Chỉ thị 07/2001/CT-TTg về đảm bảo tính thống nhất các quy định về thuế trong các văn bản quy phạm pháp luật do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành

Số hiệu 07/2001/CT-TTg
Ngày ban hành 24/04/2001
Ngày có hiệu lực 09/05/2001
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 07/2001/CT-TTg

Hà Nội, ngày 24 tháng 4 năm 2001

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẢM BẢO TÍNH THỐNG NHẤT CÁC QUY ĐỊNH VỀ THUẾ TRONG CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

Hệ thống các văn bản pháp luật về thuế của Nhà nước ta đã quy định khá đầy đủ, cụ thể những chính sách ưu đãi đối với các ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, trong thời gian qua có một số Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (dưới đây gọi tắt là các Bộ, cơ quan) đã xây dựng và trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực chuyên ngành trong đó có nội dung quy định ưu đãi về thuế còn chưa phù hợp, thậm chí mâu thuẫn hoặc trái với các quy định của Luật, Pháp lệnh về thuế hiện hành, dẫn đến sự không thống nhất và phức tạp của hệ thống chính sách thuế. Việc quy định ưu đãi về thuế tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành như trên chỉ căn cứ vào yêu cầu của từng ngành, lĩnh vực mà chưa căn cứ vào yêu cầu tổng thể nên đã làm hạn chế mục tiêu, yêu cầu, nguyên tắc của hệ thống chính sách thuế; tạo ra sự bất hợp lý về ưu đãi thuế giữa các ngành, lĩnh vực; làm giảm tác dụng khuyến khích đầu tư, điều tiết sản xuất và tiêu dùng của hệ thống chính sách thuế; không đảm bảo mức động viên của Nhà nước; gây khó khăn trong việc tổ chức thực hiện, làm ảnh hưởng đến công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế; tạo kẽ hở cho việc trốn thuế.

Để đảm bảo sự thống nhất và nâng cao hiệu lực của các văn bản quy phạm pháp luật về thuế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Từ nay, khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, các Bộ, cơ quan không đưa những nội dung quy định về thuế vào trong những văn bản đó. Trường hợp có những vấn đề mà các văn bản về thuế chưa đủ rõ thì kiến nghị để Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định.

2. Các Bộ, cơ quan cần khẩn trương rà soát lại các nội dung quy định về thuế trong các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành và các quy định của pháp luật thuế có liên quan đến lĩnh vực mình quản lý; nếu phát hiện thấy những điểm cần sửa đổi, bổ sung thì kiến nghị Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

3. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, cơ quan trực thuộc thông qua thực tế áp dụng các quy định về thuế trong các văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương, kiến nghị Bộ Tài chính những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung hoặc cần bãi bỏ cho phù hợp.

4. Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan triển khai, thực hiện việc rà soát các quy định về thuế trong các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn các địa phương thực hiện điểm 3 của Chỉ thị này. Trong quý II năm 2001, Bộ Tài chính chủ động xây dựng lịch và thông báo nội dung làm việc cụ thể với các Bộ, cơ quan để chuẩn bị cho công tác rà soát được thực hiện xong trong qúy III năm 2001. Tổng hợp kết quả rà soát, kiến nghị của các Bộ, cơ quan và địa phương, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong qúy IV năm 2001.

5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị này.

 

 

Nguyễn Tấn Dũng

(Đã ký)