Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2023 về tăng cường biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dại do tỉnh Nghệ An ban hành

Số hiệu 08/CT-UBND
Ngày ban hành 11/05/2023
Ngày có hiệu lực 11/05/2023
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Nguyễn Văn Đệ
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/CT-UBND

Nghệ An, ngày 11 tháng 5 năm 2023

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH PHÒNG, CHỐNG BỆNH DẠI

Nghệ An là tỉnh có tổng đàn chó lớn, nằm trong nhóm các tỉnh có nguy cơ cao về bệnh Dại, từ đầu năm 2023 đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 04 ổ bệnh Dại động vật (tại các huyện: Nam Đàn, Quế Phong), có trên 2.500 người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng và 04 người tử vong. Nguyên nhân chủ yếu do: (i) Người nuôi chủ quan chưa tiêm phòng vắc xin Dại cho chó, mèo; (ii) Tình trạng chó thả rông còn nhiều đặc biệt là vùng nông thôn, miền núi; (iii) Người bị tử vong do không điều trị dự phòng kịp thời; (iv) Công tác chia sẻ thông tin, phối hợp giám sát, điều tra các trường hợp nghi ngờ về bệnh Dại giữa y tế và thú y cấp huyện chưa thường xuyên; (v) Một số chính quyền địa phương chưa quan tâm đến công tác phòng, chống bệnh Dại, chưa áp dụng chế tài xử lý vi phạm hành chính theo quy định.

Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 21/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dại; để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bệnh Dại, giảm thiểu và tiến tới không còn người chết vì bệnh Dại, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ngành cấp tỉnh có liên quan tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh Dại theo quy định của Luật Thú y, Luật Phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; đặc biệt là tổ chức triển khai có hiệu quả, đạt được các mục tiêu của Kế hoạch phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2022-2030 (sau đây gọi chung là Kế hoạch) được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 766/QĐ-UBND ngày 24 tháng 3 năm 2022; trong đó, chú trọng các nội dung sau:

1. UBND các huyện, thành phố, thị xã

a) Ban hành văn bản chỉ đạo UBND cấp xã, các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống bệnh Dại ở người và động vật. Giao Chủ tịch UBND cấp xã, Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh Dại; xử lý cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý trong công tác phòng, chống bệnh Dại theo quy định.

b) Bố trí đủ nguồn lực để tổ chức triển khai có hiệu quả kế hoạch phòng, chống bệnh Dại của địa phương, tập trung tổ chức tiêm vắc xin Dại cho đàn chó, mèo đồng loạt vào cùng một thời điểm. Ngoài nguồn vắc xin tỉnh cấp, địa phương chủ động hỗ trợ mua vắc xin, tổ chức tiêm vắc xin Dại cho đàn chó, mèo tại các ổ dịch, ổ dịch cũ, vùng nguy cơ cao, vùng xây dựng an toàn dịch bệnh Dại, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng miền núi, vùng biên giới,...

c) Tăng cường quản lý đàn chó, mèo, tổ chức thống kê chính xác số hộ nuôi và số chó, mèo ở từng khu dân cư; lập sổ sách để theo dõi biến động và công tác tiêm phòng vắc xin Dại. Hướng dẫn, yêu cầu các hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện nghiêm khai báo, chấp hành nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình; chó khi ra nơi công cộng phải rọ mõm, có xích giữ chó, có người dắt và đã được tiêm phòng vắc xin Dại theo đúng quy định.

Báo cáo kết quả thống kê đàn chó mèo, kết quả tiêm phòng vắc xin Dại gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y (địa chỉ: số 55 đường Nguyễn Sinh Sắc, thành phố Vinh, file điện tử gửi qua địa chỉ email: phongdichtenghean@gmail.com) trước ngày 25/5/2023 theo mẫu biểu đính kèm.

d) Chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức thực hiện tiêm phòng vắc xin Dại bảo đảm đạt từ 70% tổng đàn trở lên; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung, tránh bỏ sót chó, mèo.

đ) Khi có dịch bệnh Dại xảy ra tập trung mọi nguồn lực triển khai cấp bách các giải pháp phòng, chống nhằm bao vây, khống chế dịch trong diện hẹp, giảm thiểu tổn thất tính mạng con người.

Chỉ đạo Trạm Y tế xã đưa ngay người bị chó Dại cắn đến cơ sở y tế để điều trị dự phòng bệnh Dại.

e) Thành lập các Đoàn công tác do Lãnh đạo UBND cấp huyện làm trưởng đoàn (thành phần có các đơn vị chuyên môn phụ trách thú y, y tế) kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Dại, quản lý đàn chó, mèo, tiêm phòng vắc xin...

g) Chỉ đạo, tổ chức xây dựng vùng an toàn dịch bệnh Dại trên động vật, đặc biệt tại những khu du lịch, khu vực thành phố, thị xã, thị trấn, khu đông dân cư và các xã đã đăng ký xây dựng vùng an toàn dịch bệnh Dại.

h) Áp dụng chế tài xử lý vi phạm hành chính các trường hợp chủ nuôi vi phạm quy định về phòng, chống bệnh Dại, tiêm phòng vắc xin Dại, để chó, mèo cắn người. Kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân sử dụng các phương pháp chưa được công nhận, sử dụng thuốc chưa được phép lưu hành để khám, điều trị cho người bị bệnh Dại hoặc người bị chó, mèo cắn.

i) Chỉ đạo Trung tâm Y tế cấp huyện kịp thời chia sẻ thông tin với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện ngay khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp người bị chó, mèo mắc bệnh Dại hoặc nghi mắc bệnh Dại cắn để điều tra, xác định nguyên nhân và thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

k) Các huyện khu vực Biên giới tổ chức theo dõi, giám sát, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm vận chuyển chó, mèo bất hợp pháp qua biên giới vào trong tỉnh.

l) Nâng cao năng lực cho đội ngũ thú y, y tế các cấp trong công tác giám sát và phòng, chống bệnh Dại.

m) Tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân (đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi, đối tượng trẻ em) bằng nhiều hình thức, nhất là qua hệ thống đài truyền thanh cơ sở về tính chất nguy hiểm của bệnh Dại, các biện pháp phòng chống dịch bệnh, kê khai hoạt động nuôi chó, mèo, khi ra ngoài có rọ mõm, dây xích, người dắt, tiêm phòng vắc xin dại đầy đủ; người bị chó, mèo cắn đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị dự phòng kịp thời, tuyệt đối không sử dụng thuốc nam...

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các huyện, thành phố, thị xã thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh Dại, đặc biệt kiểm tra, chấn chỉnh công tác tiêm phòng của địa phương.

- Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các cơ quan liên quan và địa phương:

+ Theo dõi chặt chẽ, tổng hợp tình hình bệnh Dại, tham mưu các giải pháp phòng chống dịch bệnh phù hợp, hiệu quả trên địa bàn tỉnh; kịp thời chia sẻ thông tin với ngành Y tế khi có các ca bệnh Dại trên đàn chó, mèo.

+ Chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, vắc xin phục vụ công tác tiêm phòng, tiêu độc khử trùng và xử lý ổ dịch.

+ Tổng hợp, báo cáo số liệu tổng đàn chó, mèo, kết quả tiêm phòng và tình hình dịch bệnh Dại động vật trên Hệ thống báo cáo dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS).

3. Sở Y tế

- Đảm bảo việc tiếp cận vắc xin phòng bệnh Dại cho người, phổ biến địa chỉ các điểm tiêm phòng bệnh Dại và truyền thông hướng dẫn người bị chó, mèo cắn đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời.

- Chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh: kịp thời trao đổi, chia sẻ thông tin trong giám sát bệnh Dại trên người với ngành Thú y; phối hợp điều tra dịch tễ tại địa bàn có liên quan, triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh Dại theo hướng tiếp cận “Một sức khỏe”, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật.

[...]
1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ