Chỉ thị 07/CT-UBND về tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 và các năm tiếp theo do tỉnh Bắc Ninh ban hành

Số hiệu 07/CT-UBND
Ngày ban hành 09/06/2020
Ngày có hiệu lực 09/06/2020
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Ninh
Người ký Nguyễn Hương Giang
Lĩnh vực Thương mại,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/CT-UBND

Bắc Ninh, ngày 09 tháng 6 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TIẾP TỤC CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH (PCI) NĂM 2020 VÀ CÁC NĂM TIẾP THEO

Ngày 05/5/2020, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2019, điểm Chỉ số PCI năm 2019 của tỉnh Bắc Ninh đạt 70,79 điểm 0(tăng 6,29 điểm), xếp thứ 4/63 trên toàn quốc (tăng 11 hạng so với năm 2018) và nằm trong nhóm dẫn đầu.

Thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020; xây dựng môi trường kinh doanh của tỉnh thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, tạo động lực cho thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và giai đoạn 2021 - 2025, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị các ngành, các cấp thực hiện tốt các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh năm 2020 như sau:

I. Các giải pháp chung

1. Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 10/CT –TTg ngày 22 tháng 4 năm 2019 về việc xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc gắn với cải thiện Chỉ số PCI Bắc Ninh

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị nghiêm túc quán triệt, chỉ đạo chặt chẽ, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc; nghiêm chỉnh thực hiện đúng quy định việc tiếp công dân, tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân theo đúng quy định; trước hết người đứng đầu các cơ quan đơn vị phải đề cao trách nhiệm nêu gương, gương mẫu thực hiện và tăng cường trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao. Xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị cấp dưới thiếu trách nhiệm, để cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp; xử lý ngay người đứng đầu có biểu hiện bao che, dung túng nhân viên dưới quyền có hành vi sai trái.

Áp dụng nguyên tắc minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình, đối thoại trong giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, kiến nghị của nhân dân, thông tin từ các cơ quan truyền thông; bồi dưỡng kỹ năng mềm cho cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, địa phương để nâng cao nhận thức, phục vụ nhân dân tốt hơn; thay đổi ứng xử của cơ quan Nhà nước và người dân theo tinh thần “thân thiện, lắng nghe, thấu cảm, tận tâm”; khen thưởng các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt; xử lý nghiêm minh tổ chức, cá nhân gây giảm điểm đối với từng chỉ số thành phần, từng Chỉ số nội dung trong Chỉ số PCI có liên quan đến ngành mình; điều chuyển thay thế cán bộ thực thi công vụ chậm trễ, thiếu tinh thần, thái độ phục vụ, gây khó khăn, nhũng nhiễu, bị doanh nghiệp và người dân có ý kiến phản ánh.

Các Sở, ngành, địa phương thực hiện đầy đủ các biện pháp giảm thiểu chi phí không chính thức trong Chỉ số PCI. Thúc đẩy thực hành liêm chính trong quan hệ giữa cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp, người dân, thực hiện các biện pháp cải thiện trên thực tế thông qua các chỉ số đo lường chất lượng quản trị địa phương; thực hiện nghiêm việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị do mình phụ trách xảy ra phiền hà, nhũng nhiễu, tham nhũng; Tạo điều kiện trong tiếp nhận và xử lý, bảo vệ người dân thực hiện việc phản ánh, tố cáo hành vi phiền hà, nhũng nhiễu, tham nhũng.

Chủ tịch UBND tỉnh sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu đối với việc xảy ra giảm điểm các Chỉ số thành phần, thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện hiệu quả quản trị hành chính công; giải quyết không kịp thời và không triệt để các kiến nghị, khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp và người dân.

2. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm hành chính công tỉnh, Trung tâm hành chính công cấp huyện (TTHCC) và bộ phận một cửa cấp xã hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp

Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Hành chính công (TTHCC) các cấp; hoàn thiện những nội dung chi tiết để nâng cao chất lượng phục vụ tại TTHCC như phiếu đăng ký làm thủ tục hành chính, giấy hẹn phải có thông tin liên lạc của cán bộ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính để người dân liên lạc trở lại khi cần; giảm thiểu tình trạng tiếp xúc trực tiếp, giảm thiểu phát sinh chi phí không chính thức, tiết kiệm thời gian và minh bạch hóa việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức ở các Sở, ngành.

Hình thành hệ thống chỉ đạo chuyên môn xuyên suốt từ Trung tâm hành chính công tỉnh, TTHCC cấp huyện và bộ phận một cửa cấp xã về đào tạo, rà soát trang thiết bị, kiểm tra quy trình làm việc; liên thông các ngành và các cấp về một số thủ tục hành chính,..làm rõ trách nhiệm hỗ trợ, giải quyết thủ tục hành chính, Lãnh đạo Sở, ngành (cấp tỉnh), phòng, ban (cấp huyện) tiếp, xử lý vấn đề phát sinh tại Trung tâm hành chính công; thực hiện hiệu quả hệ thống tiếp nhận Hỏi – đáp; bố trí lãnh đạo Trung tâm hành chính công và lãnh đạo Sở, ngành tham gia tiếp đón và tham gia trực khi cần thiết trong trường hợp có lượng giao dịch tăng đột biến hoặc có vụ việc phức tạp để tạo sự yên tâm cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức. Minh bạch bảng thông tin chung về cơ sở dữ liệu quy hoạch, chính sách của nhà nước để người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận tại Trung tâm HCC.

Phát huy vai trò tích cực của chính quyền điện tử gắn với hoạt động hiệu quả của các trung tâm hành chính công; lấy hiệu quả phục vụ, sự hài lòng của nhân dân, doanh nghiệp làm thước đo; tạo môi trường thuận lợi thực sự để đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, thái độ văn minh, lịch sự gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đổi mới chế độ công chức, công vụ. Các Sở, ngành lựa chọn cán bộ có năng lực và phẩm chất tốt, được đào tạo kỹ năng trong tiếp nhận và giải quyết hồ sơ; thay thế cán bộ cấp phòng, cán bộ tiếp nhận, thụ lý hồ sơ có ý kiến phản ánh phục vụ chưa tốt, nhũng nhiễu; điều chỉnh phân công lãnh đạo các Sở, ngành phụ trách lĩnh vực giải quyết thủ tục hành chính theo hướng chuyên môn sâu, giải quyết cụ thể, xử lý cơ bản các vướng mắc tồn đọng.

Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng các kết quả đánh giá của người dân, doanh nghiệp, tổ chức về mức độ hài lòng đối với dịch vụ công. Tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp được tham gia góp ý, giám sát quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, nhất là trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ công, hỗ trợ doanh nghiệp,… Trong trường hợp cơ quan trả kết quả chậm hoặc cán bộ hướng dẫn không chu đáo dẫn tới doanh nghiệp phải mất thêm thời gian hoàn chỉnh hồ sơ hoặc đi lại mà lỗi thuộc về cơ quan nhà nước, Thủ trưởng cơ quan phải có thư xin lỗi tới người dân và doanh nghiệp.

Hình thành cơ chế liên thông và hỗ trợ giải quyết các thủ tục hành chính phức tạp; cơ chế liên thông dọc ở cấp huyện và cấp tỉnh; hỗ trợ cơ chế một cửa ở cấp xã. Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Ban quản lý các Khu công nghiệp thành lập Tổ công tác thường trực do Giám đốc các đơn vị và các phòng liên quan giải quyết thủ tục về thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường; theo dõi vướng mắc của doanh nghiệp.

3. Ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) và nâng cao vai trò của các hiệp hội, câu lạc bộ doanh nghiệp

Các Sở ngành, đơn vị rà soát và đề xuất sửa đổi, ban hành mới các quy định và tăng cường công khai minh bạch các chính sách, pháp luật liên quan tới doanh nghiệp, nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho các DNNVV, nhất là hỗ trợ đất đai, xử lý môi trường, đào tạo, ứng dụng tiến bộ công nghệ, xây dựng thương hiệu; giải quyết cơ chế quản lý cụm công nghiệp, sản xuất khu vực làng nghề,..

Nâng cao vai trò của Hiệp hội, câu lạc bộ doanh nghiệp về trợ giúp phát triển DNNVV trong triển khai thực hiện trợ giúp phát triển DNNVV nhằm đảm bảo nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước được sử dụng hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm để giúp doanh nghiệp đó đạt được kết quả cụ thể trong phát triển sản xuất kinh doanh.

Các ngành, UBND cấp huyện, tổ chức đối thoại, đẩy mạnh các kênh tham vấn, lắng nghe cộng đồng DNNVV trong xây dựng và triển khai các chính sách trợ giúp; trả lời 100% các kiến nghị bằng văn bản, qua cổng thông tin điện tử các ý kiến của doanh nghiệp; hiệp hội doanh nghiệp, hợp tác xã. Tạo điều kiện và hỗ trợ hiệp hội, câu lạc bộ doanh nghiệp có đủ năng lực tham gia thực hiện các chính sách trợ giúp DNNVV; nhất là đào tạo nhân lực; các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp.

4. Tạo chuyển biến về cách ứng xử, giữa cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả trong nắm bắt, giải quyết kiến nghị, khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp

Các Sở, ngành, địa phương tăng cường sự thân thiện, quan tâm lắng nghe với tinh thần tận tâm trong tiếp xúc, đối thoại và giải quyết kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Nâng cao trách nhiệm giải trình để củng cố niềm tin cho người dân, doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh; đối thoại doanh nghiệp trên các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai, quản lý đô thị, vận tải, thuế, hải quan, lao động, sản xuất làng nghề, nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp, gắn với Mô hình Bác sĩ doanh nghiệp; tiếp nhận ý kiến của doanh nghiệp và xử lý những trường hợp thanh tra, kiểm tra trùng lắp, gây phiền hà cho doanh nghiệp; điều phối các hoạt động nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; theo dõi đánh giá chất lượng việc giải quyết kiến nghị, hỗ trợ doanh nghiệp.

Thực hiện nghiêm Quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong việc giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp, chế độ theo dõi, tổng hợp, tham mưu, giải quyết kiến nghị doanh nghiệp và đối thoại trực tuyến, công khai địa chỉ hoặc thư điện tử để tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp, công khai việc giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử tỉnh và Cổng thông tin điện tử thành phần của các Sở, ngành, địa phương,…

II. Các giải pháp cải thiện điểm Chỉ số thành phần PCI

1. Các giải pháp nâng cao điểm Chỉ số thành phần bị giảm điểm

1.1. Chỉ số Gia nhập thị trường

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Cục Thuế tỉnh, Công an tỉnh, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương, Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Y tế, các ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá của chỉ số này trong năm 2020, tập trung triển khai các nhiệm vụ chính sau:

[...]