Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2020 về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 do tỉnh Điện Biên ban hành

Số hiệu 06/CT-UBND
Ngày ban hành 25/05/2020
Ngày có hiệu lực 25/05/2020
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Điện Biên
Người ký Mùa A Sơn
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/CT-UBND

Điện Biên, ngày 25 tháng 5 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2021-2025

Thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính Phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; khẩn trương triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 với những nội dung và yêu cầu sau đây:

A. NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2021-2025

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá đầy đủ, chính xác tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh lần thứ XIII, Nghị quyết của HĐND tỉnh, kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020; dự báo tình hình trong nước, thế giới, khu vực và của tỉnh trong giai đoạn tới có tác động, ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, từ đó xác định mục tiêu phát triển của kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 phù hợp với dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020 - 2025; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành có liên quan. Những nội dung chủ yếu của báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 gồm:

I. Tổ chức đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020

Trên cơ sở tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các năm 2016-2019, ước thực hiện năm 2020; các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức đánh giá toàn diện việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 trên tất cả các ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, quản lý; trong quá xây dựng báo cáo cần bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được thông qua tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, các nghị quyết của Hội đồng nhân dân các cấp về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020đánh giá đầy đủ, thực chất, chính xác các kết quả đạt được, các yếu kém, khó khăn, hạn chế (cần nêu rõ được các thành tựu nổi bật của giai đoạn 2016-2020 và các tác động, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh lớn như đại dịch Covid-19, dịch tả lợn Châu Phi...), nguyên nhân, trách nhiệm và bài học kinh nghiệm để có biện pháp khắc phục cho giai đoạn tới.

1. Các Sở, ngành, các đơn vị đánh giá đầy đủ các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII; Nghị quyết số 392/2015/NQ-HĐND ngày 11/12/2015 của HĐND tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã (sau đây gọi là cấp huyện) đánh giá theo các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết Đại hội đảng bộ và HĐND cấp huyện về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 trên địa bàn.

2. Tình hình thực hiện chủ trương, chính sách lớn về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh theo từng ngành, lĩnh vực và địa phương, trong đó cần tập trung: Đánh giá rõ những kết quả đã đạt được về tăng trưởng đi đôi với phát triển bền vững và chuyển dịch cơ cấu kinh tế như cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; cơ cấu lại đầu tư công, đầu tư từ các thành phần ngoài ngân sách nhà nước; khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm chủ yếu; việc khai thác và sử dụng các nguồn lực, nhất là đất đai, tài nguyên khoáng sản...tình hình cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

3. Tình hình thực hiện 03 đột phá lớn về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển và đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Cần nêu rõ những kết quả cụ thể đã đạt được, như: Nghiên cứu thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương chính sách của Trung ương; tình hình huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng, các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh...

4. Kết quả huy động và thực hiện các nguồn vốn đầu tư phát triển; về thu chi ngân sách nhà nước và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh

5. Tình hình thực hiện các mục tiêu về văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, như: công tác bảo đảm an sinh xã hội, phát triển hệ thống bảo hiểm; tình trạng dân số; nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững; công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác phòng, chống dịch bệnh; tạo việc làm; thông tin, văn hóa; thể dục thể thao; thực hiện các quyền của trẻ em; thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng; phòng, chống tệ nạn xã hội...

6. Những kết quả về nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; khoa học, công nghệ. Trong đó đi sâu đánh giá tình hình phát triển và đổi mới giáo dục, đào tạo; về các kết quả nghiên cứu, ứng dụng trong thực tiễn và đóng góp của khoa học công nghệ đến phát triển kinh tế - xã hội…

7. Tình hình thực hiện công tác quy hoạch và phát triển vùng, liên kết vùng; phát triển đô thị; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Nông thôn mới. Tình hình thực hiện quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; ngăn ngừa và xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; triển khai và thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững...

8. Tình hình thực hiện nhiệm vụ về củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế trên địa bàn tỉnh.

9. Kết quả thực hiện cải cách hành chính; thực hiện xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; chất lượng đội ngũ cán bộ, chấp hành kỷ luật, kỷ cương; sắp xếp và tinh gọn bộ máy; công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác thi hành pháp luật, công tác tư pháp;...

10. Đánh giá kết quả trong công tác chỉ đạo, phối hợp và tổ chức thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020 của các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh.

11. Trên cơ sở tổng kết đánh giá các nội dung, chỉ tiêu cụ thể, đánh giá tổng quát kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, những kết quả đạt được, các hạn chế, yếu kém; các nguyên nhân chủ quan và khách quan; rút ra bài học kinh nghiệm cho giai đoạn tới.

II. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 xây dựng trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường như cạnh tranh chiến lược, chiến tranh thương mại…Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ và rộng rãi đến mọi mặt của đời sống; các thách thức an ninh phi truyền thống; biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng về cả tác động và cường độ; dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là đại dịch Covid-19...Trong nước, thế và lực của đất nước sau hơn 30 năm đổi mới đã lớn mạnh hơn nhiều cả về quy mô và sức cạnh tranh; tình hình chính trị - xã hội và kinh tế vĩ mô ổn định; niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và người dân ngày càng tăng lên,... Đảng, nhà nước và Quốc hội tiếp tục có những chủ trương, chính sách lớn cho phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Kinh tế của tỉnh trong những năm qua tiếp tục duy trì mức tăng trưởng hợp lý, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực; tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới bước đầu đạt kết quả quan trọng; một số chương trình, dự án lớn cơ bản hoàn thành giai đoạn chuẩn bị đầu tư là tiền đề và động lực cho sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới.

1. Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 là: Phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương; đẩy mạnh đổi mới toàn diện, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, tập trung huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng và đô thị đồng bộ theo hướng hiện đại; khai thác hiệu quả tài nguyên; bảo vệ môi trường; bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc và di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng và an ninh. Quyết tâm đưa Điện Biên thành tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

2. Các định hướng phát triển và các nhiệm vụ chủ yếu:

a) Trên cơ sở số liệu chính thức về chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cho giai đoạn 2016 - 2019 do Tổng cục Thống kê cung cấp, dự báo năm 2020 và ước thực hiện cả giai đoạn 2016-2020; từ đó xác định tốc độ tăng trưởng hàng năm và cả giai đoạn 2021-2025 đảm bảo phù hợp tình hình thực tế của tỉnh.

b) Tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; cải thiện môi trường kinh doanh, tham gia hiệu quả vào liên kết ngành, chuỗi giá trị; khắc phục thiệt hại, phục hồi sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế sau thiên tai, dịch bệnh; mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu.

c) Thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế theo quy hoạch đã được phê duyệt; thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng; tập trung xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế.

d) Đẩy mạnh xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, đô thị, nông nghiệp, công nghệ thông tin và truyền thông... Tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia theo định hướng của Trung ương.

đ) Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế; phát triển kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân ... Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án quan trọng, các công trình trọng điểm của tỉnh.

e) Nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ; chú trọng trong công tác đào tạo nguồn nhân lực. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện chủ chương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo yêu cầu.

[...]