Chỉ thị 07/CT-BYT năm 2024 tăng cường công tác giám định pháp y, pháp y tâm thần và bắt buộc chữa bệnh do Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 07/CT-BYT
Ngày ban hành 09/09/2024
Ngày có hiệu lực 09/09/2024
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Đào Hồng Lan
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/CT-BYT

Hà Nội, ngày 09 tháng 9 năm 2024

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC GIÁM ĐỊNH PHÁP Y, PHÁP Y TÂM THẦN VÀ BẮT BUỘC CHỮA BỆNH

Trong thời gian qua, các tổ chức pháp y, pháp y tâm thần và bắt buộc chữa bệnh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ và đạt được kết quả quan trọng; chất lượng giám định đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu của các cơ quan tố tụng, tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật và hướng dẫn chuyên môn của một số đơn vị, cá nhân chưa tốt dẫn đến vi phạm pháp luật, gây bức xúc trong xã hội. Để làm tốt hơn nữa công tác giám định pháp y, pháp y tâm thần và bắt buộc chữa bệnh, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Bệnh viện trực thuộc Bộ, Bệnh viện thuộc các Trường Đại học; Thủ trưởng Y tế Bộ, Ngành, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, pháp y, pháp y tâm thần và bắt buộc chữa bệnh và các đơn vị có liên quan khẩn trương, nghiêm túc thực hiện một số công việc sau:

1. Tiếp tục giữ vững và phát huy các kết quả đã đạt được; không để xảy ra các hành vi tiêu cực, các vi phạm trong chuyên môn cũng như trong quản lý tại các đơn vị như sự việc xảy ra tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa; đây là vấn đề cảnh tỉnh đối với toàn ngành Y tế nói chung và các cơ sở giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần và bắt buộc chữa bệnh nói riêng.

2. Nâng cao bản lĩnh chính trị của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động để không bị mua chuộc, cám dỗ; xử lý nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm; Có hình thức khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công.

3. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, nâng cao hơn nữa vai trò của người đứng đầu đơn vị, lãnh đạo khoa/phòng; tăng cường truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ y tế và người dân các quy định về công tác giám định y khoa, giám định pháp y, pháp y tâm thần, bắt buộc chữa bệnh và các quy định liên quan.

4. Đối với các đơn vị thực hiện giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần và bắt buộc chữa bệnh:

4.1. Tiếp nhận trưng cầu/yêu cầu của cơ quan tố tụng, của các tổ chức, cá nhân và thực hiện giám định phải đảm bảo khách quan, trung thực, chính xác, đúng quy trình, quy định của Luật Giám định tư pháp, Nghị định, các Thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế, các Bộ, ngành và các văn bản luật có liên quan; chỉ tiếp nhận giám định khi có đầy đủ hồ sơ theo quy định; Phối hợp chặt chẽ với cơ quan pháp luật có liên quan khi thực hiện giám định.

4.2. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn trên địa bàn, chủ động triển khai ký hợp đồng, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế thực hiện khám chuyên khoa, khám cận lâm sàng cho các đối tượng; tăng cường trao đổi thông tin về tình hình, kết quả giám định với cơ quan quyết định trưng cầu.

4.3. Đối với các cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh: Ngoài thực hiện các yêu cầu trên phải thực hiện nghiêm các nội dung sau:

- Thực hiện tiếp nhận, quản lý, điều trị người bệnh bắt buộc chữa bệnh theo quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2019; Nghị định số 64/2011/NĐ-CP ngày 28 tháng 07 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh; quy định của Bộ Y tế và các văn bản pháp luật có liên quan.

- Rà soát, sắp xếp khoa phòng phù hợp thực tiễn của đơn vị; những đối tượng có yếu tố nguy cơ bỏ trốn, uy hiếp an ninh, an toàn của nhân viên y tế phải bố trí phòng riêng, bố trí lực lượng bảo vệ hỗ trợ; lắp camera theo dõi; rà soát, sửa đổi các quy trình, quy chế của đơn vị phù hợp, hiệu quả; quản lý chặt chẽ việc ra vào khoa, phòng điều trị người bệnh bắt buộc chữa bệnh.

- Chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, lực lượng Công an, các cơ quan tố tụng có liên quan, gia đình bệnh nhân trong tiếp nhận, quản lý và điều trị bệnh nhân bắt buộc chữa bệnh.

5. Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:

- Tổ chức khám bệnh, chữa bệnh; cấp bản tóm tắt bệnh án, giấy chứng nhận thương tích, giấy chứng nhận mắc bệnh và điều trị, đặc biệt là các bệnh tâm thần phải tuân thủ chặt chẽ quy định về chuyên môn chẩn đoán, điều trị, quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh; quy chế bệnh viện và các quy định khác có liên quan.

- Thủ trưởng các đơn vị; các tập thể, cá nhân có liên quan phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra việc cấp các giấy tờ trên không đúng quy định để các đối tượng lợi dụng các giấy tờ này làm căn cứ đề nghị cơ quan có thẩm quyền trưng cầu hoặc yêu cầu giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần nhằm trốn tránh việc xử lý của pháp luật khi thực hiện hành vi phạm tội.

6. Tổ chức thực hiện:

- Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Thủ trưởng Y tế Bộ, ngành phổ biến, Chỉ thị này tới 100% các đơn vị, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý để thực hiện.

- Các Vụ/Cục/đơn vị thuộc Bộ Y tế theo chức năng, nhiệm vụ tham mưu Bộ Y tế các giải pháp nhằm đảm bảo phát triển công tác giám định y khoa, giám định pháp y, pháp y tâm thần và bắt buộc chữa bệnh./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Bộ Tư pháp;
- Bộ Công an;
- Các đ/c Thứ trưởng (để chỉ đạo);
- UBND các tỉnh, TP. trực thuộc TW (để p/h);
- Công đoàn Y tế Việt Nam;
- Đơn vị thuộc và trực thuộc BYT (để t/h);
- Sở Y tế các tỉnh, TP trực thuộc TW (để t/h);
- Y tế các bộ, ngành (để t/h);
- Cổng TTĐT BYT;
- Lưu: VT, KCB.

BỘ TRƯỞNG




Đào Hồng Lan