Chỉ thị 06/CT-UBND về tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, bão năm 2022 do tỉnh Hưng Yên ban hành
Số hiệu | 06/CT-UBND |
Ngày ban hành | 05/05/2022 |
Ngày có hiệu lực | 05/05/2022 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Hưng Yên |
Người ký | Trần Quốc Văn |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/CT-UBND |
Hưng Yên, ngày 05 tháng 5 năm 2022 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM AN TOÀN CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRONG MÙA MƯA, BÃO NĂM 2022
Những năm vừa qua, tình hình mưa lũ cực đoan đã xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới cũng như ở Việt Nam nói chung và ở tỉnh Hưng Yên nói riêng, gây thiệt hại lớn. Năm 2022, theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ tháng 5, bão và áp thấp nhiệt đới bắt đầu hoạt động ở vùng biển phía Bắc biển Đông, có khả năng xuất hiện các cơn bão mạnh, di chuyển phức tạp. Tổng lượng mưa ở hầu hết các khu vực được dự báo bằng hoặc cao hơn trung bình nhiều năm, đặc biệt có xu hướng gia tăng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, trong đó có tỉnh Hưng Yên.
Thực hiện Chỉ thị số 1652/CT-BNN-TCTL ngày 18/3/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2022. Để chủ động phòng, chống và ứng phó kịp thời với những diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai năm 2022, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra và đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Kiểm tra việc lập và thực hiện quy trình vận hành công trình thủy lợi trên địa bàn; rà soát, đánh giá các nội dung không còn phù hợp, báo cáo UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung quy trình vận hành nhằm bảo đảm vận hành an toàn công trình thủy lợi.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trên địa bàn; tổng hợp kết quả kiểm tra, đánh giá an toàn công trình thủy lợi trước và sau mùa mưa, bão (bao gồm hiện trạng công trình, phương án ứng phó với thiên tai, công tác chuẩn bị vật tư, vật liệu dự phòng để thực hiện phương châm 4 tại chỗ,...) báo cáo kết quả kiểm tra về UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo yêu cầu.
- Đôn đốc Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh và các địa phương thực hiện công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
- Thực hiện công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại địa phương theo phương châm “bốn tại chỗ”; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện dự phòng để có thể xử lý ngay nếu có sự cố xảy ra.
- Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan và các xã, phường, thị trấn phối hợp với Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; giải tỏa các điểm ách tắc dòng chảy kênh mương thủy lợi nội đồng.
- Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật về thủy lợi nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi; tuyên truyền nhân dân tham gia bảo vệ công trình thủy lợi.
- Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan phối với các đơn vị khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn rà soát, đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị thi công công trình thủy lợi và các công trình liên quan đến công trình thủy lợi đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành trước mùa mưa, bão. Trong trường hợp công trình phải thi công trong mùa mưa, bão, úng yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị thi công xây dựng phương án thi công đảm bảo an toàn cho công trình và công tác phòng, chống bão, úng (phương án thi công xây dựng, sửa chữa công trình phải được UBND cấp huyện thông qua để làm cơ sở cho việc thực hiện).
- Đối với các huyện, thị xã, thành phố có kênh Bắc Hưng Hải: Phối hợp với Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng cống điều tiết, bờ kênh; huy động nguồn lực khẩn trương tu bổ, tôn cao áp trúc những vị trí xung yếu, bảo đảm phòng, chống úng năm 2022.
3. Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh:
- Tổ chức tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi. Bố trí lực lượng đủ trình độ, năng lực để quản lý, vận hành công trình thủy lợi; kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình trước và sau mùa mưa, lũ; trực ban và giám sát an toàn công trình nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các nguy cơ xảy ra sự cố công trình.
- Theo dõi, cập nhật dự báo khí tượng thủy văn và áp dụng công nghệ tiên tiến vào quản lý, khai thác công trình thủy lợi phục vụ công tác chỉ đạo, vận hành an toàn công trình thủy lợi.
- Tổ chức vận hành thử các trạm bơm tiêu, cống tiêu, cửa van, thiết bị và bố trí đủ vật tư, thiết bị dự phòng bảo đảm kịp thời sửa chữa, thay thế trong trường hợp có sự cố khi vận hành công trình. Nạo vét, giải tỏa ách tắc dòng chảy sông trục, kênh mương; kịp thời phát hiện, có biện pháp ngăn chặn và kiến nghị biện pháp xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
- Rà soát, đánh giá quy trình vận hành công trình thủy lợi, đặc biệt các công trình lớn, quan trọng (cống dưới đê sông Hồng, sông Luộc, trạm bơm lớn,...) bảo đảm việc vận hành an toàn, hiệu quả; trường hợp phải điều chỉnh, bổ sung quy trình vận hành công trình thủy lợi, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Các sở, ban, ngành; UBND cấp huyện, các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động triển khai thực hiện; giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh có trách nhiệm theo dõi việc tổ chức thực hiện Chỉ thị này; kịp thời báo cáo các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền về UBND tỉnh để xem xét giải quyết hoặc xin ý kiến chỉ đạo của Trung ương./.
|
CHỦ TỊCH |