiện kế hoạch năm 2024.

Đánh giá đúng thực chất, bảo đảm tính khách quan, trung thực, sát thực tiễn về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2024, có sự so sánh với kết quả thực hiện của năm 2023 và các năm 2021-2023, bao gồm: các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển KTXH 06 tháng đầu năm và ước thực hiện cả năm 2024; phân tích, đánh giá những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế, xã hội, kết cấu hạ tầng, môi trường, cải cách hành chính, chuyển đổi số, quốc phòng, an ninh…; các tồn tại, hạn chế, trong đó phân tích kỹ các nguyên nhân chủ quan và khách quan; xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong những tháng cuối năm để kịp thời khắc phục, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện đời sống Nhân dân trong những tháng cuối năm.

2. Đối với xây dựng kế hoạch phát triển KTXH năm 2025

Kế hoạch phát triển KTXH năm 2025 phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá đầy đủ, chính xác tình hình, kết quả đã đạt được trong thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH các năm 2021-2023, ước thực hiện kết quả năm 2024 và dự báo tình hình quốc tế, trong nước và của tỉnh; đánh giá, phân tích, dự báo khả năng hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đề ra tại Kế hoạch 5 năm 2021-2025; tập trung theo dõi, dự báo kịp thời những diễn biến của tình hình thế giới, trong nước và của tỉnh để chuẩn bị, sẵn sàng các kịch bản, giải pháp, đối sách phù hợp, hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực có thể tác động đến mục tiêu phát triển KTXH của địa phương. Trên cơ sở đó, xác định mục tiêu của kế hoạch phát triển KTXH năm 2025 phù hợp, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và phù hợp với phương hướng phát triển KTXH 5 năm 2021-2025.

Năm 2025 là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025. Các mục tiêu, định hướng và giải pháp đề ra phải bám sát, cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, 03 khâu đột phá, 09 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, mang tính đột phá, đổi mới, mạnh mẽ quyết liệt, hiệu quả hơn; trong đó, tiếp tục nắm chắc tình hình, chủ động phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế; tập trung đẩy mạnh hơn nữa và bố trí nguồn lực thực hiện 3 khâu đột phá, nhất là phát triển nguồn nhân lực; huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại, tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế; tăng cường cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Kế hoạch của các ngành, lĩnh vực và địa phương phải phù hợp với kế hoạch 5 năm về phát triển KTXH; phù hợp với đặc điểm, trình độ phát triển của từng ngành, từng địa phương; bám sát những dự báo, đánh giá tình hình và bối cảnh của tỉnh, trong nước và quốc tế trong giai đoạn tới; đảm bảo kế thừa những thành quả đã đạt được, có đổi mới và tiếp thu, tiếp cận xu hướng phát triển chung của đất nước, cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển KTXH. Các nhiệm vụ, giải pháp phải cụ thể về nội dung, thời gian, tiến độ thực hiện, hoàn thành, đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp; cá thể hóa trách nhiệm, đảm bảo tính khả thi, gắn với khả năng cân đối, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; gắn kết chặt chẽ giữa kế hoạch phát triển KTXH và Kế hoạch đầu tư công, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025 đã đề ra.

Việc đề xuất các chỉ tiêu theo ngành, lĩnh vực phụ trách: (1) phải thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê; (2) bảo đảm khả năng thu thập thông tin, theo dõi liên tục, đánh giá định kỳ; không đề xuất các chỉ tiêu chuyên ngành, phức tạp, chủ yếu phục vụ mục đích nghiên cứu; (3) bảo đảm tính khả thi, dễ hiểu, có khả năng so sánh với dữ liệu quá khứ; (4) bảo đảm tính gắn kết chặt chẽ và phản ánh trực tiếp tình hình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Trường hợp chỉ tiêu đề xuất không thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia phải có định nghĩa, khái niệm, phương pháp tính rõ ràng, phù hợp với quy định, bảo đảm tính chính xác, đồng bộ, thống nhất về thông tin, số liệu thống kê trên phạm vi cả nước, phục vụ tốt công tác theo dõi, đánh giá và xây dựng kế hoạch; bảo đảm nguồn lực thực hiện trên nguyên tắc tiết kiệm và hiệu quả.

II. NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KTXH NĂM 2025

Các sở, ngành, địa phương căn cứ yêu cầu tại mục I, phần A Chỉ thị này, xây dựng báo cáo Kế hoạch phát triển KTXH năm 2025 với các nội dung chủ yếu sau:

1. Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2024

Trên cơ sở tình hình, kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm 2024, các sở, ngành, cơ quan đơn vị và UBND các huyện, thành phố tổ chức đánh giá và ước thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2024 trên tất cả các ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, quản lý. Nội dung đánh giá phải đầy đủ, thực chất, chính xác các kết quả đạt được (đặc biệt nêu rõ thành tựu nổi bật của năm 2024), những khó khăn, hạn chế, phân tích rõ các nguyên nhân khách quan và chủ quan, đề xuất các giải pháp, biện pháp khắc phục, trong đó có đánh giá các tác động của thiên tai, dịch bệnh mới phát sinh, biến động giá cả hàng hóa thị trường ...; bài học kinh nghiệm trong thực hiện kế hoạch năm 2024, cụ thể:

1.1. Các sở, ban, ngành đánh giá theo các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 252/NQ-HĐND ngày 07/12/2023 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Quyết định số 2665/QĐ-UBND ngày 09/12/2023 về việc giao kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Quyết định số 78/QĐ- UBND ngày 16/01/2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó báo cáo đầy đủ việc thực hiện các chỉ tiêu năm 2024 đã được giao.

1.2. Các huyện, thành phố đánh giá theo các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ, Nghị quyết của HĐND huyện, thành phố về Kế hoạch phát triển KTXH năm 2024.

1.3. Các nội dung cần tập trung đánh giá bao gồm:

- Tình hình thực hiện chủ trương, chính sách về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh theo từng ngành, lĩnh vực và địa phương. Trong đó tập trung: Phân tích chất lượng tăng trưởng kinh tế, cơ cấu lại các ngành kinh tế; cơ cấu lại đầu tư công; điều hành dự toán ngân sách nhà nước; cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh; cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể và hợp tác xã; năng lực sản xuất mới tăng thêm trong năm 2024.

- Tình hình thực hiện các đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực; chất lượng giáo dục đào tạo.

- Phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KTXH theo hướng đồng bộ, nhất là các công trình giao thông trọng điểm, các dự án có tính chất liên vùng, hạ tầng chuyển đổi số tạo động lực thu hút đầu tư; thực hiện kế hoạch đầu tư công. Công tác lập, phê duyệt và triển khai các quy hoạch; phát triển đô thị; thị trường bất động sản.

- Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và chống chịu của nền kinh tế; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả.

- Tình hình thực hiện các mục tiêu về văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, như: Công tác bảo đảm an sinh xã hội, phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động; chăm sóc người có công; chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; phát triển và đổi mới giáo dục đào tạo, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo; công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân; công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình; thông tin, văn hóa; thể dục thể thao; thực hiện các quyền của trẻ em, phát triển thanh niên, thúc đẩy bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo; phòng, chống tệ nạn xã hội, nạn tin giả; tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

- Tình hình thực hiện quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; ngăn ngừa và xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tình hình hạn hán, sạt lở, tình trạng ô nhiễm môi trường đô thị…

[...]