Chỉ thị 11/CT-UBND về nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 do thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 11/CT-UBND
Ngày ban hành 05/06/2020
Ngày có hiệu lực 05/06/2020
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Đức Chung
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/CT-UBND

Hà Nội, ngày 05 tháng 6 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC NÂNG CAO CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH (PCI) NĂM 2020

Theo công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ngày 05/5/2020, Hà Nội tiếp tục nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước năm 2019. Chỉ số PCI năm 2019 của Hà Nội xếp thứ 9/63, giữ nguyên bậc so với năm 2018, tăng 15 bậc so với năm 2015, tăng 42 bậc so với năm 2012, thuộc nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt. Trong 7 năm liên tiếp từ năm 2012, Chỉ số PCI của Hà Nội duy trì tăng hạng và tăng điểm. Năm 2019, Hà Nội có 8/10 chỉ số tăng hạng so với năm 2018: (1) Chỉ số “Tính minh bạch và tiếp cận thông tin” (do Sở Thông tin và truyền thông chủ trì) xếp thứ 36, tăng 19 bậc; (2) Chỉ số “Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất” (do Sở Tài nguyên và Môi trường là đầu mối triển khai) xếp thứ 41, tăng 15 bậc; (3) Chỉ số “Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự” (do Sở Tư pháp là đầu mối triển khai) xếp thứ 45, tăng 13 bậc; (4) Chỉ số “Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh, thành phố” (do Sở Nội vụ là đầu mối triển khai) xếp thứ 45, tăng 12 bậc; (5) Chỉ số “Môi trường cạnh tranh bình đẳng” (do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội là đầu mối triển khai) xếp thứ 56, tăng 6 bậc; (6) Chỉ số “Chi phí không chính thức” (do Thanh tra Thanh phố là đầu mối triển khai) xếp thứ 41, tăng 2 bậc; (7) Chỉ số “Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước” (do Văn phòng UBND Thành phố là đầu mối triển khai) xếp thứ 21, tăng 1 bậc; (8) Chỉ số “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp” (do Sở Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối triển khai) xếp thứ 4, tăng 1 bậc; 1/10 chỉ số giữ nguyên hạng so với năm 2018: Chỉ số “Đào tạo lao động” (do Sở Lao động Thương binh và Xã hội là đầu mối triển khai) xếp thứ 4, giữ nguyên hạng; 1/10 chỉ số giảm hạng so với năm 2018: Chỉ số “Chi phí gia nhập thị trường” (do Sở Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối triển khai) xếp thứ 10, giảm 04 bậc.

Hầu hết các Chỉ số thành phần Hà Nội xếp hạng thấp năm 2018 đã cải thiện lên mức khá, trung bình năm 2019, trong đó: (1) đáng kể nhất là Chỉ số “Tính minh bạch” tăng 19 bậc từ xếp thứ 55 lên 36; (2) Chỉ số “Tiếp cận đất đai” luôn được coi là rất khó cải thiện với đặc thù của Thành phố đã có sự chuyển biến đáng kể, tăng 15 bậc từ xếp thứ 56 lên 41; (3) Chỉ số “Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự” tăng 13 bậc từ xếp thứ 58 lên 45; (4) Chỉ số “Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh, thành phố” tăng 12 bậc từ xếp thứ 57 lên 45. Thành phố tiếp tục duy trì được các Chỉ số có truyền thống xếp hạng tốt là Đào tạo lao động và Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong top 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu, tuy nhiên có sự giảm sút nhẹ về điểm số và xếp hạng của Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số chỉ số và chỉ tiêu cần tiếp tục có biện pháp khắc phục: Chỉ số “Môi trường cạnh tranh bình đẳng” đã cải thiện cả về điểm số và xếp hạng (tăng 6 bậc), tuy nhiên đây là chỉ số duy nhất năm 2019 vẫn nằm trong nhóm xếp hạng thấp, xếp thứ 56. Chỉ số “Gia nhập thị trường” tuy vẫn duy trì nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước nhưng là chỉ số duy nhất năm 2019 có sự sụt giảm cả về điểm số và xếp hạng. Đối với nhóm 25 chỉ tiêu liên quan đến đánh giá cán bộ công chức của Thành phố, kết quả điều tra năm 2019 cho thấy đã có sự cải thiện nhưng chưa nhiều, vẫn còn 9 chỉ tiêu xếp hạng thấp từ 50 đến 59, ví dụ: Chỉ tiêu “Cán bộ công chức thân thiện” xếp thứ 58/63; “Cán bộ công chức giải quyết công việc hiệu quả” xếp thứ 57/63; “Tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp là phổ biến” xếp thứ 59/63; “Có những sáng kiến hay ở cấp tỉnh nhưng chưa được thực thi tốt ở cấp sở, ngành và quận, huyện (cấp sở, ngành xếp thứ 56/63; cấp quận, huyện xếp thứ 57/63).

Để phấn đấu duy trì Chỉ số PCI năm 2020 trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; thực hiện tốt Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020; Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 09/11/2018 của Chính phủ về Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai hiệu quả Kế hoạch số 83/KH-UBND ngày 22/4/2020 của UBND Thành phố, đồng thời tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:

I. Tập trung khắc phục chỉ số thành phần, chỉ tiêu có xu hướng giảm hạng, có xếp hạng thấp và trung bình

1. Chỉ số “Môi trường cạnh tranh bình đẳng” (xếp thứ 56/63 - chỉ số duy nhất năm 2019 vẫn nằm trong nhóm xếp hạng thấp).

Giao Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với các Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội ngành nghề theo dõi và triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện Chỉ số “Cạnh tranh bình đẳng”. Tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các chính sách của Trung ương và Thành phố liên quan đến doanh nghiệp. Chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước của Thành phố đế tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp của Thành phố, các quy hoạch, kế hoạch của Thành phố; Là đầu mối tiếp nhận thông tin, kiến nghị của doanh nghiệp, chuyển tải thông tin, báo cáo UBND Thành phố để giải đáp, xử lý và tháo gỡ cho doanh nghiệp.

2. Chỉ số “Chi phí gia nhập thị trường” (xếp thứ 10/63 - chỉ số duy nhất giảm hạng trong năm 2019)

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì triển khai các giải pháp để cải thiện và nâng cao Chỉ số “Chi phí gia nhập thị trường”: Giữ vững tỷ lệ 100% tổng số hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tiếp nhận thực hiện qua mạng. Đảm bảo thời gian giải quyết đúng hạn và sớm trước quy định đối với cả thủ tục đăng ký mới và thủ tục thay đổi đăng ký doanh nghiệp. Phấn đấu 100% thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; 30% hồ sơ trực tuyến được giải quyết đạt mức độ 4; 50% số thủ tục hành chính có quy định tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích. Rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết trong nội bộ nhằm phản hồi tính hợp lệ của hồ sơ đến doanh nghiệp một cách nhanh nhất, giảm thời gian doanh nghiệp hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức hoạt động. Thực hiện có hiệu quả mô hình “Cơ quan đăng ký kinh doanh nhiệt tình, thân thiện”. Chú trọng nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký kinh doanh.

3. Chỉ số “Tiếp cận đất đai” (xếp thứ 41/63 - tăng 15 bậc)

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì thực hiện các giải pháp khắc phục kết quả Chỉ số Tiếp cận đất đai; Chủ trì, phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện công khai thông tin về Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất; tổ chức cung cấp thông tin Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân thuận lợi và nhanh chóng; tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng. Tiếp tục rà soát, thực hiện quyết liệt để cơ bản hoàn thành 100% cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn; giải quyết vướng mắc và nâng cao tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức. Hoàn thiện, đưa vào sử dụng hệ thống hồ sơ địa chính tổng thể và dữ liệu đất đai trên địa bàn Thành phố. Tham mưu xây dựng khung giá đất sát với giá thực tế trên thị trường.

4. Chỉ số “Tính minh bạch” (xếp thứ 36/63 - tăng 19 bậc)

a) Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, đầu mối theo dõi và triển khai các giải pháp đế cải thiện Chỉ số “Tính minh bạch”. Tham mưu UBND Thành phố đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền điện tử.

b) Giao các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương, nghiêm túc thực hiện công khai, minh bạch thông tin trên website/trang thông tin điện tử của các đơn vị; cập nhật và hướng dẫn rõ ràng: quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mới, các chính sách ưu đãi đầu tư của Thành phố... cho công dân, doanh nghiệp. Các biểu mẫu hướng dẫn phải đúng quy định, đầy đủ, dễ thực hiện và thường xuyên được cập nhật. Tiến tới doanh nghiệp chỉ phải thực hiện những nội dung mà các đơn vị đã công khai. Thời hạn hoàn thành việc công khai, cập nhật thông tin trên website/trang thông tin điện tử của các đơn vị trước 30/6/2020.

5. Chỉ số “Tính năng động của chính quyền tỉnh” (xếp thứ 45/63) và các chỉ tiêu liên quan đến cán bộ công chức, cải cách hành chính trong Chỉ số “Chi phí thời gian”, Chỉ số “Chi phí không chính thức”

a) Giao Sở Nội vụ chủ trì, đầu mối theo dõi và triển khai các giải pháp để cải thiện Chỉ số “Tính năng động của chính quyền tỉnh” và các chỉ tiêu đánh giá về cán bộ công chức trong các chỉ số thành phần của Chỉ số PCI; Văn phòng UBND Thành phố chủ trì, đầu mối theo dõi và triển khai các giải pháp để cải thiện “Chi phí thời gian”; Thanh tra Thành phố chủ trì, đầu mối theo dõi và triển khai các giải pháp để cải thiện Chỉ số “Chi phí không chính thức”.

b) Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin đế giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp trong khởi sự kinh doanh và thực hiện các quy định của nhà nước. Đảm bảo thực thi nghiêm túc những nội dung được đơn giản hóa của các quy định về điều kiện kinh doanh; không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh trái quy định của pháp luật theo tinh thần Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 09/11/2018 của Chính phủ. Xử lý nghiêm những cán bộ, công chức không thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về điều kiện kinh doanh.

Giao Văn phòng UBND Thành phố theo dõi, tổng hợp báo cáo về kết quả đơn giản hóa thủ tục hành chính và cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

c) Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường chủ động trong công tác truyền thông, tạo sự đồng thuận xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh thuộc trách nhiệm của mình. Chủ động trong việc xây dựng hình ảnh của đơn vị, đóng góp vào hình ảnh của Thành phố: “Xây dựng chính quyền phục vụ - Lấy người dân và doanh nghiệp là đối tượng để phục vụ”.

6. Chỉ số “Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự” (xếp thứ 45/63).

Giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp Tòa án nhân dân Thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố, Cục Thi hành án dân sự Thành phố triển khai các giải pháp cải thiện Chỉ số “Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự”: Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, chất lượng hoạt động xét xử các loại vụ án, đẩy nhanh tiến độ thi hành án dân sự để doanh nghiệp tin tưởng vào sự bảo vệ của pháp luật. Chủ trì tham mưu xây dựng quy chế phối hợp giữa Tòa án nhân dân Thành phố và UBND Thành phố trong việc cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ cho Tòa án nhân dân các cấp phục vụ quá trình giải quyết các vụ án.

Triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; kịp thời xử lý đúng quy định đối với hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp; đảm bảo các tranh chấp hợp đồng và phá sản doanh nghiệp được thực hiện theo đúng quy định. Tăng cường vai trò của các Trung tâm tư vấn pháp luật, đội ngũ Luật sư trong việc tổ chức thực hiện các hoạt động tư vấn pháp luật, chú trọng tăng cường hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

II. Duy trì, cải thiện các chỉ số thành phần, chỉ tiêu có xếp hạng tốt

1. Chỉ số “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp” (xếp thứ 4/63)

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì triển khai các giải pháp để phát huy kết quả Chỉ số “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp”. Tích cực hỗ trợ thành lập mới doanh nghiệp: phí công bố doanh nghiệp, dấu pháp nhân, chuyển phát nhanh theo yêu cầu; hỗ trợ các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, giám đốc điều hành, các hộ kinh doanh cá thể; hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo (start up); Tiếp tục chủ động phát triển các dịch vụ tiện ích hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; Chủ trì tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025.

2. Chỉ số “Đào tạo lao động” (xếp thứ 4/63)

[...]