Chỉ thị 05/2007/CT-UBND tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, Tháng hành động Vì trẻ em, hoạt động hè và Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 do tỉnh Bến Tre ban hành
Số hiệu | 05/2007/CT-UBND |
Ngày ban hành | 19/04/2007 |
Ngày có hiệu lực | 29/04/2007 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Bến Tre |
Người ký | Võ Thành Hạo |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/2007/CT-UBND |
Bến Tre, ngày 19 tháng 4 năm 2007 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TỔ CHỨC KỶ NIỆM NGÀY QUỐC TẾ THIẾU NHI 1/6, THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ TRẺ EM, HOẠT ĐỘNG HÈ VÀ NGÀY GIA ĐÌNH VIỆT NAM 28/6
Năm 2006 là năm đầu tiên thực hiện Chương trình hành động Vì trẻ em của tỉnh giai đoạn 2006 - 2010, nhiều hoạt động, phong trào thiết thực, gương điển hình tiên tiến về việc chăm lo cho trẻ em đã xuất hiện ngày càng nhiều. Qua các năm thực hiện Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 04 tháng 5 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ, Ngày Gia đình Việt Nam đã được các huyện, thị triển khai đến tận xã, phường, thị trấn với nhiều chủ đề gia đình và trẻ em, dần dần tạo được sự nhận thức sâu sắc trong nhân dân về vai trò quan trọng của gia đình đối với sự phát triển toàn diện trong toàn xã hội.
Tuy nhiên, còn không ít người hiện nay vẫn chưa thấy hết ý nghĩa việc quan tâm đến công tác trẻ em là một trong những nhân tố quan trọng cung cấp nguồn nhân lực cao cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong thời gian tới; sự quan tâm cụ thể của một bộ phận lãnh đạo và nhân dân về việc xây dựng một gia đình thật sự no ấm, hạnh phúc vẫn còn hạn chế.
Năm 2007, Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, Tháng hành động Vì Trẻ em và hoạt động hè năm 2007 với chủ đề:
“Trẻ em nghèo mối quan tâm của chúng ta”
- Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 :
"Vì một mái ấm gia đình không có bạo lực”.
Để Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, Tháng hành động hè Vì trẻ em và hoạt động hè năm 2007, Ngày Gia đình Việt Nam được thực hiện tốt theo các chủ đề trên, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh thực hiện tốt những công việc cụ thể sau đây:
1. Các cơ quan thông tin đại chúng: Đài phát thanh và Truyền hình, Báo Đồng Khởi, Đài truyền thanh các huyện, thị xã cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và Ngày Gia đình Việt Nam, cụ thể là tiếp tục tuyên truyền:
- Nghị định số 36/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em;
- Quyết định số 19/2004/QĐ-TTg ngày 12 tháng 02 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc phê duyệt chương trình ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm phạm tình dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm giai đoạn 2004 –2010”;
- Quyết định số 65/2005/QĐ-TTg ngày 25/3/2005 của Thủ tướng Chính phủ Về phê duyệt Đề án “Chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em tàn tật nặng, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học và trẻ em nhiễm HIV/AIDS dựa vào cộng đồng giai đoạn 2005- 2010”;
- Nghị định số 114/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em;
- Chỉ thị số 197-CT/TƯ ngày 19/3/1960 của Ban Bí thư TW Đảng về công tác thiếu niên nhi đồng;
- Các mục tiêu của Chương trình hành động Vì trẻ em tỉnh Bến Tre giai đoạn 2006 – 2010 và Chương trình hành động Vì trẻ em của ngành, địa phương mình;
- Tăng cường tuyên truyền vai trò quan trọng của gia đình trong xã hội ngày nay, nét đẹp của gia đình truyền thống, nêu gương tốt về các gia đình, chăm sóc người cao tuổi và nuôi dạy trẻ em bằng nhiều hình thức thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng.
2. Tiếp tục học tập quán triệt Chỉ thị số 49/CT-TW ngày 21 tháng 02 năm 2005 của Ban Bí thư TW Đảng về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, tổ chức những hoạt động thiết thực nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 như: mítting, hội thảo, nói chuyện chuyên đề, họp mặt gia đình tiên tiến đặc biệt là tổ chức nói chuyện chuyên đề, thảo luận bàn các giải pháp đề phòng, chống nạn bạo hành trong gia đình. Đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng gia đình văn hóa trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở” nhằm tiến tới xây dựng gia đình Việt Nam theo chuẩn mực “Gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững”.
3. Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa - Thông tin, Sở Thể dục Thể thao, Đài Phát thanh và Truyền hình, Sở Giáo dục và Đào tạo, Liên đoàn Lao động tỉnh cần phối hợp xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện tốt Tháng hành động Vì Trẻ em, Ngày Gia đình Việt Nam và kế hoạch hoạt động Hè 2007 thông qua việc tổ chức các hoạt động văn hóa vui chơi bổ ích dành cho trẻ em: hội thi Tiếng hát Hoa phượng đỏ, hội thi kể chuyện sách hè, họp mặt gia đình tiên tiến, họp mặt con thương binh liệt sĩ hiếu học, các hội thi thể thao, các hoạt động cắm trại, tham quan tìm hiểu các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của quê hương, đất nước…
- Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Nhà văn hóa thiếu nhi, các Trung tâm văn hóa huyện, thị xã tổ chức các cuộc thi tìm hiểu đất nước và con người Bến Tre. Tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ, mở các lớp bồi dưỡng năng khiếu như: hát - múa, nhạc, hoạ, vi tính, … dành cho các em thiếu nhi.
4. Sở Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch quản lý tốt việc dạy thêm, học thêm, các vấn đề về vui chơi giải trí của trẻ em trong và ngoài nhà trường. Phát động phong trào tặng dụng cụ học tập, sách giáo khoa cho các em học sinh vùng sâu, vùng xa. Tùy điều kiện cụ thể của từng địa phương gắn kết hoạt động hè với chiến dịch Mùa hè xanh của sinh viên tình nguyện để các hoạt động đạt hiệu quả cao nhất đồng thời phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tốt các cuộc thi cho các em học sinh và Đội viên năm 2007.
5. Sở Thể dục Thể thao phối hợp với Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tỉnh tổ chức tốt Hội thao học sinh hè nhằm chọn lực lượng tham gia giải bóng đá dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Ngoài ra, Sở Thể dục Thể thao cần tổ chức các lớp phổ cập bơi để phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em.
- Phát động cuộc vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh ủng hộ Quỹ bảo trợ trẻ em các cấp và sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả nguồn quỹ. Vận động cán bộ, công chức, lao động trong toàn tỉnh ủng hộ ít nhất 1 ngày công vì trẻ thơ. Đối với cấp huyện trích 20% đóng góp cho Quỹ bảo trợ trẻ em huyện, thị do Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em huyện quản lý. Phấn đấu đạt 100 % các huyện, thị và cơ sở thành lập Quỹ Bảo trợ trẻ em theo Điều 39 của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi năm 2004).
6. Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Văn hóa - Thông tin, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Công an tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh:
a) Triển khai và hướng dẫn các huyện, thị xây dựng các đề án thực hiện Quyết định số 19/2004/QĐ-TTg ngày 12/02/2004 của Thủ tướng Chính phủ Về việc phê duyệt chương trình ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm phạm tình dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm giai đoạn 2004 –2010. Phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em trong và ngoài học đường. Triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 16/2005/TTLT/BTC-UBDSGĐTE-BLĐTB-XH, giữa Bộ Tài chính, Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc : Hướng dẫn quản lý sử dụng nguồn kinh phí thực hiện Quyết định số 19/2004/QĐ-TTg ngày 12/02/2004 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc phê duyệt Chương trình ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm phạm tình dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm giai đoạn 2004-2010”.
b) Phối hợp với các ban ngành, đoàn thể theo dõi, giám sát và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm quyền trẻ em còn tồn đọng trong thời gian qua, hướng dẫn và động viên cơ sở tiếp tục duy trì, thường xuyên thực hiện tốt công tác quản lý đối tượng của Chương trình, phát hiện sớm các trường hợp trẻ bị bệnh tật, trẻ bị bỏ rơi, trẻ mồ côi, ….. đưa vào Trung tâm tập trung nuôi dạy tốt.
c) Nâng cao chất lượng nội dung hoạt động của Câu lạc bộ trẻ em đường phố, Trung tâm Mái Ấm, tạo điều kiện cho trẻ em lang thang, trẻ em bị bỏ rơi có mái ấm gia đình.
d) Củng cố và phát huy hiệu quả hoạt động của Câu lạc bộ Phóng viên nhỏ, tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kỹ năng của phóng viên cho Câu lạc bộ Phóng viên nhỏ.