Chỉ thị 05/CT-NHNN năm 2024 tăng cường quản lý rủi ro rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng giai đoạn 2024-2028 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
Số hiệu | 05/CT-NHNN |
Ngày ban hành | 06/11/2024 |
Ngày có hiệu lực | 06/11/2024 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Ngân hàng Nhà nước Việt Nam |
Người ký | Nguyễn Thị Hồng |
Lĩnh vực | Tiền tệ - Ngân hàng |
NGÂN HÀNG NHÀ
NƯỚC |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/CT-NHNN |
Hà Nội, ngày 06 tháng 11 năm 2024 |
VỀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ RỦI RO RỬA TIỀN TRONG LĨNH VỰC NGÂN HÀNG GIAI ĐOẠN 2024-2028
Thực hiện Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện sau đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền giai đoạn 2018-2022; Căn cứ Quyết định số 1485/QĐ-NHNN ngày 15/7/2024 ban hành Kế hoạch của NHNN triển khai Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 15/5/2024 của Chính phủ; Căn cứ Quyết định số 2176/QĐ-NHNN ngày 25/9/2024 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1485/QĐ-NHNN ngày 15/7/2024; Căn cứ kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền giai đoạn 2018 - 2022 được phê duyệt kèm theo Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ; nhằm kiểm soát, quản lý rủi ro rửa tiền, góp phần triển khai hiệu quả cơ chế phòng, chống rửa tiền, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ sau:
1. Tiếp tục tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát về phòng, chống rửa tiền trong đó tập trung vào việc thanh tra, kiểm tra, giám sát trên cơ sở rủi ro đối với các đối tượng báo cáo thuộc thẩm quyền dựa trên kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền của Việt Nam giai đoạn 2018-2022 và mức độ rủi ro rửa tiền của đối tượng báo cáo.
2. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát về phòng, chống rửa tiền trong đó tập trung vào việc thanh tra, kiểm tra, giám sát trên cơ sở rủi ro đối với đối tượng báo cáo là ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có rủi ro cao về rửa tiền theo kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền của Việt Nam giai đoạn 2018-2022.
3. Định kỳ thanh tra, kiểm tra, giám sát về phòng, chống rửa tiền đối với đối tượng báo cáo có rủi ro thấp/trung bình thấp/trung bình về rửa tiền theo kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền của Việt Nam giai đoạn 2018-2022, gồm: công ty tài chính tổng hợp, công ty cho thuê tài chính, công ty tài chính tín dụng tiêu dùng, tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, đại lý chuyển và thu đổi ngoại tệ.
4. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát về Phòng, chống rửa tiền của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước theo quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền.
II. Đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty trung gian thanh toán
1. Tăng cường kiểm tra, rà soát chứng từ, giao dịch khi cung ứng các sản phẩm tiềm ẩn rủi ro rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng được xác định theo kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền của Việt Nam giai đoạn 2018-2022.
2. Tăng cường rà soát giao dịch với khách hàng liên quan đến các lĩnh vực có rủi ro rửa tiền cao, trung bình cao theo kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền của Việt Nam giai đoạn 2018-2022.
3. Căn cứ quy định về báo cáo giao dịch đáng ngờ tại Khoản 1, Điều 26 và Khoản 3, Điều 37, Luật Phòng, chống rửa tiền 2022, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các công ty trung gian thanh toán đặc biệt lưu ý trong quá trình thực hiện rà soát các giao dịch, nếu nghi ngờ hoặc có cơ sở hợp lý để nghi ngờ tiền, tài sản trong giao dịch có liên quan đến các loại tội phạm nguồn có nguy cơ rửa tiền cao hoặc trung bình cao theo kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền của Việt Nam giai đoạn 2018-2022, gồm: tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tội mua bán trái phép chất ma túy; tội tham ô tài sản; tội nhận hối lộ; tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; tội trốn thuế; tội mua bán người; tội buôn lậu; tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; tội đánh bạc; tội tổ chức đánh bạc; tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia; tội phạm về môi trường thì phải lập và gửi báo cáo giao dịch đáng ngờ cho Cục Phòng, chống rửa tiền.
4. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm đảm bảo việc tuân thủ các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền và nhằm triển khai các biện pháp quản lý rủi ro phù hợp với rủi ro rửa tiền của quốc gia và tổ chức.
1. Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
2. Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty trung gian thanh toán có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này./.
|
THỐNG ĐỐC |